Số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách chiếm 95,75%

Con số này được đưa ra tại Báo cáo về Kết quả rà soát thực hiện chính sách đối với người có công ở Hội nghị trực tuyến tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”, ngày 17/10/2015.

Số liệu từ báo cáo của các bộ và địa phương đã hoàn thành cho thấy tổng số đối tượng được rà soát là 2.070.151 người, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người, chiếm tỷ lệ 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm tỷ lệ 4.16%); và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%.

Số đối tượng hưởng sai chính sách ở nhiều dạng khác nhau, như: thương binh từ trần không đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ, sở vẫn giải quyết tuất liệt sĩ cho thân nhân; con liệt sỹ trên 18 tuổi không bị khuyết tật từ nhỏ, không tiếp tục đi học nhưng không cắt trợ cấp; Liệt sĩ có thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn giải quyết chế độ thờ cúng; cháu bị tàn tật nhưng là con đẻ hưởng gián tiếp chất độc hóa học…

Địa phương có tỷ lệ hưởng đúng (hưởng đủ chế độ chính sách) và không có người hưởng thiếu (chưa đầy đủ), hưởng sai là: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bình Dương.

Địa phương có tỷ lệ hưởng chưa đầy đủ chính sách cao nhất là: Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Long An, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh.

Địa phương có số người hưởng sai chính sách cao nhất là: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau.

Địa phương có Kế hoạch xử lý các vấn đề phát sinh sau tổng rà soát sớm nhất là: Quảng Nam và Kiên Giang.

Qua tổng hợp sơ bộ, đến nay còn 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận người có công để hưởng chế độ (trong đó: 2.014 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sỹ; 7.850 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 16.252 trường hợp kê khai chưa được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 15.664 trường hợp kê khai lập hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với cựu thanh niên xung phong theo Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg, ngày 27/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ… và số còn lại là những trường hợp kê khai đề nghị hưởng các chế độ khác).

Còn một số địa phương khi gửi báo cáo không phân tích rõ đối tượng đề nghị xác nhận người có công là: thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Bình Thuận, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông…

Đảm bảo tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi

Từ nay đến cuối năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề tồn tại, vướng mắc khó khăn trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân của người có công chưa được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi.

Trên cơ sở đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở rà soát từng trường hợp vừa qua, chỉ đạo giải quyết bổ sung những chính sách, mà người có công chưa được hưởng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi do Đảng và Nhà nước ban hành.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính sách ưu đãi đối với người có công là một nội dung lớn, rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.

“Nhiều chính sách, chế độ đối với người có công đã được bổ sung và tổ chức thực hiện tốt, đúng đối tượng, đúng chính sách. Tuy nhiên, qua thực tế Tổng rà soát cho thấy vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Vì thế, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị để làm sao cho giải quyết được thấu tình đạt lý những trường hợp, những vấn đề mà chúng ta đã phát hiện ra và tập trung giải quyết cho được, để kỳ giám sát giữa năm 2016 thì tất cả những việc mình đã phát hiện ra được xử lý.

Phó Thủ tướng đề nghị, tất cả các bộ, ngành rà soát lại các chính sách, lên kế hoạch để hỗ trợ những đối tượng khó khăn, đặc biệt là những đối tượng nạn nhân của chiến tranh. “Chúng ta có đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đối với người có công, đồng thời chúng ta cũng có đạo lý là “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, dù rằng lịch sử hoàn cảnh như thế nào, chúng ta nên có chính sách để cho người có công và tất cả mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn về mọi mặt”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp với hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện có hiệu quả, giải quyết dứt điểm đối với những đối tượng người có công chưa được thực hiện chính sách đầy đủ./.