"Chúng ta đã làm được nhiều việc, sắp tới phải làm tốt hơn"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, các đơn vị khẩn trương hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng và tiến độ, “không được giữ bóng trong chân”, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan, xử lý, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ, công việc.
"Chúng ta đã làm được nhiều việc"
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành Kế hoạch và Đầu tư, ngày 21/7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta đã làm được nhiều việc, sắp tới phải làm tốt hơn".
Theo Bộ trưởng, đánh giá chung, ngành Kế hoạch và Đầu tư và thống kê đã thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng; trong đó, nhiều nhiệm vụ có vai trò dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế, đóng góp lớn, trực tiếp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, cả năm 2023 và các năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh thế giới, trong nước hiện nay.
Nhiều nhiệm vụ khó, yêu cầu chất lượng cao, tiến độ rất khẩn trương, nhưng ngành đã chủ động, thường xuyên nắm bắt, dự báo tình hình, phối hợp với nhiều cấp, nhiều ngành, để kịp thời đề xuất, tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng xem xét, quyết định rất nhiều các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Đây là sự quyết tâm, trách nhiệm và nỗ lực cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư", Bộ trưởng khẳng định.
Biểu dương sự nỗ lực của các bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, khu kinh tế, khu chế xuất, cục thống kê các địa phương trên khắp cả nước, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: "Chúng ta đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng nhau phấn đấu vượt qua các khó khăn thách thức, hoàn thành rất nhiều công việc".
Bộ trưởng cũng chia sẻ những thành quả đã đạt được của ngành, của Bộ.
"Chúng ta đã đi đầu trong các bộ ngành về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đây là những cái hết sức khác biệt. Trước đây nói đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, ít ai nói đến đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhưng bây giờ chúng ta đứng top 1 trong các bộ ngành", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư không quản lý về đổi mới sáng tạo nhưng bây giờ nói đến đổi mới sáng tạo thì mọi người lại nói đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể cả Thủ tướng, các bộ ngành, cả trong nước và nước ngoài.
Ảnh 1: Ông Bùi Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ảnh 2: ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân; Ảnh 3: Toàn cảnh Hội nghị |
"Đấy cũng là cái tiên phong, đi đầu, đặc thù đặc biệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi đã nói nhiều lần, tại sao ta lại tiếp cận chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư không làm thay, không cạnh tranh việc của các bộ ngành; Bộ tiếp cận theo cách những việc đó tác động thế nào đến nền kinh tế và ngược lại, nền kinh tế cần tận dụng gì từ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, doanh nghiệp 4.0", Bộ trưởng chia sẻ lại quan điểm.
Bộ đã tìm những cơ hội mới, xu hướng mới cho phát triển đất nước
Điểm lại kết quả một số công việc nổi bật 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng chỉ ra 6 nhóm công việc lớn mà Bộ đã hoàn thành.
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH; bám sát tình hình, chủ động dự báo, cảnh báo, kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển KTXH.
Hai là, đôn đốc, tổng hợp, tham mưu, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, đóng góp tích cực vào tăng trưởng 06 tháng đầu năm.
Ba là, thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương, các vùng.
"Sắp tới còn tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù cho 6 vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị cho phát triển 6 vùng, rất khó. Vừa rồi thí điểm 10 địa phương, bây giờ xây dựng theo vùng, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, vấn đề rất lớn, rất khó cho 6 vùng nhưng phải làm", Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bốn là, tiếp tục phát huy truyền thống tiên phong trong cải cách, đổi mới; đổi mới tư duy, nhận thức; tăng cường hợp tác quốc tế; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, cập nhật các xu hướng phát triển mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện nay tập trung vào 4 trụ cột cơ bản được cho là động lực tăng trưởng mới của giai đoạn tới đây, đó là xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trên Hòa Lạc, tháng 10 sẽ khánh thành. Thứ hai là Trung tâm trên Hòa Lạc đã xây dựng được 90 – 95%, cố gắng cuối tháng 8 bàn giao và báo cáo Thủ tướng 28 tháng 10 này sẽ khánh thành Trung tâm ĐMST Quốc gia.
"Đây là sự nỗ lực lớn của các đơn vị của Bộ, kết hợp trong đó sẽ tổ chức triển lãm quốc tế về công nghệ lần đầu tiên ở Việt Nam, quy mô lớn nhất từ xưa đến nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba sẽ tổ chức gặp mặt các chuyên gia, nhà tri thức người Việt, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu nhân dịp này.
Về các ngành sản xuất mới như Hydrogen xanh, chip bán dẫn, Bộ trưởng cho biết, với các chiến lược đã xây dựng, Bộ sẽ triển khai 2 trung tâm nghiên cứu của 2 ngành sản xuất mới này tại NIC Hòa Lạc, đồng thời có quy trình đào tạo nhân lực cho 2 ngành này, tranh thủ các cơ hội mới trong thời gian tới.
"Bộ đã làm những vấn đề hết sức tiên phong, đổi mới, tìm những cơ hội mới, xu hướng mới cho phát triển đất nước", Bộ trưởng tổng kết.
Năm là, tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ phục vụ chương trình công tác của Quốc hội, theo dõi, trả lời và giải quyết kiến nghị cử tri; trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh truyền thông chính sách.
Sáu là, làm tốt công tác xã hội, xây dựng văn hóa riêng, con người Kế hoạch và Đầu tư, đó là yêu thương và chia sẻ, lan tỏa sự nhân ái, tử tế, yêu thương đến xã hội. "Đấy là cái rất riêng có của Bộ Kế hoạch và Đầu tư", Bộ trưởng nói.
Thời gian tới, sứ mệnh mới đặt lên vai ngành Kế hoạch và đầu tư đòi hỏi các yêu cầu cao hơn
"Thời gian tới, sứ mệnh mới đặt lên vai ngành KHĐT chúng ta đòi hỏi yêu cầu phải cao hơn nữa chứ không thỏa mãn, bằng lòng và dừng lại ở đó. Đấy là yêu cầu đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhận thức, quán triệt, để cùng nhau nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh", Bộ trưởng nói.
Với khối lượng công việc lớn, hết sức nặng nề, Bộ trưởng cho rằng các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành cần tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống quý báu của ngành, đó là:
- Sự đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; qua đó tạo nên khối thống nhất về ý chí và hành động.
- Tinh thần bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, sự đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm; sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cải cách trong từng công việc được giao, dù là nhỏ nhất để tiếp tục duy trì vai trò tiên phong, dẫn đầu trong tham mưu, thực hiện cải cách, phát triển đất nước.
- Sự chủ động trong công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, cập nhật diễn biến, tình hình mới; sự chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng, trách nhiệm đối với mỗi nhiệm vụ được giao.
- Sự cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất, hiệu quả nhất công việc được giao.
Với tinh thần nêu trên, yêu cầu toàn thể các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư:
(1) Bám sát phương châm hành động " Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, coi đây là trọng tâm để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
(2) Liên tục chủ động cập nhật tình hình, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu cơ chế, chính sách điều hành KTXH.
"Thủ tướng đã phát biểu nhiều lần, khó khăn của người này có thể là thuận lợi của người khác, thách thức của người này có thể là cơ hội của người khác. Trong các khó khăn hiện nay chúng ta tìm cách vượt qua, khắc chế, giảm thiểu tối đa tác động. Nhưng chúng ta cũng phải nhận diện ra đâu là cơ hội mới cho mình. Ví dụ chiến tranh, cạnh tranh thương mại nước lớn sẽ tác động, thay đổi chuyển dịch đầu tư. Nếu chuyển dịch đầu tư ra khỏi các nước lớn để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi sản xuất thì là cơ hội cho chúng ta, nhưng chúng ta có chuẩn bị để đón nhận cơ hội đó không hay lại để nó trôi qua", Bộ trưởng lưu ý.
(3) Kịp thời nắm bắt, xử lý các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên tinh thần hỗ trợ, tháo gỡ tối đa cho doanh nghiệp, dự án đầu tư. Đây là vấn đề quan trọng mà các địa phương, Chính phủ hiện nay đang chỉ đạo quyết liệt theo hướng này. Những vướng mắc, khó khăn phải kịp thời nắm bắt, đồng hành tháo gỡ, giải quyết cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
(4) Nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng yêu cầu, cần nghiêm túc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cần nhanh chóng, đảm bảo tiến độ nhưng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
"Đây là phạm trù hay mâu thuẫn với nhau, muốn nhanh nhưng phải đúng pháp luật, thế mới đòi hỏi trí tuệ, năng lực, bản lĩnh. Nếu chúng ta nắm chắc thì không có gì sợ, nếu tâm sáng thì không sợ gì", Bộ trưởng đưa nguyên lý cho việc giải quyết hiện tượng né tránh, đùn đẩy.
Thể chế phải rõ ràng để cán bộ dám nghĩ dám làm, những gì làm có thể có rủi ro, nhưng cái gì năng động vì công việc chung thì có thể miễn trách nhiệm. "Chính phủ đang chỉ đạo để có cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", Bộ trưởng cho biết thêm.
(5) Thường xuyên đổi mới, cải cách để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ trưởng yêu cầu, không chủ quan, thỏa mãn, cần kế thừa, phát huy, làm tốt hơn nữa những mặt tích cực; cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng, yêu cầu ngày càng cao.
Cần chú ý tới những yêu cầu mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; Trong xử lý văn bản, báo cáo cần ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng các đề án, báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, KHCH, chuyển đổi số… trong công việc; nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của ngành Kế hoạch và Đầu tư và thống kê, các công cụ, phần mềm trên môi trường internet phục vụ tốt hơn cho công việc. Bảo đảm giữ vững vị trí số 1 về chuyển đổi số trong các bộ ngành.
(6) Tăng cường và nâng cao chất lượng phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ chúng ta, ngành Kế hoạch và Đầu tư và thống kê; giữa Bộ và các bộ, cơ quan và địa phương.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu trong ngành phải năng động, sáng tạo, tìm tòi, phát hiện những vấn đề lớn về kinh tế, chủ động đề xuất nghiên cứu chứ không chờ việc rồi mới tổ chức nghiên cứu. Không được thụ động, phải chủ động nghiên cứu đề xuất, tham mưu cho Bộ, cho Đảng, Chính phủ các vấn đề mới, khó để có thể là cơ hội cho đất nước.
Tăng cường phối hợp giữa Bộ với các bộ, cơ quan và địa phương trong công tác tham mưu, chính sách, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại và các chính sách vĩ mô khác, nhất là các chính sách mới, có tính đột phá, hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới; thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các nguồn vốn đầu tư khác từ xã hội, tư nhân, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG.
Bộ trưởng cũng nêu một số nhiệm vụ lớn trong nửa cuối năm 2023 của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là:
(1) Kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 02 năm còn lại của giai đoạn 2021-2025.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là trong ngành liên quan đến ngành KHĐT, với tầm nhìn dài hạn, tinh thần đổi mới, tiên phong, vì sự phát triển chung của đất nước
(3) Tăng cường huy động, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, FDI vào phát triển KTXH; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG; đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch.
"Riêng về vấn đề quy hoạch các đồng chí lưu ý các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, coi đây là cơ hội sắp xếp lại, định hướng lại phát triển các ngành, lĩnh vực, sắp xếp lại không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển để tạo nên xung lực, động lực mới cho giai đoạn tới phát triển nhanh và bền vững, tranh thủ tối đa các cơ hội. Rà soát lại phù hợp với quy hoạch cấp trên là Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng. Nếu không rà soát mà để sau này vướng quy hoạch này kia thì đấy lại là một cản trở, rào cản đi sửa chữa, mất thời gian, cơ hội", Bộ trưởng lưu ý thêm.
(4) Xây dựng Kế hoạch năm 2024, báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch 05 năm 2021-2025 về KTXH, đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế. Cái này chúng tôi đã có hướng dẫn, đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung vào các hướng dẫn để triển khai đúng quy định của Chính phủ.
(5) Bám sát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…
(6) Các đơn vị khẩn trương hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng và tiến độ, “không được giữ bóng trong chân”, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan, xử lý, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ, công việc, trường hợp có vướng mắc cần báo cáo ngay Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp với Lãnh đạo Bộ về tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.
đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới và tiên phong
Bộ trưởng chỉ rõ, giá trị cốt lõi của ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung và của Bộ là sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới và tiên phong.
"Trong quá trình làm chúng ta luôn thực hiện theo phương châm đã được đưa vào nghị quyết, trong quá trình phát triển lấy người dân làm trọng tâm, mọi chính sách đều đem lại hạnh phúc cho người dân", Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng nêu nhiệm vụ là xây dựng văn hóa riêng của ngành Kế hoạch và Đầu tư và của Bộ là sống yêu thương, chia sẻ, tử tế để lan tỏa điều này với xã hội.
Đối với Sở, các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư của các bộ ngành, địa phương, chúng tôi đề nghị tập trung các công việc: công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch năm 2024, tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án, các dự án sản xuất kinh doanh; đồng hành, tháo gỡ cùng doanh nghiệp, thành lập các tổ công tác của địa phương đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh; thúc đẩy giải ngân đầu tư, Chương trình phục hồi, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững; chuẩn bị cho thu hút FDI và trong nước gắn với cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tăng thu ngân sach, thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Tóm lại, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê chỉ rõ, các công việc đặt ra là rất lớn. Vì vậy, để đáp ứng sự tin tưởng, giao phó của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư và thống kê phải tiếp tục nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung để làm tốt công việc được giao, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển, bắt kịp xu hướng vận động, phát triển mới của thế giới, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta, góp phần cùng cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từng bước hiện thực hóa khát vọng tương lai xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng và hoàn thành mục tiêu năm 2023 và mục tiêu cả 5 năm./.
"Trong quá trình làm chúng ta luôn thực hiện theo phương châm đã được đưa vào nghị quyết, trong quá trình phát triển lấy người dân làm trọng tâm, mọi chính sách đều đem lại hạnh phúc cho người dân".
Bài: Phương Anh
Ảnh: Đức Trung