Công nghệ 4.0, nhưng con người 0.4

Cuộc đua chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều ngành nghề tại Việt Nam, cũng như trong ngành bảo hiểm trên toàn cầu. Điều này càng làm lộ rõ những hạn chế trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Điều này giải thích tại các doanh nghiệp, hơn ai hết đang nhận thức rõ tính cấp thiết của chuyển đổi số ngay cả khi đang phát triển khá tốt.

Chuyển đổi số là “con đường phải đi” với doanh nghiệp bảo hiểm
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội, chuyển đổi số là con đường tất yếu phải đi với công ty bảo hiểm

Đề cập cụ thể những hạn chế mà ngành bảo hiểm đang đối mặt, ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH), cho biết, thị trường bảo hiểm đang gặp nhiều khó khăn về kênh phân phối. Nếu chỉ bán hàng như cách cũ, thì khó tiếp cận rộng rãi khách hàng, trong khi thông qua các kênh số hóa, doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tiếp cận với mạng lưới khách hàng rộng lớn, nên bán được hàng tốt hơn.

“Không được số hóa, thì quy trình xử lý công việc tại công ty bảo hiểm, cụ thể như ở BSH tốn nhiều thời gian, công sức. Cụ thể, khi chưa được số hóa, thời gian để xử lý một tờ trình ở BSH mất tới 7-8 ngày, nhưng nay các bên liên quan xử lý cùng một lúc nên rất nhanh chóng…”, ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, bộ máy nhân sự của công ty bảo hiểm hiện cồng kềnh, nên gặp khó khăn trong triển khai nhanh, rộng các sản phẩm, dịch vụ mới. Điều này đương nhiên tác động không tích cực đến mở rộng kênh phân phối theo cấp số nhân, trong khi điều này không quá trở ngại khi công ty bảo hiểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số. Yếu tố con người quan trọng là vậy, nhưng việc thay đổi nhận thức của đội ngũ nhân sự là một thách thức, khi mà công nghệ 4.0, nhưng con người đang ở mức 0.4. Thách thức là vậy, nhưng chuyển đổi số là con đường tất yếu phải đi để công ty bảo hiểm phát triển trong bối cảnh cạnh tranh mới.

“Với doanh nghiệp bảo hiểm, chuyên đổi số không thể không làm, bởi khi chuyển đổi thành công, thì sẽ giải quyết được nhiều bài toán về đào tạo và quản lý đại lý, chăm sóc khách hàng, quản trị rủi ro hoạt động... Có công ty bảo hiểm khi chuyển đổi số thành công đã giảm được 70% nhân sự trong mảng chăm sóc dịch vụ, nhưng năng suất lao động lại tăng hơn 30%...”, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas chia sẻ.

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết, đến nay, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu số hóa các sản phẩm, quy trình hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ đại lý… Quá trình số hóa của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cơ bản tương đồng với các doanh nghiệp trên thế giới, nhưng còn khoảng cách xa, nên còn nhiều viêc phải làm...

Các doanh nghiệp đang làm gì?

“Chúng tôi đang xây dựng lại chiến lược phát triển 5 năm 2021-2026 với 3 trụ cột, trong đó có trụ cột về trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi sẽ xây dựng khối bảo hiểm số tại Công ty, qua đó gia tăng tối ưu cho trải nghiệm khách hàng...”, ông Đỗ Tuấn Anh cho hay.

Theo ông David A Chan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty, việc chuyển đổi số được cần được tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm trực tuyến, để khách hàng dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó là tận dụng tối đa công nghệ để nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đưa ra quyết sách kinh doanh tối ưu. Đương nhiên viêc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự cũng không thể bỏ qua trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là “con đường phải đi” với doanh nghiệp bảo hiểm
Theo bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, để chuyển đổi số thành công, các công ty bảo hiểm cần kiên định triển khai quá trình này với việc đầu tư thỏa đáng về thời gian, chi phí, nhân lực

Để chuyển đổi số thành công, theo bà Phương, bản thân các công ty bảo hiểm cần kiên định triển khai quá trình này với việc đầu tư thỏa đáng về thời gian, chi phí, nhân lực.

Liên quan đến hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp bảo hiểm chuyển đổi số, bà Phương cho hay, Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi với nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số như: định rõ nguyên tắc bán bảo hiểm online đảm bảo minh bạch, công bằng, bảo mật thông tin khách hàng; đơn giản hóa tối đa thủ tục phê chuẩn, đăng ký sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, để vừa trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, vừa giúp họ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hình thành cơ chế kết nối dữ liệu với các ngành khác để hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng…/.