Hoàn thành 80% kế hoạch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh

Thông tin được chia sẻ trên VnExpress của ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS cho biết, hệ thống khớp lệnh mà FPT xây dựng đã hoàn thành 80%, cuối tháng này có thể vận hành. FPT đã cùng nhà quản lý TTCK xây dựng hệ thống với kế hoạch 100 ngày, chia làm 5 giai đoạn gồm khảo sát, phát triển hệ thống, HOSE kiểm tra tính đúng đắn, kiểm thử diện hẹp tại 24 công ty chứng khoán hàng đầu và mở ra kiểm thử diện rộng tại 73 thành viên toàn thị trường.

Chứng khoán bật tăng khi “kế hoạch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh” sắp về đích
Kế hoạch 100 ngày được hình thành sau cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Tài chính với Chủ tịch FPT và lãnh đạo ngành chứng khoán

Trước đó, chiều nay (9/3), Bộ Tài chính cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán với sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (hiện nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội). Tại đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE) trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm.

Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 đến 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Tại buổi làm việc, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm cùng Bộ Tài chính xây dựng giải pháp tháo gỡ tình trạng nghẽn mạng trong giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE trong thời gian nhanh nhất. Từ đây, kế hoạch 100 ngày được hình thành, trên cơ sở quyết tâm phối hợp giải quyết nghẽn lệnh của FPT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE.

Cơ quan quản lý cũng đốc thúc, nhưng không thể làm nhanh hơn

Ông Triều cho rằng áp lực lớn nhất khi triển khai hệ thống mới là sự kỳ vọng quá lớn của nhà đầu tư, bởi đây là việc thay thế một hệ thống giao dịch chứ không đơn thuần xử lý sự cố kỹ thuật của phần mềm.

Chứng khoán bật tăng khi “kế hoạch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh” sắp về đích
Ông Dương Dũng Triều cho biết, Cơ quan quản lý đốc thúc FPT IS và HOSE đẩy nhanh tiến độ, nhưng khi xem xét thì kế hoạch kín kẽ đến mức không thể nhanh hơn được

"Cơ quan quản lý cũng đốc thúc chúng tôi và HOSE đẩy nhanh tiến độ, đáp lại sự kỳ vọng của nhà đầu tư nhưng khi xem xét thì kế hoạch kín kẽ đến mức không thể nhanh hơn được", ông Triều nói, "Để hạn chế sai sót xuống mức thấp nhất, sự thận trọng, không đốt cháy giai đoạn là một trong những ưu tiên hàng đầu".

Theo người đứng đầu FPT IS, thông thường xây dựng một hệ thống xử lý lượng giao dịch lớn được triển khai trong điều kiện bình thường (không dịch bệnh và áp lực thời gian) phải tính đơn vị năm mới hoàn thiện. Ví dụ, Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia khi thay hệ thống giao dịch mới mua từ Nasdaq OMX phải tổ chức một lực lượng 144 người chuyên trách phối hợp cùng nhà thầu thực hiện trong vòng 14 tháng, từ đầu 1/2008 đến 3/2009.

FPT IS bắt đầu xây dựng hệ thống khớp lệnh thay thế từ đầu tháng 3 năm nay, khi tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE đã kéo dài 3 tháng. Đơn vị này cử 50 nhân sự phối hợp 30 chuyên gia của HoSE tập trung vào 3 đầu việc chính là sửa phần mềm giao dịch chứng khoán của sàn Hà Nội (HNX) cho phù hợp với đặc tính giao dịch của HoSE, viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán và tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán...

Dự kiến việc chuyển đổi được thử nghiệm trong ba cuối tuần của tháng này để ngày 28/6 hệ thống mới sẵn sàng chờ lệnh vận hành từ Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Hệ thống có công suất xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, tức gấp ít nhất 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh nghẽn cục bộ.

FPT IS được giao vận hành hệ thống này một năm trong thời gian chờ Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) hoàn thiện hệ thống mới. Sau thời gian này, FPT IS vẫn tiếp tục tư vấn để HOSE vận hành hệ thống mới trơn tru, không bị lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài và sẵn sàng mở rộng năng lực xử lý lên đến 10 triệu lệnh một ngày.

TTCK sẽ sôi động hơn khi thông sàn, thông lệnh

Trong báo cáo đầu tháng 6, Công ty Chứng khoán lớn nhất TTCK Việt Nam - SSI đánh giá, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ do Covid đã khiến các cá nhân đổ tiền vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Không chỉ Việt Nam ghi nhận kỷ lục về nhà đầu tư mới rót tiền vào chứng khoán, tại Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… có cùng diễn biến này khi số lượng nhà đầu tư mới tham gia TTCK tăng mạnh. Cổ phiếu tiếp tục tăng điểm và trong ngắn hạn, hiện tượng này sẽ vẫn tiếp diễn.

Chứng khoán bật tăng khi “kế hoạch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh” sắp về đích
Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ do Covid khiến nhiều nhà đầu tư đổ dồn vào chứng khoán

Nhiều phiên giao dịch tại Việt Nam, thanh khoản đã đạt con số 1 tỷ USD và nếu sàn HOSE xử lý xong tình trạng nghẽn lệnh, giá trị giao dịch trên TTCK có khả năng ghi thêm những kỷ lục mới. Một số nhóm ngành trên TTCK vẫn còn cơ hội hút vốn, chẳng hạn nhóm ngành cổ phiếu của các công ty chứng khoán Việt Nam.

Theo SSI, cổ phiếu của các công ty chứng khoán Việt Nam đang được giao dịch với P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần) và P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) 4 quý gần nhất trung bình là 25,1 lần và 2,8 lần. So với khu vực, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9 lần và 1,6 lần, thấp hơn khá nhiều.

Quý I/2021, các công ty chứng khoán niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, 31 trong tổng số 35 CTCK niêm yết có lợi nhuận trước thuế quý I/2021 đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng đạt được trong quý I/2020. Trong nửa đầu quý II của 2021, doanh số giao dịch thị trường tăng 22% so với quý trước và tăng 306% so với cùng kỳ. Đây là điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp ngành chứng khoán gia tăng hiệu quả hoạt động.

SSI cho rằng, các cổ phiếu chứng khoán niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn. Dự báo VN-Index sẽ có thời điểm vượt 1.400 điểm trong năm 2021 và ước tính thận trọng VN-Index dao động xung quanh ngưỡng 1.400 điểm trong năm 2022.

TTCK Việt Nam: Kỳ vọng hết nghẽn lệnh từ cuối tháng 6 TTCK Việt Nam: Kỳ vọng hết nghẽn lệnh từ cuối tháng 6

Kế hoạch 100 ngày kể từ cuộc họp của FPT với Bộ Tài chính xây hệ thống công nghệ Việt Nam cho HOSE - như ...

Thanh khoản 1 tỷ USD/phiên, Bộ Tài chính thuê FPT giải quyết tình trạng nghẽn lệnh Thanh khoản 1 tỷ USD/phiên, Bộ Tài chính thuê FPT giải quyết tình trạng nghẽn lệnh

- Giao dịch trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/phiên trong tháng 4/2021, gấp 5,6 lần so với cùng ...

Giới khoa học nói gì về nghẽn lệnh và tương lai TTCK Việt Nam? Giới khoa học nói gì về nghẽn lệnh và tương lai TTCK Việt Nam?

- Không phải tại ai cụ thể, chính cơ chế quản lý không phân quyền, dẫn đến phản ứng chính sách quá chậm là cái ...

Xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE: Ai quyết và ai chịu trách nhiệm để làm? Xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE: Ai quyết và ai chịu trách nhiệm để làm?

- Phát ngôn từ Chủ tịch FPT IS hay Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav về việc 3 tháng xử lý xong chuyện nghẽn ...

Chống nghẽn lệnh sàn HOSE: Tổng giám đốc Yuanta Việt Nam gợi mở giải pháp mới Chống nghẽn lệnh sàn HOSE: Tổng giám đốc Yuanta Việt Nam gợi mở giải pháp mới

- Nguy cơ nghẽn lệnh trên sàn HOSE đang tạo một rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, nhất là khi TTCK Việt Nam ...