Cụ thể về nông nghiệp, tính đến ngày 15/8/2021, cả nước gieo cấy được 1.409,1 nghìn ha lúa mùa, bằng 98% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.037,3 nghìn ha, bằng 99,4%; các địa phương phía Nam đạt 371,8 nghìn ha, bằng 94,4%. Diện tích gieo cấy lúa mùa giảm chủ yếu ở các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long do ngành nông nghiệp đã sớm nhận định nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên khuyến cáo bà con nông dân chỉ nên gieo trồng ở những vùng đất đảm bảo an toàn để tránh thiệt hại. Hầu hết lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, trà lúa sớm đang trong giai đoạn già đòng, trổ bông; trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn ôm đòng sinh trưởng và phát triển tốt.

Covid-19 làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản
Đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 999,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 51,1% diện tích gieo cấy và bằng 97,9% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 861,3 nghìn ha, chiếm 57,1% và bằng 98,4%. Diện tích thu hoạch lúa hè thu chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do gieo trồng chậm hơn để đảm bảo nguồn nước tưới, phòng trừ sâu bệnh và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên thiếu nhân lực thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa gạo.

Cùng với đó, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 817,5 nghìn ha ngô, bằng 99% cùng kỳ năm trước; 85,3 nghìn ha khoai lang, bằng 93,6%; 155,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 35,8 nghìn ha đậu tương, bằng 92,6%; 958,6 nghìn ha rau đậu, bằng 100,5%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng, nhìn chung ổn định, dịch viêm da nổi cục đang dần được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao. Ước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021 tổng số trâu của cả nước giảm 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 1,8%. Trong khi đó, chăn nuôi lợn và gia cầm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Ước tính đến thời điểm cuối tháng Tám, tổng số lợn của cả nước tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm 2020; số gia cầm tăng 4,2%.

Tính đến ngày 25/8/2021, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Lạng Sơn, Nghệ An, Đắk Lắk; dịch tả lợn châu Phi còn ở 29 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 36 địa phương chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp, trong tháng 8/2021, thời tiết tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng trên cả nước. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả trong tháng ước tính đạt 19,9 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt gần 4,3 triệu cây, giảm 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.589,6 nghìn m3, tăng 2,9%. Sản lượng gỗ khai thác tập trung ở các tỉnh thuộc khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung do hai vùng này ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn các vùng khác. Hoạt động khai thác rừng trồng đến tuổi thu hoạch vẫn được thực hiện tương đối ổn định theo kế hoạch sản xuất. Sản lượng củi khai thác tháng Tám ước tính đạt 1,5 triệu ste, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 143,4 nghìn ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 56,2 triệu cây, tăng 1,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.085,2 nghìn m3, tăng 5,1%; sản lượng củi khai thác đạt 12,9 triệu ste, giảm 0,5%.

Trong tháng 8/2021, diện tích rừng bị thiệt hại là 400,7 ha, tăng 97,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 334,0 ha, gấp 1,7 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 66,7 ha, giảm 19,0%. Các tỉnh có diện tích rừng bị cháy cao trong tháng là Thừa Thiên - Huế 224,2 ha, Lạng Sơn 26,2 ha, Quảng Trị 21,1 ha, Bình Định 20,6 ha, Phú Yên 15,6. Ước tính 8 tháng năm 2021, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.726,8 ha, tăng 45,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 963 ha, tăng 66,8%; diện tích rừng bị chặt, phá là 763,8 ha, tăng 24,6%.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng Tám ước tính đạt 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 570,5 nghìn tấn, giảm 2,9%; tôm đạt 121,9 nghìn tấn, giảm 0,1%; thủy sản khác đạt 109,0 nghìn tấn, giảm 4,0%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 443,8 nghìn tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 292,5 nghìn tấn, giảm 5,3%; tôm đạt 109,7 nghìn tấn, tăng 0,3%. Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản duy trì hoạt động với công suất thấp ở mức 45%-50% so với bình thường. Thu mua nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp giảm, giá các loại thủy sản có sự biến động mạnh trong tháng.

Thác tháng 8/2021, sản lượng thủy sản khai ước tính đạt 357,6 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 278,0 nghìn tấn, giảm 0,2%; tôm đạt 12,2 nghìn tấn, giảm 3,2%; thủy sản khác đạt 67,4 nghìn tấn, giảm 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Tám ước tính đạt 338,3 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác biển giảm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ hải sản thấp, giá xăng dầu tăng, một số cảng cá bị phong tỏa đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Tính chung 8 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.692,5 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.987,7 nghìn tấn, tăng 1,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.704,8 nghìn tấn, tăng 0,8% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 2.581,0 nghìn tấn, tăng 0,9%)./.

Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 30,3% cũng kỳ