Đàm phán TPP tại Hawaii cuối tháng 7 vừa qua

Hội nghị trên nhận được cú hích quan trọng khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/9 đã nhất trí sẽ hợp tác để hoàn tất TPP trong tuần này. Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, dẫn lời Thủ tướng Abe nói rằng việc đạt được một thỏa thuận sớm là điều rất quan trọng trong việc đem lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng TPP, ông Mike Petersen, đặc phái viên Thương mại và Nông nghiệp New Zealand, cho biết cuộc gặp giữa trưởng đoàn đàm phán của 12 nước trên, diễn ra từ ngày 26-29/9, không đạt tiến triển đối với những vấn đề còn tranh cãi như: thương mại ô tô, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm, mở cửa thị trường sản phẩm sữa... Do đó, các quan chức đang chờ đợi sự đột phá từ Hội nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari, đại diện Nhật Bản khẳng định, ông có thể đàm phán song phương với đại diện Thương mại Mỹ Micheal Froman, cũng như người đồng cấp Tim Groser của New Zealand để giải quyết những vấn đề còn tranh cãi.

Bộ trưởng Thương mại Australia - Andrew Robb cũng cho biết, 12 nước vẫn đang thảo luận các vấn đề chi tiết tại Atlanta, và cam kết sẽ cố gắng hoàn tất thỏa thuận trong tuần này. "Tất cả đại diện các nước đều ý thức được họ đến đây để kết thúc chuyện này", ông nói. Thủ tướng New Zealand John Key và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akira Amari đều nhận thấy có cơ hội tốt để hoàn tất thỏa thuận.

Việc ký kết TPP sẽ giúp hạ thấp rào cản thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại 12 nước tham gia, chiếm 40% GDP toàn cầu, bao gồm: Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nước lo ngại nếu vòng đàm phán TPP nói trên không thành công, sẽ rất khó để chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama kịp trình hiệp định này cho quốc hội xem xét trước khi đất nước tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016./.