Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến “Phương pháp tiếp cận đa bên-Chìa khóa thành công của kinh tế tuần hoàn

Ngày 30/11/2021 tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Phương pháp tiếp cận đa bên-Chìa khóa thành công của kinh tế tuần hoàn”.

Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về các vấn đề quản lý chất thải rắn tổng hợp biến đổi khí hậu; sự phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương và ý nghĩa trong việc đạt được mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát thải ròng bằng không; cách thức điều phối các hành động và đầu tư tập thể cho nền kinh tế tuần hoàn, các giải pháp và hệ thống quản lý tài nguyên tổng hợp nhằm tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn và trung hòa carbon.

Tham dự hội thảo có Ông Jan Wilhelm Grythe-Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; ông Andrew Jeffries- Giám đốc Quốc gia của ADB Việt Nam; Ông Nguyễn Hưng Thịnh-Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); cùng với sự góp mặt trực tuyến của các đối tác, các diễn giả, UNDP Việt Nam, các cơ quan tài trợ quốc tế, các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học…

“Mô hình hiệp lực” thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ông Jan Wilhelm Grythe-Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo trực tuyến “Phương pháp tiếp cận đa bên-Chìa khóa thành công của kinh tế tuần hoàn”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Jan Wilthem Grythe Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết: “Cách tiếp cận đa bên của Na Uy, trong đó các cơ quan chính phủ/chính quyền các cấp hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, đã được chứng minh là một mô hình thành công trong nhiều mọi lĩnh vực (kể cả kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa). Chúng tôi muốn chia sẻ mô hình này với Việt Nam vì nó đã giúp Na Uy đạt được mục tiêu tuần hoàn của mình. Sự hiện diện của các đại biểu Na Uy trong Hội thảo trực tuyến này là một minh chứng cho mô hình hiệp lực này nhất là với sự có mặt của các tổ chức tài chính và phát triển quốc tế như ADB-một đối tác thân thiết ở châu Á của Bộ Ngoại giao Na Uy, và UNDP”.

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ông Andre Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Phương pháp tiếp cận đa bên-Chìa khóa thành công của kinh tế tuần hoàn”

Ông Andre Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu: “Quá trình đô thị hóa, và sự gia tăng phát sinh chất thải một cách nhanh chóng, là một vấn đề dai dẳng đi kèm cùng với quá trình tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây. Mặc dù đã có nhiều thành phố trở thành các trung tâm kinh tế, nhưng thực tế đang đòi hỏi nhiều trong số đó phải cải thiện hơn nữa các cơ sở hạ tầng và dịch vụ chủ chốt của mình, trong đó bao gồm cả hệ thống quản lý chất thải rắn. Nghiên cứu chuẩn bị dự án về quản lý chất thải rắn tại Vũng Tàu là một trong nhiều hướng đi mà ADB đang hỗ trợ cho quá trình phục hồi xanh hậu Covid và chiến lược phát triển carbon thấp của Việt Nam. Đại dịch Covid-19 là một cơ hội để tái thiết những cộng đồng của chúng ta theo các mô hình bền vững nhằm tạo dựng một tương lai xanh hơn và tốt đẹp hơn cho tất cả. Và một trong những cách tiếp cận để đạt được điều này đó là việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn”.

Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng trong việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R) chất thải nhựa. Động thái tích cực là Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu thu gom, tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý được 85% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm 50% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% các địa điểm, cơ sở du lịch và các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần v.v…

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với UNDP công bố thành lập Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam nhằm mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các bên liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia phát triển carbon thấp và tuần hoàn.

Thay mặt UBND Thành phố Vũng Tàu, ông Võ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch TP. Vũng Tàu khẳng định: “Giảm thiểu chất thải nhựa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và thiết thực. Đây là nhiệm vụ không chỉ của chính quyền, mà cả toàn thể người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chúng tôi. Mỗi người đều phải góp phần mình để thực hiện nhiệm vụ này”.

Ông Võ Hồng Thuấn cho biết, mặc dù TP. Vũng Tàu đã có kế hoạch phân loại ban đầu chất thải nhựa và giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, tuy nhiên việc triển khai kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và do mức độ nhận thức về vấn đề này của cộng đồng còn có phần hạn chế. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý chất thải nhựa trên địa bàn vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc đẩy mạnh thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa. Ông Thuấn hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng và triển khai những mô hình bền vững và khả thi cho TP Vũng Tàu.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Môi trường Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trên toàn cầu áp dụng thay đổi hệ thống để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn về nhựa… Để có thể xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, người dân của Việt Nam cũng như trên thế giới cần tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững; quản lý chất thải theo hướng coi chất thải là tài nguyên; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong các hoạt động tái chế, xử lý chất thải; thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đi đôi với hạn chế nhựa sử dụng một lần và bao bì khó phân hủy sinh học.”

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP 26) vừa qua, Việt Nam đã ký kết vào bản Tuyên bố Toàn cầu về Chuyển đổi từ Than sang Năng lượng Sạch và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ có những nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào 2050. Điều này cho thấy ý chí chính trị mạnh mẽ của Việt Nam, đảm bảo sự đóng góp quan trọng của Việt Nam trong các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C, và giúp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức độ thảm họa, như đã được đưa ra trong Thỏa thuận Paris. Đây là thời điểm vô cùng thích hợp để lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành nhựa nhằm sử dụng tài nguyên thông minh, giảm phát thải hiệu quả và phục hồi môi trường. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế để giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đã đề ra này.

Cam kết xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa

Tại Hội thảo trực tuyến, các bên tham gia đến từ Na Uy, các nhà tài trợ quốc tế, giới nghiên cứu/học thuật và khối doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa, qua đó giúp Việt Nam thực hiện những cam kết bảo vệ môi trường của mình và đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn và xanh hơn.

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ông Brian Joseph Capati, chuyên gia Phát triển Đô thị -Sáng kiến Phát triển các Thành phố Châu Á (CDIA) phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Đại diện Quỹ Sáng kiến Phát triển các Thành phố Châu Á-CDIA, ông Brian Joseph Capati, chuyên gia Phát triển Đô thị -Sáng kiến Phát triển các Thành phố Châu Á (CDIA) cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho thành phố Vũng Tàu. Cụ thể, CDIA sẽ chuẩn bị một chương trình đầu tư quản lý chất thải rắn mang tính tổng thể cho thành phố Vũng Tàu (bao gồm tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, tới thu gom, phân loại tại cơ sở trung chuyển, tái chế và xử lý, cho đến công đoạn cuối cùng là loại bỏ chất thải). Đầu tiên, CDIA sẽ cùng với Liên minh Chấm dứt Chất thải Nhựa thực hiện một nghiên cứu khả thi, trong đó xác định các hợp phần rác thải nhựa cần ưu tiên. Một trong những mục tiêu của Dự án là xây dựng một mạng lưới vững chắc kết nối các bên liên quan gồm các tổ chức trong nước và quốc tế, các đơn vị/cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, và các cơ quan chính phủ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Vũng Tàu) trong quản lý chất thải rắn dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị, đồng thời thúc đẩy/xúc tiến các hoạt động đầu tư để giảm thiểu sự rò rỉ chất thải nhựa vào môi trường. Việc các bên liên quan là những tổ chức và ngành công nghiệp hàng đầu trên thế giới tham gia vào Dự án này sẽ giúp truyền tải những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về các biện pháp tối ưu hóa quy trình quản lý chất thải hướng tới sự tuần hoàn và trung hòa carbon cho các chính quyền địa phương tại Việt Nam nói chung, và TP Vũng Tàu nói riêng.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD), UNDP hiện đang phối hợp cùng với các chính quyền địa phương tại Việt Nam nhằm nhân rộng các mô hình quản lý chất thải sinh hoạt và chất thải nhựa tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận và Bình Dương; phối hợp cùng với các đối tác chính phủ tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Phillipines tổ chức một cuộc thi cho toàn khu vực ASEAN kêu gọi các nhà sáng chế chia sẻ và thực hiện những ý tưởng sáng tạo để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại khu vực.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã phối hợp cùng với UNDP công bố việc thành lập Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (Vietnam Circular Economy Hub-CE Hub). Mạng lưới này có mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, và giới học thuật/nghiên cứu trong: Áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn; tạo sức mạnh tổng hợp, và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật, để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia phát triển carbon thấp và tuần hoàn. CE Hub bao gồm một cổng thông tin trực tuyết (bằng tiếng Việt và Tiếng Anh), và các hoạt động đào tạo, hội thảo và các sự kiện nhằm tăng cường đối thoại, xây dựng tri thức và thúc đẩy các hành động tập thể giúp chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Tăng cường chia sẻ, giao lưu và nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Đại diện đến từ UNDP, ông Hoàng Thành Vĩnh, Cán bộ Chương trình, Phòng Môi trường và Biến đổi Khí hậu (CCEU)-UNDP Việt Nam cho biết, UNDP-Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề mới nổi về chất thải và rác thải nhựa với mục tiêu giúp xây dựng một hệ thống quản lý chất thải tổng hợp tốt hơn, và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đi thực tế tại địa phương, ông Vĩnh nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, các giải pháp hữu hiệu về sử lý rác thải thì việc quan tâm đến truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng là hết sức quan trọng. Do vậy cần dựa vào các tổ chức xã hội tại địa phương và doanh nghiệp để họ chủ động, tăng cường thực thi và giám sát các hoạt động thu gom rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ô nhiễm ra môi trường.

“Chúng tôi nhận thấy, sức mạnh cộng đồng là rất quan trọng, nếu huy động được nguồn lực này thì chúng ta sẽ gặt hái được những thành công lớn, góp phần quan trọng thay đổi hành vi, nhận thức. Với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Chính phủ Na Uy trong việc chia sẻ thông tin, kiến thức, kết nối doanh nghiệp và truyền thông, sẽ góp phần đưa nền kinh tế của Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong tương lai gần”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Vương quốc Na Uy tại Hà Nội, Giám đốc Innovation Norway tại Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo trực tuyến

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Vương quốc Na Uy tại Hà Nội, Giám đốc Innovation Norway tại Việt Nam vui mừng khẳng định, Hội thảo đã gặt hái được nhiều thành công khi tập trung được nhiều bài học kinh nghiệm cũng như là những thông tin rất bổ ích để chia sẻ. Rõ ràng đây là chủ đề hết sức phù hợp, hữu ích và ý nghĩa nằm trong khung khổ của một loạt các hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết hệ quan hệ ngoại giao giữa Na Uy và Việt Nam.

“Chúng tôi trân trọng sự tham gia và đóng góp ý kiến quý báu của các đại biểu. Được nghe những bài trình bày của những chuyên gia, những diễn giả rất tuyệt vời. Phía trước sẽ còn cả một chặng đường dài sẽ phải đi nhưng qua những trao đổi ngày hôm nay, chúng ta cần tăng cường chia sẻ, củng cố những kiến thức cũng như là có những giao lưu để chúng ta tiếp tục những chặng đường này, là tìm ra những giải pháp thay thế tốt nhất, ý nghĩa nhất nhằm giải quyết những câu chuyện về ô nhiễm, trong đó có ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải. Đặc biệt là những cam kết mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra tại tại Hội nghị các bên (COP 26) ở Glasgow (Anh) là thấy rất rõ. Việt Nam đã tham gia câu lạc bộ toàn cầu, và đặc biệt những cam kết về giảm phát thải và khí mê tan chúng ta thấy rất rõ. Hy vọng chúng ta sẽ sớm gặp gỡ và có những kết nối để có thể chứng kiến sản phẩm của chúng ta là dự án quản lý rác thải ở Vũng Tàu”- ông Arne-Kjetil Lian bày tỏ.

Hy vọng với sự phối hợp hiệu quả của Chính phủ Na Uy cùng các tổ chức tài chính và phát triển quốc tế, dự án quản lý rác thải ở Vũng Tàu cùng nhiều dự án khác trong lĩnh vực quản lý môi trường sẽ nhanh chóng được triển khai và đi vào hiện thực, là cơ sở để Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác tiếp tục hành trình triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững, tiến tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong tương lai gần./.