Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số và Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017-2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng ngày 17/05/2018 , TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, công nghệ số được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội Các quốc gia ASEAN. Điều này đã giúp Hiệp hội trở thành một trong năm nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.

Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã có những đột phá trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã vượt kỳ vọng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025).

Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành, như: du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến...

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế...

Nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử, như: Vuivui.com, Tiki.vn..., các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, như: ví 123Pay, ZaloPay của ZION, Momo, Payoo..., mạng xã hội, thanh toán trực tuyến của các ngân hàng...

“Nhưng cần nhìn vào thực tế, dù có tiềm năng, nhưng mức độ phát triển còn hạn chế. Hiện này, tỷ trọng thương mại điện tử mới chiếm 3,6% doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam, trong khi tỷ trọng này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức trung bình là 14,5%”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cơ hội song hành cùng thách thức với doanh nghiệp trong nền kinh tế số

TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, sự phát triển của nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp ở các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Theo đó, việc phát triển công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí hậu cần và giao dịch.

Nếu tận dụng được công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính doanh nghiệp Việt Nam tạo nên. Các sản phẩm công nghệ sẽ tạo ra nhiều giá trị, giảm chi phí sản xuất, lao động nhân công…

Đồng tình với việc các doanh nghiệp không thể bỏ qua cơ hội phát triển từ việc tận dụng công nghệ số, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ một ví dụ thành công khi ứng dụng công nghệ số.

Đó là một doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ đóng gói, đóng hộp, doanh nghiệp này đã giảm được số nhân công, chi phí và giờ làm, từ 20 nhân công xuống còn 2 người vận hành máy. Sắp tới đây, doanh nghiệp này còn tiếp tục đầu tư dây chuyền dập hàng, mới năng suất tương đương hàng trăm công nhân.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn

Tuy nhiên, TS. Lộc cũng nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế số cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, thách thức về thị trường. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường, có mặt trong rất nhiều ngành nghề của nền kinh tế. Tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa của doanh nghiệp số, như: Facebook, Google, Microsoft, trong xã hội hiện nay là rất lớn. Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà.

Thứ hai, thách thức về an ninh, bảo mật. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ còn nhiều bất cập. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng Internet vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin, tính riêng tư của dữ liệu. Khi kỹ thuật số trở nên phổ biến, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc làm thế nào để ngăn chặn và giải quyết vấn đề tấn công qua mạng.

Thứ ba, thách thức trong triển khai thương mại điện tử. Các chi phí, dịch vụ kho vận cao và kém so với nhiều nước trong khu vực đã hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. Cùng với đó là lòng tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến chưa cao.

Thứ tư, khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế kỹ thuật số, do những phiền toán về truy cập Internet và truyền dẫn băng thông tin rộng, tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân cũng như các kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến, chi phí đắt đỏ của các thiết bị công nghệ thông tin.

Thứ năm, thách thức liên quan đến khách hàng. Hơn 60% dân số Việt Nam ở nông thôn, khu vực gặp trở ngại trong việc tiếp cận internet. Một lượng lớn người dân không thể tiếp cận được với các sơ sở ngân hàng. Do vậy, người dân bị hạn chế trong việc mua sắm, giao dịch trực tuyến và cản trở sự phát triển của ngành công nghệ.

Thứ sáu, chưa có môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số. Nếu có một khung pháp lý phù hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế và nền kinh tế số diễn ra một cách mau chóng và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam; trong đó có luật văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử.

Thứ bảy, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đây đang là một trong những thách thức lớn đối kinh tế số của Việt Nam. Theo báo cáo của Vietnamworks, dự báo đến cuối năm 2018, ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 nhân sự và đến năm 2020 con số này sẽ là 500.000 nhân sự.

Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng đồng hành

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, có khu vực tư nhân đang ở trong những giai đoạn chuyển mình hết sức quan trọng. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chương trình hành động cụ thể để đồng hành cùng các cơ quan nhà nước xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, nỗ lực đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, cho biết, Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số là cơ hội tốt để thảo luận về các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển và thích ứng được với nền kinh tế số.

Theo Thứ trưởng Hưng, cần giải quyết 2 vấn đề đó là: (i) Vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng bệ đỡ, xây dựng thể chế chắc chắn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thích ứng và phát triển. Hiện tại, môi trường pháp lý tạo điều kiện cho nền kinh tế còn chưa hoàn thiện và phù hợp; (ii) Nhận thức và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Cũng bàn đến giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong xu thế nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng nên ồ ạt chuyển sang kinh tế số, mà phải phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi số phù hợp cho mình.

Tại Nhật Bản, có nhiều doanh nghiệp vẫn giữ công nghệ cũ, nhưng họ vẫn đạt được thành công nhờ chiến lược kinh doanh bền vững, nhắm đúng yêu cầu thị trường.

Cũng tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thông tin dữ liệu là rất quan trọng với hoạt động của doanh nghiệp. Từ năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp thống nhất chung cho cả nước. Những thông tin này không chỉ quan trọng với hoạt động quản lý của Nhà nước, mà cũng rất cần thiết với chính hoạt động của doanh nghiệp để tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh…

Cũng chính vì thế, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng thực hiện Chính phủ điện tử, tận dụng mọi cơ chế và phương tiện tạo thuận lợi hóa thương mại, như: cơ chế hải quan một cửa, đăng ký kinh doanh và nhận thông tin trực tuyến; kê khai và quyết toán thuế, bảo hiểm qua internet; sử dụng hóa đơn điện tử…/.

Năm 2017 là năm thứ mười hai VCCI xây dựng và xuất bản Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp trong nền kinh tế số” đã đưa ra bức tranh đánh giá về sự phát triển của doanh nghiệp trong những lĩnh vực ứng dụng kinh tế số trong năm 2017, so sánh với giai đoạn 2007-2016.

Từ đó cho thấy, những vấn đề cần cải thiện để nâng cao năng lực doanh nghiệp. Thúc đẩy cải thiện mô hình kinh doanh theo hướng tăng hàm lượng sử dụng công nghệ số là định hướng phù hợp trong bối cảnh hiện nay.