eMagazine
Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô

11:00 | 02/02/2022

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, nhưng đây là con số định hướng chứ không cố định, có thể cao hơn hay thấp hơn 14% tùy theo mục tiêu ổn định vĩ mô, giá trị đồng tiền, tỷ giá, lạm phát… Trong năm, các hoạt động điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần.

PV: Thưa Phó Thống đốc, trải qua năm 2021 với rất nhiều thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn về đích tăng trưởng với 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Xin Phó thống đốc chia sẻ những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã thực hiện để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua những thách thức chưa từng có như năm 2021 vừa qua?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2021 mang tới nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19… Với ngành Ngân hàng, năm 2021 cũng là một năm rất đặc biệt khi kỷ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam. Theo đó, ngay từ đầu năm, toàn ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, góp sức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thực thi các mục tiêu phát triển nền kinh tế.

Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát, góp sức ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NHNN chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2021, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để điều tiết thanh khoản phù hợp, sẵn sàng nguồn vốn phục hồi nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức thấp, NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn để có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay.

NHNN cũng luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát... Nhờ đó, lạm phát năm 2021 được kiểm soát dưới mục tiêu 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lạm phát cơ bản cũng ở mức thấp, góp phần củng cố niềm tin của người dân, giúp nền kinh tế tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI và trong năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng mức lên “Tích cực”.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. NHNN đã điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), mở rộng tín dụng lành mạnh, thực hiện tốt giảm lãi suất cho vay, kịp thời cung ứng vốn cho doanh nghiệp, người dân. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, cũng như các chương trình tín dụng chính sách. Tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020. Tín dụng đến cuối năm 2021 tăng trên 13% so với cuối năm 2020; 4 trên 5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.

Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp, để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Đặc biệt, chuyển đổi số là hướng đi chiến lược nhằm cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Do vậy, trong năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động; hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Tín dụng đến cuối năm 2021 tăng trên 13% so với cuối năm 2020; 4 trên 5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế

PV: Trong khó khăn đại dịch, một trong những điều được người dân, doanh nghiệp mong đợi nhất ở NHNN là việc chỉ đạo, điều hành các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất, nhằm chung tay chia sẻ khó khăn với khách hàng. Xin Thống đốc chia sẻ một số kết quả cụ thể của mảng việc này?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các ngân hàng trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021, nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Trong năm 2021, NHNN quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các ngân hàng thương mại (NHTM) có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng; 04 NHTM nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tính từ 15/7/2021 đến 30/11/2021, tổng số tiền lãi giảm lũy kế của 16 ngân hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay đang áp dụng để hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng...

Đến cuối năm 2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh việc chỉ đạo các TCTD, NHNN đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 75%-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, chuyển tiền nhanh 24/7; áp dụng chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng. Nhiều TCTD triển khai thêm các gói sản phẩm dịch vụ “phí zero” hoặc kèm các điều kiện duy trì số dư bình quân để được miễn phí. Đến nay, tổng số tiền phí đã giảm cho khách hàng khoảng trên 2,5 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, trong năm, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho khoảng 2 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho khoảng 430 nghìn lượt người lao động trên toàn quốc theo Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, ngày 01/07/2021 và gần nhất là Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, ngày 08/10/2021.

Ngoài ra, trong năm 2021, ngành ngân hàng đã triển khai các gói hỗ trợ đặc thù như tái cấp vốn cho các TCTD cho vay Tổng Công ty hàng không Việt Nam với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng; tập trung nguồn vốn gần 5 nghìn tỷ đồng (trong thời gian tháng 6-7/2021) cho 13 tỉnh Đồng bằng song Cửu Long nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu...

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư.

PV: Ghi nhận những đóng góp tích cực và nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của ngành Ngân hàng, nhưng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại nợ xấu của ngân hàng gia tăng do doanh nghiệp mất khả năng trả nợ bởi tác động của đại dịch. Vậy ngành Ngân hàng đã và sẽ làm gì để tháo gỡ khó khăn, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Kể từ ngày 23/01/2020 (ngày Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên), NHNN đã phối hợp với các Bộ Tài chính để ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, thông qua việc theo dõi sát diễn biến của các đợt dịch tiếp theo tại Việt Nam, NHNN đã hai lần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01 bởi các Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 07/9/2021, để đảm bảo đồng thời các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân trong phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế, hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ đại dịch. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay trả nợ ngân hàng, rủi ro nợ xấu phát sinh, gia tăng nếu khó khăn kéo dài và không được tháo gỡ kịp thời. Chu chuyển vốn và vòng quay tín dụng chậm lại do doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, sản xuất cầm chừng và tiêu thụ hàng hóa khó khăn, sức tiêu thụ của nền kinh tế trong và ngoài nước bị ảnh hưởng do cách ly phòng chống dịch…, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tín dụng của TCTD.

Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là điều vô cùng quan trọng để sẵn sàng tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong điều hành NHNN, chúng tôi luôn yêu cầu các TCTD chú trọng đến việc đảm bảo thanh khoản, duy trì năng lực tài chính trong ngắn và trung hạn. Hạ lãi suất cho vay, nhưng không được hạ chuẩn tín dụng, hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình từ việc tiếp tục giảm chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận trên quan điểm đồng hành, hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xây dựng các kịch bản để kiểm soát và xử lý nợ xấu phù hợp...

Trong thời gian tới, với kinh nghiệm có được, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình, mức độ diễn biến của dịch Covid-19 để nghiên cứu và kịp thời đề xuất, ban hành những giải pháp sao cho phù hợp và hiệu quả nhất đối với hoạt động thị trường tín dụng.

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô

PV: Ngoài các giải pháp từ ngành Ngân hàng, theo Phó Thống đốc, đâu là các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi khi chúng ta thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Có thể nói, nợ xấu của các TCTD tức là nợ xấu của nền kinh tế hiện nay có xu hướng tăng lên, đây là điều dễ hiểu bởi hậu quả của tác động dịch bệnh trong gần 2 năm qua. Để kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu, thì phải làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường. Điều đó phụ thuộc vào nhiều chính sách, cơ chế hợp lý tích cực sớm được ban hành, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực. Trong đó chính sách tài khóa, chính sách đầu tư công, chính sách xuất - nhập khẩu, chính sách về lao động, thị trường, đất đai…, phải được triển khai tích cực, nhanh chóng, đồng bộ, để các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của xã hội được khai thác triệt để. Về phần mình, CSTT cũng sẽ được bám sát, phối hợp cùng các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo tăng cường nguồn lực vốn bằng tiền thông qua hoạt động tín dụng, hoạt động thanh toán, hoạt động hối đoái…, để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và tiếp tục phát triển.

Ngoài các chính sách cơ chế nói trên, cũng rất cần một khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp, các TCTD tự thích ứng với thực trạng, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam. Ngay cả khi sẵn sàng chấp nhận diễn biến phức tạp như đợt dịch thứ 4 vừa qua, các doanh nghiệp cần chủ động phương án sản xuất kinh, doanh mới của mình, tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn để trụ vững. nguồn lực hỗ trợ từ ngân hàng đồng hành theo quan điểm: chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ để cùng thích ứng và tiếp tục hoạt động trong trạng thái “bình thường mới” khi thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Lãnh đạo NHNN đi khảo sát cho vay tái canh cây cà phê

PV: Xin Phó Thống đốc chia sẻ những định hướng, giải pháp trọng tâm của NHNN thời gian tới?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, hoạt động của NHNN sẽ tập trung vào 5 điểm sau:

Thứ nhất, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ hai, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.

Thứ tư, triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, xây dựng ngành Ngân hàng phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, tiếp tục làm tốt vai trò là huyết mạch của dòng chảy tài chính trong nền kinh tế.

PV: Thưa Phó Thống đốc, dù có nhiều nhận định lạc quan về triển vọng nền kinh tế năm 2022, nhưng chúng ta cũng cần lường trước khả năng những diễn biến bất thường của các biến chủng Covid-19, có thể sẽ tạo nên những thách thức lớn hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức phía trước, xin Phó Thống đốc chia sẻ một vài điểm về phương châm điều hành hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2022?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tương lai luôn hàm chứa những yếu tố bất ngờ, không thể biết chắc. Ngành Ngân hàng, gánh trên vai nhiệm vụ chính trị nặng nề, nhưng chúng tôi có nhiều cơ hội và thuận lợi từ những thành tựu đã đạt được, đặc biệt luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Trong mọi hoàn cảnh, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được, quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để cùng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trong toàn ngành Ngân hàng, chúng tôi quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế; Quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, xử lý có hiệu quả ngân hàng yếu kém; Thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích thương mại cho doanh nghiệp và người dân góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong cuộc họp đầu năm 2022 với các TCTD, Thống đốc NHNN đã đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình trong lĩnh vực được giao phụ trách để chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo, điều hành, nhằm hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN đề nghị chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tổng giám đốc, giám đốc các TCTD nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tôi tin rằng, thời gian tới, những chính sách và chủ trương điều hành của NHNN sẽ được thực hiện một cách tích cực hơn, được gắn vào các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, đảm bảo mục tiêu hài hòa vừa hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, nền kinh tế bằng nguồn lực của chính ngân hàng, vừa đảm bảo an toàn hoạt động và lành mạnh tài chính của từng TCTD cũng như cả hệ thống Ngân hàng Việt Nam./.

Xin cảm ơn Phó Thống đốc.

Tường Vi thực hiện

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 11:00 | 02/02/2022