Nghị quyết nêu rõ, Chương trình hành động này nhằm mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Chính phủ đề ra 13 nhiệm vụ lớn nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025
Chính phủ đề ra 13 nhiệm vụ lớn nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và kinh tế, xã hội.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra 13 nhiệm vụ chủ yếu gồm:

Một là, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết và bảo đảm an sinh xã hội.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bốn là, tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.

Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Bảy là, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị.

Tám là, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Chín là, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mười là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Mười một là, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Mười hai là, xây dựng nền ngoại giao hiện đại, tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mười ba là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Nghị quyết nêu rõ, trên cơ sở các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình hành động của Bộ, cơ quan, địa phương mình trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ hằng năm, trong đó phải thể hiện bằng các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2021, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của từng bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp; đồng thời tổ chức đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động; bám sát các nội dung liên quan trong chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để thực hiện việc báo cáo theo quy định.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chương trình hành động; tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.