Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm về vốn và số lượng

Doanh nghiệp mới giảm do dịch Covid -19, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ hồi sinh
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

Trong bối cảnh bất thường của đại dịch Covid-19, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng để phục hồi niềm tin của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thêm cơ hội và tiếp tục gia nhập thị trường.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết do tình hình dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.

Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm tương ứng 25,3% và giảm 48,7%. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.065,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/202.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1% và tăng 34,3%; 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,9% và tăng 28,2%; 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9% và giảm 4,1%.

Covid -19 làm giảm số doanh nghiệp mới, cần các giải pháp mạnh hỗ trợ
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2021 giảm 22,8% so với tháng trước

Như vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động; tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp và công nghiệp giảm

Doanh nghiệp mới giảm do dịch Covid -19, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ hồi sinh
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 20-30% so với đầu năm là điều đáng lo ngại, trong bối cảnh có cả các doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động rút lui.

Tính theo khu vực kinh tế, trong 7 tháng đầu năm có 1.263 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; gần 20,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6,6%; 54 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 4,1%.

Một số lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng bao gồm: Kinh doanh bất động sản tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 15,6%; thông tin và truyền thông tăng 12,4%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 11,9%; khai khoáng tăng 6,5%; giáo dục và đào tạo tăng 5,8%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,4%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 4,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 1,3%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 1%.

Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 63,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 10,7%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 10,5%; xây dựng giảm 3,7%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng

Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%, trong đó có 10.105 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 27,2%; 131 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 5,1%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.220 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.325 doanh nghiệp; xây dựng có 1.006 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 689 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 646 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 582 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 575 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 501 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 373 doanh nghiệp; thông tin và truyền thông có 362 doanh nghiệp; sản xuất phân phối điện, nước, gas 234 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, cải thiện khởi sự kinh doanh

Covid -19 làm giảm số doanh nghiệp mới, cần các giải pháp mạnh hỗ trợ "hồi sinh"
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Về góc độ thuận lợi hoá môi trường kinh doanh doanh, hiện hệ thống thể chế của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và đây sẽ là nền tảng thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp sớm hồi sinh ngay khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Đánh giá về bức tranh hoạt động của khu vực doanh nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng với khả năng chống chịu bền bỉ và linh hoạt, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp dù mới gia nhập thị trường thời gian qua đã góp phần duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021 trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, tuy nhiên sức chịu đựng là có giới hạn.

“Trong năm 2020, khu vực doanh nghiệp đã làm rất nhiều điều cho thấy sự linh hoạt, tính chịu đựng để đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động, đảm bảo đơn hàng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Nhưng sau 1 năm thì những nguồn tích luỹ mà doanh nghiệp có được trong nhiều năm hiện đã cạn kiệt, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Có thể nói sự suy yếu của doanh nghiệp là khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, trụ cột của nền kinh tế đang lung lay. Báo cáo gần đây cũng cho thấy số lượng DN rút lui khỏi thị trường đã tăng 20-30% so với đầu năm là điều đáng lo ngại, trong bối cảnh có cả các doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động rút lui”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo phân tích. Theo ông, Chính phủ, các bộ, ngành rất cần tăng cường các giải pháp mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay cũng như sớm phục hồi và có các giải pháp lâu dài để doanh nghiệp tiếp tục hồi sinh tham gia thị trường trở lại.

Nhìn nhận trên góc độ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi và tiếp tục gia nhập thị trường trong bức tranh tổng thể khôi phục nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng rất cần có một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo. “Trước mắt, các giải pháp hỗ trợ về vốn và dòng tiền có thể phần nào giúp DN vượt qua cơn hoạn nạn đại dịch. Song về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh mới là yếu tố cốt lõi tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi. Trong bối cảnh bất thường của đại dịch Covid-19, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội nhanh chóng hồi sinh và tiếp tục gia nhập thị trường khi lui dịch”, ông Cung nhấn mạnh khuyến nghị.

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, xét về góc độ thuận lợi hoá môi trường kinh doanh doanh, hiện hệ thống thể chế của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và đây sẽ là nền tảng thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp sớm hồi sinh ngay khi dịch được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định lệ phí môn bài. Theo quy định, doanh nghiệp thành lập mới sau khi Nghị định này có hiệu lực sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần cắt giảm chi phí, thời gian và thủ tục khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng cường triển khai thực hiện liên thông điện tử giữa các cơ quan nhà nước và áp dụng thực hiện đăng ký trực tuyến tại một đầu mối sẽ tiếp tục giúp giảm mạnh thời gian và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp so với quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí thực hiện, thuận lợi để khởi sự kinh doanh./.