eMagazine
Cơ hội phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính

15:04 | 02/03/2022

Phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.
Cơ hộiphát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính

Cơ hội phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Bộ trưởng cho biết, đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở nước ta. Mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Về phát triển các hành lang kinh tế, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc–Nam và các hành lang kinh tế Đông–Tây. Trên các hành lang kinh tế sẽ định hướng bố trí các trung tâm kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị lớn, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng trên hành lang.

Về các vùng động lực, hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng cần lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

"Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn

Về kết quả triển khai tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể theo tháng đối với từng giai đoạn của quá trình lập quy hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ tổ chức 03 cuộc Hội nghị trực tuyến về công tác quy hoạch với các địa phương thuộc 5 vùng (Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ) và tổ chức làm việc với nhiều địa phương về công tác quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp và giải đáp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức lập quy hoạch; cung cấp các thông tin về định hướng phát triển của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch tỉnh trong bối cảnh các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đang được lập đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14. Qua đó, tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn, tích cực hơn và bước đầu đã có những kết quả.

Cơ hộiphát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính
Tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24/9/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020. Hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các Bộ, ngành hoàn thành nội dung "Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của quốc gia” và “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành 02 lần và địa phương 01 lần; đồng thời, đã tổ chức nhiều buổi hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện.

"Theo chương trình công tác của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia” với Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 3/2022, Bộ Chính trị trong tháng 4/2022 và dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5/2022. Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch tổng thể quy hoạch quốc gia để phấn đấu trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7/2022, trình Quốc hội khóa XV phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)", Bộ trưởng báo cáo.

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội Khóa XV tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan tại văn bản số 582/BTNMT-TCBHĐVN ngày 27/01/2022. Dự kiến sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội thông qua trong năm 2022 theo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP.

Riêng về Quy hoạch ngành quốc gia, thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 38/38 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia. Trên cơ sở đó, các Bộ đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, có 04/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã hoàn thành lập quy hoạch, lấy ý kiến, trình thẩm định quy hoạch (trong đó có 03 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định; 01 quy hoạch đang trình thẩm định).

"Còn 20/38 quy hoạch ngành quốc gia, các Bộ đã báo cáo về tiến độ, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP. Tuy nhiên, tiến độ, kế hoạch lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia thường xuyên được điều chỉnh, xin gia hạn thêm, song các Bộ đều có kế hoạch hoàn thành trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Về tiến độ lập quy hoạch vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022.

Còn Quy hoạch của 05 vùng (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch 05 vùng, trình Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030. Dự kiến nhiệm vụ lập quy hoạch 05 vùng sẽ trình phê duyệt trong tháng 3/2022.

Đối với việc lập quy hoạch 05 vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; phấn đấu hoàn thành dự thảo quy hoạch 05 vùng gửi xin ý kiến trong tháng 7-8/2022, hoàn thiện, trình tổ chức thẩm định trong tháng 9-10/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

Đối với quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Dũng cho hay, hiện tại đã có 61/63 Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của 61 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó, các địa phương đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch tỉnh theo nhiệm vụ được giao. Đến nay, đã có 01 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang) đã được phê duyệt; 03 quy hoạch tỉnh (Tuyên Quang; Hà Tĩnh, Quảng Bình) đã được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 03 quy hoạch tỉnh đã hoàn thành lập, trình thẩm định; 07 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến, đang hoàn thiện để trình thẩm định.

Cơ hộiphát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chínhBắc Giang là tỉnh đầu tiên được phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đối với 49/63 quy hoạch tỉnh đang triển khai thực hiện, các địa phương đã báo cáo về tiến độ, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết số 119/NQ-CP.

"Hiện tại, các địa phương đã thống nhất xác định tiến độ, lộ trình, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 511/VPCP-TH ngày 19/01/2022 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, các địa phương đều cam kết hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022", Bộ trưởng cho biết.

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Bộ trưởng cho biết, các giải pháp tại Nghị quyết số 119/NQ-CP đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, từ đó đã tạo ra kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tổ chức lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhận được một số khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương. Những khó khăn, vướng mắc này xuất phát từ trước kia chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa hiệu quả và một số phát sinh thêm trong quá trình triển khai thực hiện.

Một là, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia tuy đã được cải thiện trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP, nhưng vẫn còn chậm. Các Bộ, ngành vẫn chậm trễ trong việc xây dựng Báo cáo về định hướng quy hoạch ngành quốc gia nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Hai là, việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm làm khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương khi áp dụng trong quá trình lập quy hoạch.

Đến nay, vẫn còn nhiều địa phương tiếp tục báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh do các quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có nhiều điểm chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch.

Ba là, tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; theo đó, Quốc hội đã giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhưng đến nay chưa có, gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai lập quy hoạch.

Bốn là, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022) có một số quy định mới liên quan đến bảo vệ môi trường như: Đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch tỉnh; nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh; trách nhiệm xin ý kiến về đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch tỉnh; và trách nhiệm tổ chức thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch tỉnh.

"Do đó, các địa phương phải mất thời gian để rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh và nội dung đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch tỉnh, ảnh hướng đến tiến độ lập quy hoạch", Bộ trưởng nêu rõ.

Các Bộ, ngành, địa phương chưa tập trung nguồn lực để triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030

Cùng việc chỉ rõ các vướng mắc, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những nguyên nhân. Đó là những nguyên nhân khách quan, như: Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Việc triển khai lập đồng thời các quy hoạch với khối lượng rất lớn trong khi lực lượng tư vấn lập quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực, chuyên môn cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện theo phương pháp và cách làm mới, gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai tổ chức lập các quy hoạch theo quy định.

"Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài (từ cuối năm 2019 đến nay) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nhất là việc các đơn vị tư vấn lập quy hoạch (một số quy hoạch có thành phần Tư vấn nước ngoài là đơn vị tham gia Liên danh) không thể triển khai tiếp cận để khảo sát, thu thập thông tin phục vụ công tác nghiên cứu lập quy hoạch", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn những nguyên nhân chủ quan.

"Các Bộ, ngành, địa phương chưa tập trung nguồn lực để triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành, đôn đốc việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc thẩm quyền được giao", Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.

Các Bộ, ngành, địa phương tuy đã xây dựng lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể theo tháng đối với từng giai đoạn của quá trình lập quy hoạch (lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt) theo nhiệm vụ được phân công trong điều kiện tiến độ chung bị chậm nên phần lớn tiến độ, lộ trình đề ra là mang tính chủ quan, thường xuyên bị điều chỉnh, thay đổi.

Cơ hộiphát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính
Toàn cảnh đầu cầu trực tuyến tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ngoài ra, các Bộ chưa tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập quy hoạch; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ để tạo sự thống nhất trong việc nghiên cứu, soạn thảo văn bản hướng dẫn.

Sẽ có văn bản chỉ đạo và giao những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương

Để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể, đối với quy hoạch cấp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, sớm trình Chính phủ Báo cáo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia trước ngày 15/3/2022; tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2022, trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Báo cáo định hướng Quy hoạch không gian biển quốc gia trong tháng 3/2022; khẩn trương tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2022.

Các Bộ khẩn trương ban hành Báo cáo định hướng Quy hoạch ngành quốc gia hoặc cung cấp Hồ sơ dự thảo Quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền được phân công, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải trên Cổng thông tin quy hoạch trong tháng 3/2022 để các địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh.

Tập trung, khẩn trương tổ chức lập các quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền được phân công trên cơ sở bám sát lộ trình, tiến độ và kế hoạch đã đề xuất; đồng thời cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, chất lượng quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP.

Đối với quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, trình ban hành Báo cáo định hướng Quy hoạch của 05 vùng trong đầu tháng 3/2022; tổ chức lập quy hoạch 05 vùng, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2022.

Đối với Quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng đề nghị, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tập trung sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch trong đầu tháng 3/2022.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung, khẩn trương tổ chức lập quy hoạch tỉnh theo phân công trên cơ sở bám sát lộ trình, tiến độ, kế hoạch đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP; đồng thời cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, chất lượng quy hoạch tỉnh.

Giải pháp về hoàn thiện văn bản hướng dẫn pháp luật về quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp những nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch còn chồng chéo, chưa thống nhất để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.

Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với các quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, đảm bảo hoàn thành trong quý I/2022.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn lấy ý kiến, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong tháng 3/2022.

"Các Bộ, ngành, địa phương chủ động, tập trung, ưu tiên nguồn lực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện quy hoạch, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình; khẩn trương cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về hồ sơ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyêt hoặc quyết định thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch", Bộ trưởng đề xuất.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mong muốn, các Bộ là thành viên Hội đồng thẩm định cần quan tâm hơn đến công tác thẩm định, cho ý kiến thẩm định đối với quy hoạch theo lĩnh vực phụ trách, đảm bảo chất lượng và đáp ứng thời gian theo yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết thúc Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo và giao những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương./.

Bộ trưởng cho biết, đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở nước ta. Mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Phương Anh

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 15:04 | 02/03/2022