eMagazine
Đã có nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng 01/2022

16:16 | 30/01/2022

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc.
Đã có nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng 01/2022

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đã có nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng 01/2022

Những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc.

Thứ nhất, đó là tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV và Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Bên cạnh Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, Chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025…

"Các Luật, Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa lớn nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chính phủ đã tổ chức thành công hội nghị với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, trong đó thẳng thắn nhận định những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, là phương hướng và cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH.

Thứ hai, tình hình phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến tích cực. Số ca nhiễm và số ca tử vong có xu hướng giảm, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam trong bối cảnh nước ta đang hoàn tất tiêm chủng mũi 2 của liều cơ bản và đẩy mạnh mũi tiêm nhắc lại (mũi 3) cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên. Nhờ đó, các hoạt động KTXH dần được phục hồi, các trung tâm, thành phố lớn đã và đang tổ chức lại các hoạt động như du lịch nội địa, du lịch quốc tế, cho trẻ em, học sinh đến trường trở lại...

Thứ ba, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 được kiểm soát ở mức phù hợp, tăng 1,94% so cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tăng trưởng 1,92% so với cuối năm 2021. Các cân đối lớn về lương thực, năng lượng được giữ vững, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ đối tượng chính sách.

Thứ tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tích cực, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay. Gieo cấy lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ năm 2021, gia súc, gia cầm và hoạt động thủy sản phát triển tốt, giữ quy mô ở mức ổn định, phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán. Giá cá tra có tín hiệu phục hồi tốt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 tăng 2,4 % so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%.

Trong tháng 01/2022, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay, tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ, thể hiện kỳ vọng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng năm 2022, quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh và các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã ban hành, tác động tích cực tới môi trường đầu tư kinh doanh.

Đã có nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng 01/2022

Thứ năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách ước đạt 165,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,0% so với tháng trước. Hoạt động dịch vụ tăng cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá do thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục một số đường bay. Sức cầu của nền kinh tế đang tăng trở lại, nhất là thời gian gần Tết.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 29,5 tỷ USD tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; đã giải quyết hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ...

Thứ sáu, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong các tháng cuối năm. Mặc dù năm 2021 có nhiều khó khăn hơn so với năm 2020 do đặc thù của năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn như: cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án như thiết kế lập dự toán, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu… và phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động… nhưng ước đến 31/01/2022, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt, giải ngân các tháng cuối năm tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm (64,45% kế hoạch cả năm) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (64,04%).

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận cho thấy hiệu quả tích cực của các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành.

kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1/2022. Ảnh: VGP

Thứ bảy, các hoạt động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn được triển khai chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Các cấp, các ngành chủ động nắm bắt tình hình, thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho các đối tượng chính sách, các hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, tiết kiệm. Các địa phương đã chủ động rà soát, điều chỉnh việc tổ chức các sự kiện, lễ hội Tết phù hợp diễn biến và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại địa phương mình.

Thứ tám, an ninh, trật tự, an toàn, an dân, quốc phòng được giữ vững, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Kịp thời chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc gây bức xúc trong xã hội. Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm soát thị trường hàng hóa, hoạt động vận tải… dịp Tết Nguyên đán. Tiếp tục triển khai các hoạt động ngoại giao song phương, tăng tình đoàn kết hữu nghị với các nước bạn.

5 vấn đề cần chú ý

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một số những điểm cần chú ý.

(1) Một số hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chỉ số IIP ở một số địa phương trọng điểm giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận chuyển giảm so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 01/2022 tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 62%, phản ánh khó khăn của doanh nghiệp và đặt ra yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa và thực hiện các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

(2) Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, xuất nhập khẩu vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Giá xăng điều chỉnh tăng nhiều lần theo giá nhiên liệu thế giới gia tăng áp lực lạm phát và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Nợ xấu vẫn là vấn đề cần được quan tâm, theo dõi sát sao.

(3) Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cần được triển khai quyết liệt hơn. Tính đến ngày 25/01/2022, còn 48 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSTW năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, chủ yếu do dự kiến phân bổ cho các dự án chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ước giải ngân kế hoạch tháng 01/2022 chỉ đạt 2,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (3,25%).

(4) Dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 26/01/2022 ghi nhận 164 ca nhiễm biến chủng mới Omicron, có nguy cơ lây lan nhanh và gây quá tải hệ thống y tế nếu không được kiểm soát kịp thời. Số ca nhiễm có thể tăng khi người dân quay trở lại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết.

(5) Tình hình xã hội nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm. Một số địa phương áp dụng không thống nhất quy định của trung ương trong phòng, chống dịch bệnh; xuất hiện một số vụ bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình gây bức xúc trong dư luận xã hội; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và tai nạn giao thông gia tăng trong dịp Tết; buôn bán ma túy, chất gây nghiện… gia tăng dịp cuối năm.

Đã có nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng 01/2022

7 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.

Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay sau khi được Chính phủ ban hành. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cụ thể:

1. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trong và sau Tết để có phương án phòng, chống dịch phù hợp. Triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân an toàn, hiệu quả; hoàn tất tiêm chủng mũi tăng cường cho toàn bộ người dân trong tháng 02/2022, đẩy nhanh tiêm cho trẻ em. Nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong.

2. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho nhân dân trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Theo dõi chặt chẽ, xây dựng các kịch bản và phương án kiểm soát lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm để bắt tay vào sản xuất ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm mở lại các đường bay quốc tế, đón khách quốc tế theo lộ trình.

3. Xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, các quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay sau Tết, tích cực đẩy nhanh, giải quyết các công việc đang còn tồn đọng. Tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ án còn đang gây bức xúc trong xã hội.

4. Chủ động, khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thực hiện ngay chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát dòng tiền đi vào các hoạt động đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, tiền số... tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.

5. Đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Trong thực hiện cần chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chủ động điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

6. Chăm lo sức khỏe, đời sống người dân, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục. Bảo đảm mọi người dân được đón Tết Nguyên đán đầy đủ, vui tươi, an toàn. Đề cao, tôn vinh những hành động, cử chỉ đẹp, nghiêm khắc phê phán, xử lý những vụ việc xã hội phát sinh, không ngừng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông xã hội. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên, đồng thời chuẩn bị các phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học.

7. Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, đối ngoại song phương và đa phương, khai thác hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, hiệp định thương mại tự do (FTA). Tiếp tục tăng cường ngoại giao y tế, kinh tế phục vụ thiết thực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững. Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Phương Anh

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 16:16 | 30/01/2022