Kỳ vọng vốn ngoại trở lại mua ròng

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số và tương lai thị trường” sáng ngày 30/6 tại Hà Nội, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), ông Phạm Vũ Thăng Long cho biết, năm 2020 khi dịch Covid bùng phát, dòng tiền dịch chuyển từ các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam, sang thị trường phát triển. Sau đó, dòng vốn này bắt đầu quay trở lại các thị trường mới nổi, nhưng chủ yếu tập trung tại các thị trường kiểm soát được dịch bệnh, như Trung Quốc.

Chuyển đổi số càng nhanh, TTCK sẽ càng minh bạch và quản trị rủi ro tốt hơn
Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô HSC kỳ vọng, nhà đầu tư ngoại sẽ sớm trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam

Cũng theo ông Long, cần đánh giá chân thực rằng, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tính từ đầu năm 2021 đến ngày 29/6 tăng 27%. Thị trường tích cực tạo hội cho các nhà đầu tư nước ngoài chốt lời một số danh mục mà họ có lãi và dòng tiền từ hoạt động này có khả năng tiếp tục tìm cơ hội đầu tư mới. Tại một số TTCK tương đồng với Việt Nam, ông Thăng Long chia sẻ thống kê cho biết, đến hết tháng 5/2021, mức độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn cao hơn tại Việt Nam. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, giá trị bán ròng của khối ngoại là 15 tỷ USD trong 12 tháng; Malaysia bán ròng 3,4 tỷ USD; Philippines 2,9 tỷ USD; Thái Lan bán ròng 4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán... Còn tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết ngày 29/6/2021, giá trị bán ròng của khối ngoại khoảng 1,5 tỷ USD. "Những con số cho thấy, xu hướng bán ròng của vốn ngoại diễn ra tại nhiều thị trường và tại Việt Nam, khối ngoại bán tương đối thấp hơn so với nhiều thị trường khác", ông Long nói.

Chuyên gia HSC tin rằng, thời gian tới, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững và tích cực hơn, dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại mua ròng. "Thị trường Việt Nam có lợi thế lớn đó là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và giá trị của đồng nội tệ ổn định. Cùng với đó, theo thống kê của Bloomberg đến ngày 29/6/2021, với định giá PE (chỉ số giá trên thu nhập vốn cổ phần) trên TTCK Việt Nam khoảng 19 lần, mặc dù đang tiến gần đỉnh 10 năm, nhưng vẫn thấp hơn so với một số thị trường trong khu vực. Đây là một trong những yếu tố nhà đầu tư nước ngoài xem xét, quyết định chọn lựa đầu tư bên cạnh triển vọng nền tảng kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp", chuyên gia HSC chia sẻ.

Chuyển đổi số càng nhanh, thị trường sẽ càng minh bạch và quản trị rủi ro tốt hơn

Liên quan đến tiến trình chuyển đổi số, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, HSC cho biết, Chính phủ đã đặt ra 8 nhóm ngành ưu tiên trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia để phát triển nền kinh tế số, trong đó có ngành tài chính - ngân hàng. Đây là nhiệm vụ nặng nề mà Chính phủ giao cho các cơ quan quản lý, các đơn vị thành viên tham gia thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán.

Với TTCK, ông Thăng Long dự báo, khi thị trường cải thiện được năng lực công nghệ và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tích cực, dòng tiền chắc chắn sẽ chảy mạnh hơn vào kênh đầu tư chứng khoán. Không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước, mà còn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyển đổi số càng nhanh, TTCK sẽ càng minh bạch và quản trị rủi ro tốt hơn
Khi các ứng xử nghiệp vụ được thực thi trên nền tảng số, sẽ thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trên thị trường chứng khoán

Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên TTCK cần chuyển động nhanh hơn. "Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm, bên cạnh hàng hóa cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, là các sản phẩm trên thị trường phái sinh. Công ty chứng khoán có nhiều sự lựa trong tư vấn, hỗ trợ khách hàng và bản thân nhà đầu tư cũng có nhiều sự lựa chọn trong các quyết định giao dịch. Khi các ứng xử nghiệp vụ được thực thi trên nền tảng số, sẽ thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trên thị trường và đặc biệt chất lượng quản trị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, của các công ty chứng khoán sẽ được cải thiện", ông Thăng Long chia sẻ.

Đánh giá về các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng trong xu thế chuyển động của nền kinh tế số, chuyên gia HSC đặt kỳ vọng vào sức bật của ngành du lịch và giao thông vận tải. Hiện nay, 2 ngành này bị ảnh hưởng mạnh nhất từ đại dịch. Tuy nhiên, tương lai cho nền kinh tế nói chung và 2 ngành nghề cụ thể trên nói riêng sẽ khác, khi Việt Nam có đủ vắc xin đủ bảo vệ người dân và các thị trường quốc tế mở cửa trở lại.

Phiên 3, chuỗi Talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức diễn ra theo hình thức trực tuyến, sáng 30/6/2021. Tham dự sự kiện có ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; ông Phạm Vũ Thăng Long, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán TP. HCM; ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietinbank Capital./.