Thông điệp này được nêu bật tại Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu 2021 theo hình thức trực tuyến ngày 16/6/2021. Hội nghị này được Bộ trưởng Bộ Thương mại và Người tiêu dùng New Zealand David Clark chủ trì. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Hội nghị tại Điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội nghị từ đầu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu 2021 từ đầu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ảnh: MPI

Cải cách cơ cấu trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết để đẩy mạnh phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Người tiêu dùng New Zealand David Clark cho rằng, cải cách cơ cấu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế để đưa ra các thay đổi phát triển trong thời gian dài hạn.

Đẩy mạnh cải cách để phù hợp với người dân, doanh nghiệp, phát triển bền vững và bao trùm hơn, tăng cường tính chống chịu trước những khó khăn, thách thức trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động khác nhau tới nền kinh tế toàn cầu và toàn khu vực, việc tăng cường thực hiện chiến lược của APEC về cải cách cơ cấu trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết để đẩy mạnh phát triển bền vững, đổi mới, an toàn và cải thiện khả năng chống chịu trong thời gian tới cho các nền kinh tế APEC.

Ngoài ra, việc xem xét những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường cũng là điều cần thiết.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao nỗ lực của chủ nhà New Zealand trong việc tổ chức Hội nghị và cho rằng, Hội nghị đã được tổ chức rất kịp thời trong bối cảnh các thành viên APEC đang tìm kiếm những hướng đi mới, những yêu cầu cải cách mới để đảm bảo vừa phục hồi, vừa tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc trong tương lai.

COVID-19 là một động lực quan trọng cho cải cách cơ cấu kinh tế
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các thành viên APEC để thực hiện các sáng kiến cải cách

Việt Nam đang triển khai những chương trình, sáng kiến mới hướng tới phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều hỗ trợ từ các thành viên APEC để thực hiện các sáng kiến cải cách tại Việt Nam, điển hình là dự án Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4ReForm) giai đoạn 2017-2021 đã giúp các bộ, ngành liên quan thực hiện những cải cách cơ cấu quan trọng trên những lĩnh vực môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp…, được Chính phủ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hướng tới thúc đẩy hợp tác trong APEC về cải cách cơ cấu trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cải cách cơ cấu giữ vai trò rất quan trọng ngay cả khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

“Từ những kinh nghiệm của Việt Nam và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nỗ lực duy trì đà cải cách ngay cả trong những thách thức và khó khăn sẽ phát huy tác động tích cực nhất đối với quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư”, Thứ trưởng Phương khẳng định.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang thực hiện, nghiên cứu điều chỉnh và thúc đẩy các sáng kiến cải cách hướng tới tăng trưởng xanh.

EAASR đưa ra những định hướng mới về cải cách cơ cấu tập trung vào tăng trưởng, được thiết kế nhằm bảo đảm tính bao trùm, bền vững và thúc đẩy sáng tạo, phù hợp với Tuyên bố Putrajaya về tầm nhìn APEC đến năm 2040

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu gây ra các hệ lụy tiêu cực, Thứ trưởng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, xây dựng các ý tưởng, sáng kiến mới như Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình phát triển kinh tế có sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

EAASR thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cân bằng, bao trùm

Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng thời là Trưởng nhóm Nhóm hành động cải cách cơ cấu của Chương trình nghị sự mới của APEC, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, các nền kinh tế APEC tiếp tục tập trung vào phục hồi sau những tác động bất lợi về kinh tế và ảnh hưởng xã hội của đại dịch COVID-19, chuẩn bị năng lực ứng phó với những cú sốc kinh tế trong tương lai, và phối hợp thực hiện Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Chương trình cải cách cơ cấu mới này đem lại cơ hội phối hợp, hỗ trợ phục hồi và tái thiết nền kinh tế ở khu vực APEC.

Chương trình Nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu (EAASR) dựa trên kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra từ những cải cách cơ cấu trước đây như Chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo thực hiện cải cách cơ cấu (LAISR) năm 2004, Chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu (ANSSR) giai đoạn 2010-2015, và Chương trình nghị sự mới của APEC về cải cách cơ cấu (RAASR) giai đoạn 2015-2020. EAASR dựa trên tài liệu do Nhóm công tác RAASR soạn thảo và được Ủy ban Kinh tế (EC) thông qua trong năm 2020.

EAASR đưa ra những định hướng mới về cải cách cơ cấu tập trung vào tăng trưởng, được thiết kế nhằm bảo đảm tính bao trùm, bền vững và thúc đẩy sáng tạo, phù hợp với Tuyên bố Putrajaya về tầm nhìn APEC đến năm 2040.

EAASR hướng tới đóng góp mục tiêu tổng thể của APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cân bằng, bao trùm, sáng tạo và bền vững bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh; thúc đẩy phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu các cú sốc trong tương lại; đảm bảo các nhóm trong xã hội tiếp cận bình đằng với các cơ hội hướng tới tăng trường bền vững hơn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và kỹ năng mới để cải thiện năng suất và mức độ số hóa.

Tại Hội nghị, các đại diện của APEC có những chia sẻ và quan điểm về việc cải cách cơ cấu. Cụ thể, gồm có chia sẻ về việc giảm thiểu khí thải carbon, hiệu ứng nhà kính nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế mở của Trung Quốc; Phát triển hạ tầng xanh và áp dụng công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế số hòa và bền vững môi trường của Hồng Kông - Trung Quốc; Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế xanh của Nhật Bản; Phát triển kinh tế, xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ trong nước, thực hiện hiệu quả gói kích cầu để tạo lá chắn trước các thách thức và khó khăn của dịch Covid-19 của New Zealand; Xây dựng kế hoạch để thực hiệu quả các mục tiêu đề ra như giảm thiểu rác thải và hiệu ứng nhà kính của Thái Lan; Tạo việc làm cho người dân và xây dựng chương trình có sức chống chịu khí hậu, hồi phục nền kinh tế xanh của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 là một động lực quan trọng cho cải cách cơ cấu thông qua phát triển bền vững bao trùm ở nước này.

Theo ông Airlangga, Chính phủ Indonesia cam kết hỗ trợ bốn trụ cột của cải cách cơ cấu trong 5 năm 2021-2025. Bốn trụ cột này bao gồm tạo môi trường thuận lợi cho các thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai. Chính phủ nước này muốn đảm bảo rằng tất cả nhóm cộng đồng đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội tăng trưởng toàn diện, bền vững và thịnh vượng hơn, đồng thời tận dụng đổi mới và công nghệ mới cũng như phát triển kỹ năng để tăng năng suất và số hóa.

Cũng theo ông Airlangga, Indonesia cũng ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường như sản xuất điện từ nước, năng lượng Mặt Trời và năng lượng địa nhiệt, cũng như chương trình 30% diesel sinh học. Những nỗ lực này được thực hiện dựa trên lộ trình cải cách cơ cấu của Indonesia, cụ thể là hiện thực hóa phát triển kinh tế xanh hơn, thông minh hơn, năng suất hơn và công bằng hơn. Tăng trưởng bền vững là chìa khóa để phục hồi kinh tế sau đại dịch và tăng trưởng bao trùm bền vững có thể đạt được thông qua các chương trình kinh tế xanh.

Chính phủ Indonesia cũng cam kết giảm 30% lượng khí thải vào năm 2030 với việc ưu tiên phát triển các công nghệ carbon thấp. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã áp dụng quy trình kinh tế tuần hoàn khi phê chuẩn Tiêu chuẩn công nghiệp xanh với các tiêu chuẩn quốc tế. Giới kinh doanh phản ứng tốt với chính sách này khi thành lập một tổ chức thu hồi bao bì nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với một số hoạt động như thu gom và tái chế chất thải.

Chính phủ Indonesia đã áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn như một phần trong nỗ lực cải cách cơ cấu nhằm phát triển kinh tế bền vững với cam kết giảm 30% lượng rác thải sinh hoạt và 70% lượng rác thải nhựa trên đại dương vào năm 2025./.