eMagazine
Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Tôi chọn gắn mình với lợi ích cổ đông”

12:03 | 13/10/2021

Cầm chắc lợi nhuận của 2 công ty TVC, TVB đạt 600 tỷ đồng năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt Phạm Thanh Tùng chia sẻ, mục tiêu lợi nhuận 4 con số không còn xa khi trong tháng 10 này, TVC có thêm dòng tiền mới, thêm cổ đông chiến lược, xứng tầm.
Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Tôi chọn gắn mình với lợi ích cổ đông”

Cầm chắc lợi nhuận của 2 công ty TVC, TVB đạt 600 tỷ đồng năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt Phạm Thanh Tùng chia sẻ, mục tiêu lợi nhuận 4 con số không còn xa khi trong tháng 10 này, TVC có thêm dòng tiền mới, thêm cổ đông chiến lược, xứng tầm.

Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Tôi chọn gắn mình với lợi ích cổ đông”

Trong bức thư tìm kiếm các V.I.P trở thành cổ đông, đối tác dài hạn tại TVC mới đây, thay vì đặt mình ở vị trí người sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt ( T-Corp) Phạm Thanh Tùng đã chọn tâm thái “người làm thuê cao cấp”, gắn mình với lợi ích của các cổ đông - các tổ chức, cá nhân có sức mạnh. “Cá nhân tôi không thích sử dụng quyền lực cứng từ việc sở hữu lớn để bảo A là A, bảo B là B, nên tôi không ngại chia sẻ quyền sở hữu doanh nghiệp”, Chủ tịch Tùng nói và cho biết, khát khao lớn nhất là xây dựng một Tập đoàn lớn mạnh. Sức mạnh nằm ở chính các cổ đông, các khách hàng, đối tác có đẳng cấp, để cộng hưởng năng lực về tài chính, kinh nghiệm và cả những mối quan hệ, tạo nên giá trị trong đầu tư, trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

“Tôi chọn con đường mở rộng cổ đông, mở rộng đối tác để phát triển Tập đoàn lên bước cao hơn khi tôi thấu hiểu câu: ‘Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa cần đi cùng nhau’”, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng nói.

Muốn giàu, chỉ có đầu tư

9 tháng đầu năm 2021, CTCP Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) ước đạt lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, còn Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB) ước đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chủ tịch Phạm Thanh Tùng chia sẻ và cho biết, con đường để Trí Việt đạt mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ không còn xa, nếu không phải là cuối năm 2021 thì sẽ là năm 2022, trong bối cảnh nội lực Trí Việt đã vững và TTCK còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh hiệu quả kinh doanh tăng mạnh, niềm vui Chủ tịch Tùng Trí Việt chia sẻ với tôi trong lần gặp tháng 10 là việc Tập đoàn đã định rõ con đường cho tương lai dài hạn. Đây cũng là điều tôi hứng thú lắng nghe và ghi lại, chia sẻ với bạn đọc sau 15 năm được quan sát một người trẻ khởi nghiệp, rẽ ngang từ nghề giảng viên đại học sang kinh doanh.

Năm 2005, ông Phạm Thanh Tùng nhận bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh tài chính tại Trường đại học Birmingham (Anh Quốc). Với suy nghĩ làm gì để có thể đóng góp được nhiều nhất cho xã hội, ông Tùng trăn trở giữa việc lựa chọn con đường trở thành một giảng viên đại học hay là một doanh nhân, đem tài năng và trí tuệ của mình đóng góp cho đời. Cuối cùng, thay vì trở lại Học viện Ngân hàng làm giảng viên, Ông quyết tâm lập nghiệp và chọn thị trường chứng khoán Việt Nam làm nơi thể hiện năng lực, hướng tới xây dựng một định chế tài chính lớn trên thị trường, để sau này Ông có thể tiếp tục sự nghiệp giáo dục thông qua việc mở các cơ sở đào tạo. Cái tên Phạm Thanh Tùng xuất hiện trên TTCK sau khi thương vụ đầu tiên được thực hiện thành công, đó là việc mua lại CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương - doanh nghiệp thành lập từ năm 2006. Đến năm 2012, thương vụ thứ hai được hoàn tất với việc mua lại CTCP Thương mại Thúy Dương và phát triển thành CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC).

Lúc khởi đầu, TVB có vốn điều lệ chỉ 28 tỷ đồng, còn TVC có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, sở hữu đa số thuộc về Phạm Thanh Tùng. 2 công ty được tổ chức theo mô hình mẹ - con, hợp sức phát triển các nghiệp vụ kết nối giữa hoạt động cốt lõi của ngành chứng khoán (dịch vụ giao dịch) với hoạt động của một ngân hàng đầu tư (thu xếp vốn). Theo thời gian, TVC-TVB dần dần lớn mạnh. Năm 2020, TVC vượt qua con số 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, còn TVB mang lại khoản lãi 72 tỷ đồng cho các cổ đông. Đặc biệt, chỉ tiêu hiệu quả sinh lời đồng vốn (EPS) của hai doanh nghiệp tăng rất mạnh kể từ đầu năm 2020, tính đến hết quý II/2021, EPS 4 quý gần nhất của TVC đạt 4.304 đồng/cổ phiếu, còn tại TVB là 3.408 đồng/cổ phiếu - mức sinh lợi thuộc TOP dẫn đầu trong số các công ty cùng ngành tài chính - chứng khoán tại Việt Nam.

Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Tôi chọn gắn mình với lợi ích cổ đông”

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng Trí Việt vẫn một con đường vững tiến.

Với hiệu quả kinh doanh tích cực, TVC đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư VIP và các cổ đông lớn trong kế hoạch tăng thêm 150 tỷ đồng vốn mới bằng phát hành riêng lẻ, ở mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu. Dự kiến cuối tháng 10, TVC sẽ hoàn tất kế hoạch này, nâng vốn điều lệ lên gần 1.200 tỷ đồng.

Tại TVB, vốn điều lệ cũng đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng vào tháng 6/2021. Cách đây 15 năm trước, khó ai có thể tin rằng, một nhà giáo trẻ, mới đi học ở nước ngoài về, rẽ ngang sang nghiệp doanh nhân lại có thể lập nên Tập đoàn có quy mô tài sản vài nghìn tỷ như hiện tại. Nhưng Chủ tịch Tùng Trí Việt đã làm được và làm rất hiệu quả với một tư duy rất rõ: “Muốn giàu chỉ có đầu tư”.

Tôi thúc đẩy Chủ tịch Phạm Thanh Tùng, với tố chất của nhà giáo, hãy chia sẻ thật nhiều câu chuyện kinh doanh cho giới trẻ - những người đang khát khao con đường lập nghiệp - để thắp lên niềm tin và nhân lên những thành công cho xã hội. Nhưng theo Ông, thị trường đang tốt và Ông muốn tập trung tích tụ tài chính cho Tập đoàn thêm một thời gian nữa. “Trong thâm tâm, tôi luôn ước ao được làm ngành đào tạo, vì đây là cái nghề có ích rất lớn cho đời, nhưng tôi sẽ làm từng bước một”, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng chia sẻ và cho biết, thực ra, các tập đoàn lớn ở nước ngoài đều có trường học và ở Việt Nam cũng đã đang xuất hiện mô hình trường học trong tập đoàn như tại FPT, VinGroup… “Các bạn bè học cùng trường với tôi có nhiều người là giáo sư, tiến sỹ. Họ rất hứng thú với ý tưởng phát triển giáo dục và sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ để làm, nhưng tôi dự tính ý tưởng này có thể triển khai sau năm 2023”. Ông Tùng nói.

Tại sao lại là năm 2023? Tôi hỏi. Câu trả lời của Chủ tịch Phạm Thanh Tùng gói trong nhận định: “TTCK Việt Nam đang có cơ hội tốt cho đầu tư, cho các hoạt động M&A và Trí Việt muốn phát triển Tập đoàn lên tầm cao mới, đủ sâu về tài chính, đủ bền về quan hệ”. Từ đó, sẽ mở rộng sang mảng kinh doanh có giá trị cho đời”.

Chọn VIP làm khách hàng mục tiêu

Trong quan sát của Chủ tịch Phạm Thanh Tùng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng tích cực, ít nhất trong 3 năm nữa. Với các nền tảng chính sách mới, đặc biệt là Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021, nguồn cung hàng hóa trên TTCK sẽ ngày càng tốt hơn, trong khi sức cầu đang mở rộng. Kể từ đầu năm 2020, người Việt Nam đã tham gia rất mạnh mẽ vào kênh đầu tư chứng khoán, với lượng tài khoản mở mới khoảng 1,5 triệu. Tuy nhiên, tất cả số tài khoản trên TTCK Việt Nam hiện nay vẫn chưa tới 3,5% dân số, cho thấy, dư địa để TTCK thu hút thêm nhà đầu tư còn rộng mở, cơ hội cho các tổ chức tài chính trung gian còn nhiều phía trước.

Nếu như các công ty doanh nghiệp hàng đầu như SSI, HSC… phục vụ mọi đối tượng nhà đầu tư, tập trung vào các khách hàng tổ chức, thì Trí Việt chọn cho mình vùng khách hàng tiềm năng nhỏ hơn, nhưng chất hơn, đó là tầng lớp trung lưu và những người giàu có. Chủ tịch Phạm Thanh Tùng gọi họ là “VIP”, “very VIP” và đặt mục tiêu nhân lên hệ sinh thái khách hàng, đối tác là các chủ thể VIP. Tất nhiên, Tập đoàn Trí Việt phải giải được bài toán chất lượng dịch vụ, con người cần có đủ niềm tin, đủ đẳng cấp phục vụ, song hành cùng khách VIP, nhưng Chủ tịch Phạm Thanh Tùng tự tin rằng, Trí Việt đang và sẽ làm được trên cơ sở nội lực và nền tảng của Công ty.

Người giàu cần gì? Ông Phạm Thanh Tùng đặt vấn đề và chia sẻ với tôi rằng, họ cần nhân lên giá trị tài sản và cần những dịch vụ mang lại sự hài lòng xứng đáng với yêu cầu của khách hàng V.I.P. “Trí Việt có thể đồng thời đáp ứng cả hai nhu cầu này”, Ông Tùng chia sẻ.

“Trong đầu tư, nếu đạt lợi nhuận 10-15% thì ai cũng làm được và đó không phải là điều chúng tôi hướng đến. Cũng là làm, nhưng chúng tôi muốn thể hiện năng lực và tạo dấu ấn bằng tỷ suất lợi nhuận và tôi tin, đây cũng chính là thước đo đánh giá năng lực để khách hàng, đối tác đặt niềm tin cho mối quan hệ dài hạn với chúng tôi”. Phạm Thanh Tùng nói.

Cặp đôi TVC - TVB ban đầu có quy mô nhỏ bé, nhưng đến nay đã vươn lên thành doanh nghiệp nghìn tỷ chủ yếu bằng con đường tích lũy lợi nhuận trong đầu tư, bên cạnh việc thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ về vốn. Mảng dịch vụ dù có làm tốt thì vẫn chỉ có thể đạt đến một biên lợi nhuận hạn chế, còn hoạt động đầu tư thì không có biên lợi nhuận này. Đầu tư thành công đến đâu phụ thuộc rất lớn vào năng lực cá nhân người quyết định, cũng như xu hướng thị trường. Và tỷ suất lợi nhuận trong đầu tư chính là điểm được Chủ tịch Phạm Thanh Tùng chọn lựa theo đuổi, để tạo nên sự khác biệt cũng như giá trị cốt lõi cho Tập đoàn Trí Việt.

Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Tôi chọn gắn mình với lợi ích cổ đông”

Để mở rộng hệ sinh thái VIP, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng Tùng quan niệm, trước hết, Tập đoàn Trí Việt phải làm tốt cho chính mình. Hoạt động tự doanh của Tập đoàn phải đứng trong TOP 3 hiệu quả nhất trên TTCK Việt Nam. Mục tiêu này đang được Trí Việt hiện thực hóa.

“Tôi nghĩ, giúp một doanh nghiệp, một khoản đầu tư tốt lên cũng là một cách đóng góp tích cực cho xã hội. Tôi mong phát triển hệ sinh thái đối tác V.I.P để cùng Trí Việt trải nghiệm cách tạo giá trị mới trên thị trường M&A”, Phạm Thanh Tùng tâm sự.

Tâm thái mới của Chủ tịch Tùng Trí Việt

Bên cạnh hoạt động đầu tư, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng tự tin xây vị trí TOP 3 cho Tập đoàn Trí Việt ở 2 mảng dịch vụ mà TTCK Việt Nam chưa phát triển, đó là dịch vụ ủy thác đầu tư và dịch vụ quản lý tài sản. Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng cao suốt 10 năm gần đây, nên tầng lớp trung lưu và giàu đã tăng mạnh. Đây là tệp khách hàng mà Trí Việt khát vọng mở rộng, trên cơ sở xây dựng niềm tin bằng lợi ích thực tế cho chính các V.I.P và chia sẻ các cơ hội đầu tư phù hợp, nhân lên hiệu quả quản lý tài sản cho những người có tiềm lực kinh tế.

Một mảng thị trường rất giàu tiềm năng mà Trí Việt muốn thu hút các VIP cùng khai thác, đó là tham gia thị trường M&A doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đánh giá của Phạm Thanh Tùng, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều yếu về quản trị công ty, yếu về tài chính, nên nếu “những hạt giống tốt” được tiếp thêm sức mạnh về quản trị và tài chính thì sẽ phát triển thành cây to, vững vàng, có giá trị, có tầm vóc trên thương trường. Với nền tảng kiến thức của một người thầy, có đam mê đầu tư và sự trải nghiệm thực tế, người sáng lập Trí Việt có khả năng nhìn ra cơ hội. Đây chính là điểm Tùng Trí Việt luôn mong muốn đồng hành cùng các VIP tham gia thị trường M&A, nâng tầm một số doanh nghiệp yếu hoặc trung bình trở thành những khoản đầu tư giá trị. “Tôi nghĩ, giúp một doanh nghiệp, một khoản đầu tư tốt lên cũng là một cách đóng góp tích cực cho xã hội. Tôi mong phát triển hệ sinh thái đối tác V.I.P để cùng Trí Việt trải nghiệm cách tạo giá trị mới trên thị trường M&A”, Phạm Thanh Tùng tâm sự.

Biết Chủ tịch Phạm Thanh Tùng từ những ngày đầu khi khởi nghiệp, chứng kiến sự phát triển của Tập đoàn nhiều năm, tôi luôn thầm chúc chiến lược mà Ông đã chọn sẽ ngày càng rộng mở, vì SỨ MỆNH THỊNH VƯỢNG của Trí Việt phù hợp với mục tiêu, con đường mà mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cá nhân cùng khát vọng vươn tới./.

Bài: Tường Vi
Ảnh: Đỗ Công Đức

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 12:03 | 13/10/2021