Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước là 2.870.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này không bao gồm nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, tăng 120.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tháng 10/2020 (2.750.000 tỷ đồng). Trong đó, 1.500.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, (1.200.000 tỷ đồng vốn trong nước, 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Covid-19 buộc “cân lại” vốn đầu tư công trung hạn và dự phòng Ngân sách Trung ương
Ngân sách nhà nước dự báo gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19

Tại Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 2021-2025 của Ủy ban Tài chính - ngân sách, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, về tổng thể, so với giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến thu ngân sách nhà nước tăng gấp 1,2 lần; chi thường xuyên dự kiến tăng 1,34 lần; vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần; tỷ trọng chi đầu tư phát triển dự kiến khoảng 28%-29% tổng chi ngân sách nhà nước, cao hơn số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tạo cú hích về nguồn vốn thúc đẩy tăng trưởng thì việc tăng tổng mức đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong giai đoạn tới, tổng mức 2.870.000 tỷ đồng cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính khả thi vì thu ngân sách nhà nước dự báo còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, áp lực thanh toán các khoản nợ đến hạn giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, dự kiến tỷ lệ chi trả nợ/tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025, có năm sẽ vượt mức trần (25%). Một yếu tố cần cân nhắc khác là , số thu từ cổ phần hóa mặc dù còn dư địa song không mang tính chắc chắn. Do vậy, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2.750.000 tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Liên quan đến việc phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm khác, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 104.533,847 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trong đó dành 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 02 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 01 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2). Số vốn còn lại khoảng 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác. Ủy ban tài chính ngân sách cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533,847 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia . Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2): đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định.

Liên quan đến dự phòng ngân sách trung ương, Chính phủ dự kiến để lại 10% dự phòng ngân sách trung ương. Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, việc để lại dự phòng là cần thiết và mức 10% là hợp lý để xử lý những vấn đề có thể phát sinh, cấp bách trong quá trình thực hiện và chỉ được sử dụng nếu bảo đảm được nguồn thu NSNN.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường, đề nghị tăng tỷ lệ dự phòng chung để bảo đảm việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn được chắc chắn hơn (khoảng 15%)./.