Khi cơ quan chức năng hiểu và lên tiếng

Cùng với việc thực hiện quy định của Nghị định số 10, Tổng cục Đường bộ cho biết việc đề xuất lùi thời hạn phạt là nhằm đồng hành cùng tháp gỡ khó khăn cho các đơn vị cũng như doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ do ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

Đề xuất lùi thời gian phạt xe không lắp camera, nhiều cơ quan lên tiếng ủng hộ doanh nghiệp

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải

Cụ thể, cơ quan này kiến nghị chưa xử lý vi phạm hành chính đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Đối với xe kinh doanh hàng hóa bằng container, xe đầu kéo chưa xử lý vi phạm hành chính do chưa lắp camera đến hết ngày 30/12/2021.

Tổng cục Đường bộ cũng đề xuất tiếp tục thực hiện việc đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô 9 chỗ trở lên và xe kinh doanh hàng hóa container, xe đầu kéo theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Việc phạt xử lý vi phạm hành chính do không lắp đặt camera sẽ được thực hiện nghiêm từ 1/1/2022 đối với xe kinh doanh hàng hóa container, xe đầu kéo và từ 1/7/2020 đối với xe khách từ 9 chỗ trở lên.

Như vậy, theo kiến nghị của Tổng cục Đường bộ, nếu được chấp thuận thì thời gian hạn phạt vi phạm do không lắp camera đối với xe khách 9 chỗ trở lên lùi lại 1 năm, đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo lùi thời hạn phạt vi phạm 6 tháng tính từ thời điểm 1/7/2021 theo quy định tại Nghị định số 10.

Đưa ra lý do để xuất lùi thời hạn này, Tổng cục Đường bộ cho biết trong thời gian qua tiếp tục nhận được các văn bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội vận tải ô tô một số địa phương lùi thời gian xử phạt đối với xe kinh doanh vận tải không lắp camera để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản lượng vận chuyển giảm mạnh so với tháng 4/2021. Đặc biệt một số địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một số địa phương có các tuyến vận tải hành khách cố định đi, đến các địa phương này.

Số liệu được Tổng cục Đường bộ đưa ra cho thấy trong tháng 5/2021, mặc dù khối lượng hàng hóa vận chuyển có tăng so với tháng 4 và cùng kỳ năm ngoái, song khối lượng vận chuyển hành khách giảm 15,1% so với tháng 4, đạt 265.810 người, khối lượng luân chuyển hành khách cũng giảm 12,5% so với tháng 4, đạt 9874 triệu HKKm.

Cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Như vậy đây là động thái lên tiếng chính thức của cơ quan chức năng trước kiến nghị khẩn thiết liên tục của hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng như các Hiệp hội trong thời gian vừa qua. Trước đó, vào đầu năm 2021, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội vận tải ô tô một số địa phương đã từng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo đề xuất Chính phủ cho phép lùi thời gian quy định lắp camera trên xe đến 1-7-2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các kiến nghị liên quan đến việc này cũng đã được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tiếp nhận và tổng hợp trong báo cáo Thủ tướng tháng 01-02/2021. Tuy nhiên đáng chú ý là phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải là vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện quy định này từ ngày 1/7/2021 và sẽ xử phạt nghiêm các DN chưa tiến hành lắp camera khiến các doanh nghiệp rất lo ngại.

Mới đây nhất, các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Hiệp hội Logistics Việt Nam tiếp tục được Ban IV đưa vào báo cáo tháng 4-5/2021 kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải. Tại báo cáo đề xuất này, Ban IV tiếp tục nhắc lại kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan một lần nữa rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp tại thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định hợp lý hợp tình và thấu đáo, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt. Đặc biệt, với đề xuất này Ban IV cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn trong thời gian này.

VCCI kiến nghị bỏ quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô vận tải nội bộ

Cũng liên quan đến yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình, áp dụng với đối tượng là xe ô tô vận tải nội bộ, trong góp ý mới đây cho Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô của Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất cơ quan quản lý cần cân nhắc xem xét yêu cầu này.

Một trong những tác động trực tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp được VCCI chỉ ra là việc yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp. Dẫn thông tin của cơ quan soạn thảo, theo đó hiện nay tổng số phương tiện phải thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình khoảng 400.000 phương tiện, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị, ước tính tổng chi phí cho việc lắp đặt trên 400.000 xe vào khoảng 600 tỷ đồng, VCCI cho rằng chi phí này chưa phản ánh đầy đủ chi phí thực tế xã hội phải bỏ ra, bởi cơ quan soạn thảo vẫn chưa tính chi phí từ phía cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện biện pháp quản lý này.

Hơn nữa còn phải tính chi phí để doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ. Theo VCCI, đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính. “Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều nỗ lực trong cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thì quy định về cơ chế quản lý đối với hoạt động vận tải nội bộ cần được đánh giá tác động đầy đủ và thận trọng hơn”, VCCI nhấn mạnh trong góp ý.

Với các phân tích về các các cơ sở căn cứ cần xem xét, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nghị định cân nhắc bỏ quy định xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong trường hợp đánh giá tác động của chính sách này cho thấy lợi ích thu được từ hoạt động quản lý lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra, VCCI khuyến ghị Ban soạn thảo chờ đến thời điểm Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi và có quy định này thì quy định tại Nghị định./.

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị lùi thời hạn yêu cầu lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị lùi thời hạn yêu cầu lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải

- Các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Hiệp hội Logistics Việt Nam về việc lùi thời hạn yêu cầu ...

Hà Nội: Hoàn thành việc lắp đặt camera tại các khu cách ly trước 12/6/2021 Hà Nội: Hoàn thành việc lắp đặt camera tại các khu cách ly trước 12/6/2021

- Sở Y tế cũng rà soát, xây dựng phương án tổ chức đáp ứng khả năng cách ly lên 40.000 người tại các khu ...