eMagazine
Để đầu tư công tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

18:56 | 08/04/2022

Lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để đầu tư công phải tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

Để đầu tư công tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

Lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

vẫn còn 17/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đầu tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số: 2048/QĐ-TTg và 97/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định là 518.105,8 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 483.305,895 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 34.800 tỷ đồng; còn lại chưa giao là 8.000 tỷ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2022, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Để đầu tư công phải tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định việc chậm tiến độ giải vốn đầu tư công là do các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến hết quý I, 51/51 bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết kế hoạch với tổng số vốn là 99.957,032 tỷ đồng, đạt 90,4% kế hoạch đầu tư vốn NSNN được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó 38 bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn NSTW được giao.

Đã có 63/63 địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch với tổng số vốn là 366.166,281 tỷ đồng, trong đó: vốn cân đối NSĐP phân bổ bằng 87,1% và vốn NSTW hỗ trợ cho địa phương phân bổ bằng 97,8% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó 42 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn NSNN.

Như vậy, đến hết ngày 30/3/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 466,123,313 tỷ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (518.105,895 tỷ đồng).

Về cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 ngay từ đầu năm, đã cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trong phạm vi kế hoạch đầu tư vốn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có phương án phân bổ chưa phù hợp thứ tự ưu tiên theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và các Quyết định số 2048/QĐ-TTg, số 97/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, địa phương này đề nghị phân bổ lại.

Tuy nhiên, số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ còn khá lớn (51.982,582 tỷ đồng), bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có số vốn chưa phân bổ còn lại cao như: Liên minh hợp tác xã (98,1%), Thanh tra Chính phủ (84,9%), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,4%), Đà Nẵng (91%)....

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có 31/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối NSĐP tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu năm 2021, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn 17/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương.

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nguyên nhân đến ngày 30/3/2022 chưa phân bổ kế hoạch đầu tư vốn năm 2022 chủ yếu là do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (Quyết định đầu tư) cho các dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025.

29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn

Ngay từ đầu năm 2022, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và trong Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản và Công điện đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó đề nghị người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn NSNN năm 2022 ước thanh toán đến ngày 31/3/2022 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó: vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng (đạt 12,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); vốn nước ngoài là 343,32 tỷ đồng (đạt 0,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Bộ Tài chính cũng nêu rõ, có 04 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%, trong đó một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Bộ Quốc phòng (29,14%) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (25,15%), Hưng Yên (28,12%), Thái Bình (33,92%), Lai Châu (28,5%), Quảng Ninh (25,86%),…

Điều đáng lưu ý là có 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%), trong đó có 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.

Để đầu tư công phải tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, việc chậm giải ngân là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc giải ngân chậm là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Chậm giải ngân vốn đầu tư công là do quá trình tổ chức thực hiện. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có những bộ, địa phương giải ngân rất thấp, đến nay còn 29 đơn vị chưa giải ngân.

Bên cạnh đó, một yếu tố khách quan đang tác động tiến độ giải ngân vốn, lặp lại tương tự như những tháng đầu năm 2021 là giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu “cầm chừng” để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Ngay những ngày đầu năm 2022 (11/1), gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó, tập trung khá lớn vào đầu tư công.

Như vậy, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn. Bởi, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công vừa phải bảo đảm đúng tiến độ, vừa nâng cao chất lượng; phải rà soát từ khẩu chuẩn bị đầu tư, chọn chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch,… đúng quy định và trên tinh thần công khai, minh bạch.

Nội dung về đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn là một nội dung chính được đề cập tại các phiên họp Chính phủ. Mới đây, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng yêu cầu, các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA.

Nêu rõ việc này trong quý I vừa qua chưa có cải thiện đáng kể, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công.

"Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn về nội dung này.

Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tập trung xây dựng các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, đồng thời khẩn trương rà soát, tổng hợp các vướng mắc, ách tắc để báo cáo đầy đủ, toàn diện với Quốc hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đến ngày 31/3, nếu bộ, cơ quan, địa phương nào chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 được giao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án, các bộ, cơ quan, địa phương khác, đồng thời phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và các tập thể, cá nhân có liên quan...

Để đầu tư công phải tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
Sáng ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Bức tranh kinh tế quý I/2022 cho thấy, nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực. Trong tiến trình ấy, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là "cú hích" cho phục hồi kinh tế.

Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện một số giải pháp trong 3 quý còn lại của năm.

Theo đó, các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: (i) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (ii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iii) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (iv) Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; (v) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực;...

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: (i) Đến hết ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm phân bổ vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1993/VPCP-KTTH ngày 31/3/2022; (ii) Đến hết ngày 31/5/2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao (tỷ lệ giải ngân 0% kế hoạch); (iii) Đến hết ngày 31/5/2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.

Liên quan đến giải ngân chậm các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ làm việc trực tiếp với từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xác định rõ lý do, kiến nghị giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, nhận định rằng, khu vực tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực này.

Theo chuyên gia này, các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược với quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư là những chương trình đầu tư công quan trọng, có thể kể đến như đường cao tốc Bắc-Nam, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như phát triển tàu điện ngầm, xe buýt nhanh trong thành phố, cơ sở hạ tầng điện với các đường dây truyền tải trong các dự án điện./.

Phương Anh

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 18:56 | 08/04/2022