Theo số liệu thống kê từ TKV, than rót giao các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) tháng 6/2022 đạt 2,96 triệu tấn, đạt 80% kế hoạch điều hành tháng và bằng 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung than cho điện và các hộ sản xuất

Trong tháng 6, tình hình cung cấp than của TKV và tồn kho than các NMNĐ đã có sự chuyển biến rõ rệt, tồn kho tại các nhà máy nhiệt điện phần lớn đảm bảo trên 14 ngày ngoại trừ một số NMNĐ nhận than đường biển như Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và Vũng Áng có số ngày vận hành khả dụng thấp hơn. Do thời tiết mưa nhiều, lượng nước tại các hồ chứa thuỷ điện ở mức cao, để đảm bảo an toàn vận hành một số nhà máy thuỷ điện lớn phía Bắc như Hoà Bình, Sơn La đã phải tiến hành mở cửa xả lũ từ ngày 12 đến ngày 19/6 đồng nghĩa với việc thuỷ điện được huy động phát công suất tối đa trong khi các nhà máy nhiệt điện than phải giảm công suất, cụ thể như NMNĐ Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Phả Lại, Uông Bí...có nhiều ngày chỉ phát 50% công suất hoặc thấp hơn, NMNĐ Thăng Long có nhiều ngày không phát điện do không được huy động.

NMNĐ Quảng Ninh có văn bản đề nghị giảm khối lượng nhận than tháng sáu từ 250 nghìn tấn xuống 110 nghìn tấn (giảm 66% kế hoạch điều hành tháng), NMNĐ Hải Dương đề nghị giảm từ 450 nghìn tấn xuống 280 nghìn tấn (giảm 37% so với kế hoạch điều hành tháng), NMNĐ Uông Bí đề nghị giảm từ 150 nghìn xuống 87 nghìn (giảm 42% so với kế hoạch điều hành tháng. NMNĐ Cẩm Phả tiếp tục dừng tổ máy số 2 do bảo dưỡng, sửa chữa chưa hoàn thành, khối lượng thực hiện giảm khoảng 100 nghìn so với kế hoạch điều hành tháng.

Hiện nay việc huy động tàu biển tương đối khó khăn do giá nhiên liệu liên tục tăng cao, cước vận chuyển quốc tế và cước vận chuyển các mặt hàng khác cao hơn cước vận chuyển than điện nên các đơn vị vận chuyển chỉ bố trí một số lượng tàu vừa đủ để quay vòng vận chuyển than cho TKV.

Đối với than cung ứng cho phân bón hoá chất, than cấp cho hộ phân bón tháng 6 đạt 175 nghìn tấn/258 nghìn tấn kế hoạch điều hành tháng, tương đương 68%. Tình hình cung cấp cám 5 và cám 6 cho Đạm Hà Bắc chậm, tồn kho than của khách hàng rất thấp, đơn vị có văn bản gửi TKV đề nghị được cung cấp than theo đúng kế hoạch do khó khăn về nguồn than phục vụ sản xuất. Đạm Ninh Bình sau thời gian phải dừng máy (từ ngày 14/5) đã hoạt động trở lại từ ngày 6/6, tình hình tồn kho được cải thiện hơn trước, thời điểm ngày 20/6 tồn kho khả dụng vận hành khoảng 12 ngày.

Than cấp cho xi măng dự kiến đạt 210 nghìn tấn/220 nghìn tấn theo kế hoạch điều hành tháng, tương đương 95%. Nhu cầu lấy hàng của khách cao và sẵn sàng nhận hàng nếu TKV có đủ than cung cấp. Than xuất khẩu dự kiến chưa thực hiện hết khối lượng kế hoạch điều hành tháng. Theo diễn biến tình hình thị trường than thế giới, nguồn than từ Nga có giá rẻ nên các nhà nhập khẩu tranh thủ cơ hội mua những chuyến hàng giá rẻ.

Theo mục tiêu kế hoạch, tháng 7/2022, TKV thực hiện đạt các chỉ tiêu chính như than nhập khẩu sản xuất: 3,3 triệu tấn, tiêu thụ than: 4 triệu tấn(xuất khẩu: 120 ngàn tấn; hộ điện: 3 triệu tấn, hóa chất 260 ngàn tấn, xi măng 220 ngàn tấn, hộ khác 400 ngàn tấn), Bóc đất đá tổng số: 19 triệu m3, thực hiện 23.800 mét lò đào, sản xuất điện: 830 triệu Kwh.

Dự kiến than nhập khẩu sản xuất trong 3 quý đạt 10,5 triệu tấn, sản lượng 9 tháng đạt 83% kế hoạch, tiêu thụ than 10 triệu tấn, phấn đấu 9 tháng tiêu thụ than đạt 80% kế hoạch, bóc đất đá tổng số: 48 triệu m3 , đạt 75% kế hoạch năm, thực hiện tổng số 72,5 ngàn mét lò đào, đạt 75 % kế hoạch năm.

Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch, Ban lãnh đạo Tập đoàn tập trung chỉ đạo các đơn vị xem xét rà soát, cân đối sản lượng than sản xuất - tiêu thụ ở mức phù hợp nhất để điều hành, đảm bảo có hiệu quả cao trong năm 2022, đồng thời có nguồn sản lượng chuẩn bị cho năm 2023 và các năm sau; tiếp tục triển khai việc tiêu thụ than pha trộn (5a.10, 6a.10) cho khách hàng ngoài hộ điện để tăng thêm nguồn cung cấp than đáp ứng nhu cầu sử dụng than của khách hàng; tăng cường công tác quản trị rủi ro; công tác an toàn, trật tự bảo vệ tài nguyên ranh giới mỏ./.