Chậm trễ kéo dài

“Con tàu” cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đã giảm tốc từ năm trước và hiện gần như rơi vào trạng thái “nằm bờ”, khi 4 tháng đầu năm nay, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chỉ nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đơn vị này đều không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những “địa chỉ” còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: TP.HCM: 38 doanh nghiệp, Thành phố Hà Nội: 13 doanh nghiệp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 6 doanh nghiệp...

Tình trạng chậm trễ trên cũng tiếp diễn trong tháng 5 vừa qua, khi Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chỉ nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp.

Bức tranh thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp cũng không sáng sủa, khi 5 tháng qua, nhà nước cũng chỉ thoái vốn được ở 12 doanh nghiệp với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.

Ngoài lý do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn, thực tế cho thấy, những vướng mắc trong xác định giá trị đất đai, cũng như giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, phần vốn nhà nước muốn thoái, mức độ quan tâm của nhà đầu tư hạn chế…, là những lý do khiến cho tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm trễ kéo dài.

Một trong những hệ quả của tình trạng chậm trễ trên là 5 tháng đầu năm nay, theo Bộ Tài chính, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp chỉ là 228 tỷ đồng. Con số này rất nhỏ so với số dự kiến thu về Quỹ trong năm nay lên tới 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Báo cáo tại Phiên họp thứ 57 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây, về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, dù tổng thể tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá, song một số khoản thu đạt thấp, trong đó thu ngân sách từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn...

Cũng tại Phiên họp trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã thẳng thắn nêu: thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả rất thấp. Đây là vấn đề đã kéo dài 4-5 năm qua, nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện...

Nhiều biện pháp mới

Để khắc phục tình trạng chậm trễ trên, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp mới tại Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Đến nay, Đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, để cải thiện tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cả về chất lượng lẫn tiến độ trong thời gian tới, tinh thần mới của Đề án trên là phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tổ chức triển khai cổ phần hoá, thoái vốn.

“Con tàu” tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gần như… “nằm bờ”
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

“Một điểm mới nữa của Đề án là gắn trách nhiệm của các bộ, ngành cụ thể và chặt chẽ hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai cổ phần hoá, thoái vốn…”, ông Tiến cho hay.

Về phần mình, để góp sức thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình công nợ của các doanh nghiệp, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…/.