“Khi tôi quyết định về làm việc tại Chứng khoán Trí Việt (TVB), tôi chọn cho mình 3 KPI phải đạt được. Đó là TVB phải là công ty hiệu quả nhất; TVB phải là công ty có môi trường làm việc và thu nhập của người lao động thuộc nhóm cao nhất và TVB phải là công ty cung cấp các sản phẩm dịch vụ khác biệt có giá trị so với TOP dẫn đầu”. Doanh nhân Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc TVB mở đầu cuộc trò chuyện và cho biết, sau 2 năm, các cổ đông TVB đang có một công ty chứng khoán lớn lên mạnh mẽ. “Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào “Sứ mệnh Thịnh Vượng” mà chúng tôi đã chọn cho TVB và chúng tôi đang hiện thực hóa sứ mệnh ấy”. |
T ất cả những công ty lớn đều bắt đầu từ những công ty nhỏ. Ông Đỗ Đức Nam chia sẻ và cho rằng, yếu tố đầu tiên quyết định sự lớn mạnh của một doanh nghiệp là chiến lược phải đúng. “Khi tôi được Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt- Ông Phạm Thanh Tùng mời về làm việc tại TVB cách đây 2 năm, điều khiến tôi suy nghĩ đầu tiên là về sứ mệnh và chiến lược phát triển. Trí Việt khi đó mang một sứ mệnh rất đẹp - “Trí tuệ tạo dựng niềm tin” - nhưng có lẽ chúng tôi cần một định vị khác để thực thi khát vọng nâng tầm phát triển mà Chủ tịch Tập đoàn mong muốn. Trí tuệ đúng là sự nghiệp đáng giá nhất của cuộc đời, nhưng trên TTCK, điều đầu tiên nhà đầu tư quan tâm lại là lợi nhuận. Từng trải nghiệm nhiều cương vị công việc trên TTCK, tôi nhận thấy, người có trí tuệ là người có cơ hội thành công cao hơn, nhưng chưa chắc đã thành công trong thực tế. Vì thế tôi cùng các lãnh đạo Tập đoàn quyết định chọn cho TVB một sứ mệnh mới, gần gũi hơn, giá trị hơn, thực tế hơn và “vừa vặn” với kỳ vọng của Tập đoàn. “Sứ mệnh Thịnh Vượng” ra đời từ những trăn trở đó. Thịnh Vượng được Tổng giám đốc TVB định nghĩa gồm 2 giá trị: Thịnh Vượng về vật chất và Thịnh Vượng về tinh thần. “Với TVB, Thịnh Vượng là tiềm lực tài chính phải mạnh và khách hàng ngày càng yêu mến TVB. Với cổ đông, Thịnh Vượng là hiệu quả kinh doanh phải dẫn đầu và dòng cổ tức phải được rót thường xuyên về tài khoản. Với nhà đầu tư, Thịnh vượng là có đủ công cụ tài chính để sử dụng dòng tiền thông minh, lợi nhuận tăng trưởng tốt nhất. Với người lao động, Thịnh vượng là lương tăng, môi trường làm việc chuyên nghiệp, gắn bó và hạnh phúc…” Lấy "Sứ mệnh Thịnh Vượng" làm gốc, TVB thay đổi mạnh mẽ chiến lược tiếp cận với các chủ thể trong hệ sinh thái của Công ty. Chẳng hạn, trước đây thì không, nhưng từ năm 2020, TVB bắt đầu chia cổ tức bằng tiền. Vài tháng trước, Công ty chia cổ tức tiền mặt 9,6%, dự kiến sang tháng 12 sẽ chia tiếp 10%.... “Ở quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, sắp tới sẽ nâng vốn điều lệ lên 5.000 - 6.000 tỷ đồng, TVB đã không còn nhỏ nữa và “khi Công ty có tiền sẽ nghĩ ngay đến cổ đông, đến người lao động, đến các đối tác của TVB". “Sứ mệnh Thịnh Vượng mà chúng tôi chọn không có gì cao siêu, đó là những mục tiêu đo đếm được theo từng giai đoạn. Vì đo đếm được nên tự nó tạo nên niềm tin và niềm tin được nhân lên theo hiệu quả thực tế cho tất cả các chủ thể”. Ông Nam chia sẻ và cho biết, TVB đang tính những bước đi khác biệt để bước vào TOP dẫn đầu thị trường. |
Cơ hội việc làm trên thị trường tài chính Việt Nam rất rộng mở, nhất là với những người giỏi nghề. Vậy lý do nào khiến Ông quyết định chọn TVB là nơi làm việc? Nơi tôi làm việc gần nhất trước khi về TVB là Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC). Ở đó, tôi từng nghĩ mình là người thành công khi kiếm được nhiều tiền( cười), nhưng rồi một ngày tôi hiểu hơn về “công thức 3-3-4”, đó là làm trong một tổ chức lớn thì thành công chỉ có 30% đến từ năng lực cá nhân; 30% đến từ thương hiệu công ty và 40% đến từ sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp. Công thức này khác hẳn với việc nếu tôi làm ở một tổ chức nhỏ hơn, thành công sẽ phụ thuộc 70% vào năng lực cá nhân mình, giá trị thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ của tổ chức chỉ còn góp 30%. Có nhiều yếu tố khi quyết định chọn một môi trường làm việc mới, nhưng với tôi, tôi chọn đến TVB vì Công ty có đủ điều kiện nền tảng để tôi được góp 70% năng lực cá nhân cho thành công của tổ chức. Đó là điều kiện cần. Điều kiện đủ và quan trọng nhất với tôi là tầm nhìn và khát khao phát triển của Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt - Ông Phạm Thanh Tùng đủ lớn và cũng phù hợp với khát khao của cá nhân tôi. Hai yếu tố này cộng với việc trao quyền lớn mà Chủ tịch Tập đoàn dành cho tôi đã khiến tôi quyết định “nhận lời”. Hai năm nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc TVB, tôi có nhiều niềm vui trong thách thức công việc. Bạn thử nghĩ xem làm sao không vui được khi chúng tôi hợp sức với nhau, tạo nên những thành quả đo đếm được rất rõ ràng. TVB của 2 năm trước chỉ có vốn điều lệ quanh 250 tỷ đồng; nguồn vốn kinh doanh hơn 350 tỷ đồng; hiệu quả kinh doanh khoảng 15-20 tỷ đồng/năm; hệ thống sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế; các nhân sự chủ yếu làm tròn vai là chính. Còn nay, TVB là công ty chứng khoán nằm trong TOP hiệu quả kinh doanh hàng đầu; nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đạt trên 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận của TVB năm 2021 có thể đạt từ 350 - 450 tỷ đồng, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2019 - năm tôi bắt đầu đảm nhận Tổng giám đốc Công ty. Nhưng điều vui nhất là TVB xây dựng được tệp khách hàng rất tốt và sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong tương lai. Hệ thống nhân sự được củng cố với nhiều nhân sự mới có chất lượng cao từ các công ty chứng khoán hàng đầu gia nhập TVB. Quản trị nội bộ và công nghệ chuyển đổi sang quản trị số… Tôi thấy mọi người đều vui với sự thay đổi của TVB và tôi tin rằng, niềm vui ấy sẽ được nhân lên trong bối cảnh nền kinh tế, nhất là TTCK Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng rất sáng tới đây.
|
Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 3-5 năm tới trong góc nhìn của Ông sẽ như thế nào? Sau 25 năm Chính phủ quyết định khai mở ngành chứng khoán, thị trường nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các dòng tiền đầu tư và TTCK cũng đã khẳng định rõ nét vai trò là một trong những trụ cột chính của kinh tế Việt Nam. Với sự ra đời của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp mới, nền tảng pháp lý, sản phẩm, dịch vụ chứng khoán chắc chắn sẽ thay đổi mạnh mẽ để tạo nên một bước ngoặt lịch sử: nâng hạng từ thị trường sơ khai lên thị trường cận biên trên trường quốc tế. Trong 1-2 năm tới, cơ hội cho TTCK phát triển là rất lớn. Hiện nay, số tài khoản chứng khoán mới chiếm khoảng 3,5% dân số Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2025 đặt mục tiêu sẽ đạt khoảng 5% dân số có tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, tôi tin rằng, tỷ lệ 5% này sẽ đạt được nhanh hơn. Đến năm 2025, số người Việt Nam có tài khoản chứng khoán sẽ từ 8-10%. Bên cạnh sự tăng lên của nhà đầu tư, điều đáng đặt niềm tin vào TTCK đó là sự phát triển về chất. Quản trị tại các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã khác rất nhiều so với trước, theo hướng minh bạch và nâng tầm. Nhiều công ty đã thực hiện theo quy chuẩn báo cáo tài chính quốc tế, nên tính bền vững cao hơn. Tiềm lực tài chính của các CTCK đã tăng mạnh mẽ, nhưng nhìn lại sẽ thấy, những năm gần đây số vốn huy động của tất cả các CTCK cộng lại/năm cũng chưa bằng số vốn huy động của 1 ngân hàng cỡ trung. Rõ ràng, khối CTCK còn nhiều cơ hội để lớn mạnh, để đảm nhiệm vai trò trung gian tài chính trên một thị trường mà quy mô giao dịch chắc chắn sẽ nâng lên 2-3 tỷ USD/ngày trong 1-2 năm tới. Điều đặc biệt ấn tượng là quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh, tại Việt Nam cũng đã đạt mức gấp đôi quy mô thanh khoản trên thị trường cơ sở như nhiều nước trên thế giới. Thử hình dung nếu thị trường phái sinh Việt Nam có nhiều công cụ hơn, nếu pháp lý cho phép nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch trên sàn phái sinh nữa thì quy mô thanh khoản sẽ còn lớn đến mức nào. |
Nhưng 2 thập niên qua, thị trường chứng khoán đã từng thăng lên, giáng xuống không ít lần và nhiều người vẫn sợ cú sốc kinh hoàng khi VN-Index từ đỉnh cao 1170 (năm 2008) điểm rơi xuống 235 điểm. Trong góc nhìn lạc quan về tương lai, theo Ông liệu có khả năng nào thị trường sẽ đối mặt với những rủi ro lớn, như đã từng diễn ra? Bản chất kinh doanh chứng khoán là tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở quản trị rủi ro. Vì thế rủi ro là điều đương nhiên mọi thành viên sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với nền tảng khác hẳn 10 năm, 20 năm về trước, TTCK Việt Nam sẽ bền hơn nhiều và sẽ không còn phải chịu những cú sốc quá lớn như đã từng xảy ra. Hãy nhìn vào các doanh nghiệp niêm yết. Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM hiện có 45 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa tỷ USD và nhiều trong số đó đã vượt lên mức 5 tỷ USD, 10 tỷ USD. Đó là những điều chúng ta không có được từ 10 năm trước. Khi các doanh nghiệp đủ lớn, họ có cơ hội lớn để mở rộng tầm ảnh hưởng và phát triển bền vững và điều này tạo nên sức hấp dẫn bền vững không chỉ với nhà đầu tư trong nước, mà còn quốc tế. Trên bình diện vĩ mô, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng trong TOP đầu khu vực, Chính phủ phát triển nền kinh tế với tư duy ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực, các tập đoàn hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Sự chuyên nghiệp và ý thức minh bạch của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng cũng được cải thiện mạnh mẽ để bắt kịp và tiến cùng với xu thế hội nhập. Những nỗ lực này tạo nên cơ hội và sự bền vững từ gốc cho TTCK Việt Nam.
Trong ngành chứng khoán, nghiệp vụ nào sẽ có cơ hội phát triển mạnh nhất và TVB đang ở vị thế nào trong mảng nghiệp vụ đó, theo Ông? Nghiệp vụ có cơ hội phát triển mạnh mẽ mà ai cũng nhìn thấy là môi giới (cười). TVB cũng nhìn thấy nhưng tôi biết trong ngắn hạn chúng tôi sẽ khó cạnh tranh với TOP 3 công ty chứng khoán đang dẫn đầu thị phần. Các nghiệp vụ khác cũng đều có cơ hội phát triển, nhưng TVB muốn chọn bước đi khác biệt, bước vào những phân khúc khách hàng khác biệt để tạo nên vị thế dẫn đầu. Ở đây, tôi muốn chia sẻ rõ hơn một chút về định nghĩa dẫn đầu. Trong tất cả các chỉ tiêu đo lường như: tính hiệu quả, thị phần, doanh số, lợi nhuận, margin, số tài khoản… thì TVB chọn dẫn đầu về hiệu quả. Tức là chọn dẫn đầu về tỷ suất sinh lợi đồng vốn trên vốn chủ sở hữu của cổ đông (ROE). Thực tế, TVB đã ghi danh trong TOP 3 thị trường về ROE tính đến thời điểm kết thúc quý III/2021. Việc chọn ROE làm tiêu chí dẫn đầu cũng rất vừa vặn với Sứ mệnh Thịnh Vượng của TVB, bởi rõ ràng, một công ty tốt nhất là công ty mang lại ROE tốt nhất cho những người sở hữu nó. Vậy làm thế nào để TVB tiếp tục dẫn đầu về hiệu quả hoạt động? Chúng tôi nhìn thấy cơ hội rộng lớn và chọn tâm điểm phát triển là 3 nghiệp vụ: Môi giới; quản lý tài sản và tự doanh bên cạnh nghiệp vụ về Ngân hàng đầu tư. Với hoạt động môi giới, theo kế hoạch đến 2025 TVB sẽ tăng vốn lên 6.000 tỷ, nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh môi giới từ 12.000 - 15.000 tỷ; mức lợi nhuận có thể đạt quanh 3.000 tỷ đồng/năm. Về số tuyệt đối, chúng tôi có thể xếp sau so với TOP 3 công ty chứng khoán lớn nhất nhưng TVB khác biệt ở cách tạo ra dòng doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Chẳng hạn, cùng với việc phục vụ các khách hàng cá nhân giàu có, TVB chọn tập trung vào phân khúc khách hàng là các doanh nghiệp hạng trung đang niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết. Chúng tôi có lợi thế trong mối quan hệ với các khách hàng này và đã hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp thành công trong bước đầu niêm yết. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc phát triển hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp tầm trung - khi đây là tệp khách hàng có số lượng rất lớn, khát vọng lên sàn và cần những người bạn, những sự hỗ trợ đủ chân thành như TVB để cùng kiến tạo thành công. Về mảng quản lý tài sản, Tập đoàn mẹ của TVB (T-Corp) đã làm nhiều năm nghiệp vụ quản lý tài sản cho các VIP (người giàu có) và rất thành công, nên TVB sẽ tiếp nối và mở rộng không gian nghiệp vụ này. Với sự phát triển của nền kinh tế và TTCK, số người giàu có tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Quản lý tài sản phụ thuộc vào uy tín, năng lực cá nhân những người thực hiện, chứ không đòi hỏi về nguồn tài chính phải rất lớn, nên rất phù hợp với TVB. Thực tế, ở TVB hiện nay không có Phòng Môi giới, mà môi giới được hiểu là một phần của nghiệp vụ Quản lý tài sản. Từ tư duy của người đứng đầu, chúng tôi định vị tư duy cho tất cả nhân sự TVB, đó là làm cách nào mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, cho đối tác, từ đó sẽ mang đến hiệu quả cao nhất cho Công ty. Một mảng quan trọng khác là hoạt động tự doanh. 9 tháng đầu năm 2021, TVB đạt tỷ suất lợi nhuận dẫn đầu thị trường và chúng tôi tự tin sẽ tiếp tục làm tốt nhất mảng này trên cơ sở cảm nhận được về cơ hội thị trường, cơ hội từ các doanh nghiệp và năng lực ra quyết định của bộ phận nhân sự chủ chốt tại TVB. |
Trên thị trường, các công ty đầu ngành đã định hình cho mình giá trị thương hiệu, giá trị kinh doanh cốt lõi riêng. TVB làm thế nào để theo kịp, tiến cùng và ghi danh trong TOP đầu ngành trên thị trường? Như tôi đã nói, tất cả những công ty lớn đều bắt đầu từ công ty bé hoặc trung bình. TVB từ bé đã vượt lên quy mô trung bình khá và trong tiến trình đó, chúng tôi đã song hành, hỗ trợ nhiều công ty mới lên sàn ở quy mô trung bình đứng vững và lớn lên. Tôi tin TVB sẽ lớn rất nhanh khi đã và đang phát triển hệ sinh thái khách hàng riêng biệt của mình, bởi chúng tôi có thế mạnh riêng biệt từ Tập đoàn mẹ, có niềm tin từ thị trường và có Sứ mệnh phát triển phù hợp với mong muốn, khát vọng của tất cả các chủ thể tham gia TTCK Việt Nam. Có thể bạn sẽ thấy tôi hơi tự tin quá, nhưng đúng là khi trải qua môi trường làm việc tại nhiều công ty chứng khoán trong nước và nước ngoài, tôi học được nhiều thứ. Quý nhất là tầm nhìn và cách chọn mục tiêu chiến lược của các tổ chức mà tôi đã đi qua. Tôi mang đến Trí Việt và tại đây, môi trường này giúp tôi phát huy những gì đã được trải nghiệm, học hỏi. Nhiều lúc nói vui, tôi thấy mình như một cầu thủ, sẵn sàng thỏa sức ở mọi sân chơi. Nhưng kinh nghiệm cũng cho tôi biết rằng, đầu tiên, với một tổ chức, Chiến lược phải đúng. Nếu chiến lược đặt sai thì mọi cố gắng đều vô ích. Từ chiến lược tổng thể sẽ quyết định cần nhân sự như thế nào, chính sách phát triển, mô hình kinh doanh ra sao… Tôi nhìn thấy cách xây dựng phát triển mô hình quản lý một công ty chứng khoán chuyên nghiệp và tại TVB, chúng tôi sẽ làm theo từng giai đoạn, làm một cách khác biệt để hiện thực hóa các khát khao phát triển của Tập đoàn. |
Hồng Lĩnh Đồ họa: Anh Đức |