eMagazine
ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

09:22 | 15/11/2022

Trường đại học với vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng.

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN Doanh nghiệp KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Trường đại học có vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết, cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng. Trường đại học giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng một quốc gia khởi nghiệp.

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã từng bước được hình thành

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chính sách triển khai thực hiện. Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Nghị quyết xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong đó có 5 nguyên tắc liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo: (1) Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân; (2) Thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; (3) Ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm sự nhất quán dễ dự báo của chính sách; (4) Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; (5) Có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, địa phương; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước về khoa học - công nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia; triển khai thực hiện đề án thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp; phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí để kết nối mạng lưới khởi nghiệp của Việt Nam với thế giới…

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2019/TT-BTC nhằm quy định quản lý tài chính, đối tượng được hỗ trợ đó là các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện Đề án 844 và cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Về chính sách pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có một số văn bản quan trọng. Thứ nhất là Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia (NIC), có hiệu lực từ ngày 5/10/2020. Nghị định này quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại NIC, trong đó có việc được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật, để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh; được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế được quy định tại pháp luật về thuế.

Tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg, ngày 29/01/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, quy định, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Đặc biệt, ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Theo đó, bổ sung mục tiêu của Đề án như sau:

- Xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố gồm: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới.

- Tầm nhìn đến năm 2030, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Phối cảnh trụ sở làm việc của NIC (Ảnh: MPI)

Như vậy, những chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã từng bước được hình thành. Một số nội dung quan trọng của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã và đang được triển khai thực hiện: Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã xây dựng và đưa vào thực hiện, phát triển khu công nghiệp thông tin tập trung và khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện ở 3 thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và một số địa phương…

Bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều điểm sáng

Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ được phát hành bởi NIC và Quỹ đầu tư mạo hiểm DO Ventures, năm 2021, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2020, cao gấp 1,6 lần so với con số kỷ lục của năm 2019 là 874 triệu USD. Tổng số giao dịch cũng tăng đáng kể, đạt 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.

Xét trong khu vực, Báo cáo cho thấy, Việt Nam đứng thứ ba về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Vốn rót vào start-up Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam xuất hiện thêm 2 kỳ lân công nghệ vào năm 2021 là MoMo (được định giá gần 2 tỷ USD) và Sky Mavis (được định giá gần 3 tỷ USD). Điều này minh chứng cho hiệu quả của cơ chế, chính sách và sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp Việt.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục trong năm 2021. Khẩu vị của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

Trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự xuất hiện của thêm hai kỳ lân công nghệ mới là MoMo và Sky Mavis, nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Thành công của 2 công ty này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực. Như vậy, Việt Nam có 4 kỳ lân gồm: MoMo (2021), Sky Mavis (2021), VNG (2014) và VNLIFE (2019).

Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2022 là 125.821 doanh nghiệp, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 20/10, tổng số doanh nghiệp mới được cấp phép thành lập là 37.042 doanh nghiệp.

Do nhiều nguyên nhân, hiện nay vẫn chưa có số liệu chính thức về số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các văn bản, cũng như báo chí và các chuyên gia đều sử dụng số liệu được công bố từ năm 2017, đó là cả nước có hơn 3.000 startup (có văn bản đưa ra con số 3.800 startup).

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 mới được ban hành ngày 11/5/2022 đưa ra mục tiêu “Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần so với năm 2020”, trong khi không công bố số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm. Vì thế, vấn đề số liệu thống kê cần được các cơ quan quản lý nhà nước lưu ý tổng hợp và thực hiện hàng năm để người dân có thể nắm rõ, cũng như có thể biết những con số mục tiêu trong các văn bản quy phạm pháp luật đạt hay không đạt.

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất ấn tượng từ Trường đại học MIT (Hoa Kỳ)

Viện công nghệ Massachusetts còn gọi là đại học MIT, là Viện Đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ.

Đại học MIT nổi tiếng là Đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số 1 thế giới nhờ kết quả về số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập và hoạt động từ trường hằng năm và từ trước đến nay. Thông tin từ MIT cho biết, ngôi trường này có khoảng 130.000 cựu sinh viên. Theo Forbes, đến năm 2014, sinh viên từ MIT đã thành lập 30.200 công ty, tạo ra 4,6 triệu việc làm và doanh thu khoảng 1,9 nghìn tỷ USD mỗi năm. Con số này lớn hơn cả GDP của Ấn Độ (1.877 nghìn tỷ USD) - nghĩa là “nền kinh tế MIT” hiện chiếm vị trí thứ 10 thế giới, trên cả Canada và Úc. Riêng trong nước Mỹ, mỗi 8 USD được làm ra có 1 USD của MIT. 25% sinh viên MIT ra trường khởi nghiệp. Trái với hiện tượng “sớm nở tối tàn” thường thấy ở các startups, 80% doanh nghiệp của sinh viên MIT tồn tại trên thị trường hơn 5 năm và con số này là 70% sau 10 năm. Họ khởi nghiệp bài bản và bền vững. Trên nền tảng kiến thức công nghệ, 31% startups của MIT sở hữu ít nhất 1 bằng sáng chế. 23% doanh nghiệp đặt ngoài Mỹ, lan tỏa ảnh hưởng của đế chế khổng lồ này khắp thế giới.

Lý do khiến MIT đạt được thành công này và trở thành hình mẫu của đại học khởi nghiệp là nhờ:

+ MIT hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học Vật lý, Kỹ thuật, cũng như các ngành Sinh học, Kinh tế học, Ngôn ngữ học và Quản lý. Trường Đại học MIT được QS xếp hạng nhiều năm liền (từ 2012) là ngôi trường số 1 thế giới.

+ Với MIT, các chương trình đào tạo, giáo dục khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mới đã được xây dựng và triển khai từ rất sớm. MIT tập trung vào 2 chương trình chính là: Đào tạo tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp.

+ Không chỉ với người học, MIT khuyến khích giảng viên làm kinh tế để bổ sung thu nhập. Nhiều giáo viên của MIT trở thành doanh nhân, hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa MIT và các doanh nghiệp. Giáo sư của MIT từ thế kỷ 19 đã là kỹ sư và doanh nhân. Nhờ đó, MIT và các doanh nghiệp hình thành sự liên hệ chặt chẽ - dòng ý tưởng và phát minh chảy ra từ ngôi trường, và dòng lợi nhuận chảy về lại. Frederick Terman là giáo sư MIT, sau khi công tác ở Stanford, đã hướng dẫn William Hewlett và David Packard thành lập HP - giờ là tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ.

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Đại học Khởi nghiệp - Giải pháp đột phá phát triển DOANH NGHIỆP khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Trường đại học với vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết, cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng. Theo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2022, toàn quốc có 238 trường đại học, học viện; 412 trường cao đẳng. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 62 trường đại học, 48 trường cao đẳng.

Sau một thời gian thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) của Chính phủ, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đại đa số các trường đại học đã sôi động hơn và có những thành tựu. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động này còn tồn tại một số hạn chế về mô hình tổ chức; nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt là sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường thiếu thông tin và cơ chế. Hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo chưa có đầy đủ.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, không có năng lực đổi mới sáng tạo, trường đại học không những không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị cho mình, mà còn bị cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bỏ rơi, đặc biệt là nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển.

Vì thế, việc thành lập, hoặc phát triển các trường đại học thế hệ thứ ba, với sứ mệnh mới về đổi mới sáng tạo, gọi là đại học khởi nghiệp, tập trung cả sáng tạo tri thức và khai phá tri thức, đóng góp tích cực vào việc tạo ra giá trị cho xã hội thông qua hỗ trợ các nhà khởi nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp là rất cần thiết. Khai phá tri thức, hàng hóa hóa và thương mại hóa tri thức trở thành động lực của trường đại học và tổ chức này được coi là cái nôi của hoạt động khởi nghiệp bên cạnh nhiệm vụ truyền thống là đào tạo và nghiên cứu. Trong trường hợp này, sản phẩm của các trường đại học tạo ra không chỉ có nhà khoa học và nhà công nghệ, mà còn cả nhà khởi nghiệp.

Qua thực tiễn số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước các năm qua, phân tích cách làm của MIT và xu thế trên thế giới hiện nay, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam cần đi theo xu hướng chung, trở thành đại học khởi nghiệp và tập trung vào 2 chức năng đào tạo: Tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp.

Đồng thời, bổ sung các chức năng phù hợp với xu thế đổi mới sáng tạo hiện nay, như: Tư vấn cho các sinh viên về khởi nghiệp; hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng công nghệ của sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ kết nối, huy động vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ gọi vốn cộng đồng, các nhà đầu tư thiên thần… cho các cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường công nghệ, nhu cầu công nghệ làm cơ sở định hướng nghiên cứu cho trường đại học. Các trường đại học cần thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, có con dấu, chữ ký, pháp nhân độc lập. Các trung tâm đổi mới sáng tạo là kết quả nghiên cứu hình thành từ các đề tài, dự án của trường được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc trên cơ sở hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khác và các ý tưởng công nghệ của các sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, giảng viên, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường đại học. Nhân sự của trung tâm đổi mới sáng tạo phải nắm chắc kiến thức pháp lý liên quan sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các quy trình, thủ tục đấu thầu; có kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, hiểu biết, nắm bắt xu hướng công nghệ.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc đào tạo, giảng dạy trong phòng thí nghiệm, chú trọng đào tạo ứng dụng và gắn kết với các công ty công nghệ, các doanh nghiệp.

Nếu tất cả các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam định hướng và theo cách làm này, số lượng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng đột biến, góp phần chủ lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đất nước./.

Triển khai cho các trường cao đẳng và đại học trên cả nước phát triển theo định hướng trở thành đại học khởi nghiệp chính là giải pháp đột phá phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. - CEO Đặng Đức Thành

ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP – GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN DN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Bài: CEO Đặng Đức Thành

Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC)

UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ảnh: Tổng hợp từ nhiều nguồn

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 09:22 | 15/11/2022