99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ

Theo Bộ Công Thương, EU là một trong những thị trường quan trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, các chuyên gia đánh giá, với 500 triệu người tiêu dùng và GDP hơn 17.000 tỷ USD của EU, việc ký kết EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại với đối tác “khổng lồ” này.

EVFTA được khởi động đàm phán ngày 26/6/2012 và sau khi trải qua 14 phiên thảo luận chính thức, ngày 04/08/2015 vừa qua, chính phủ 2 nước đã tuyên bố kết thúc đàm phán và chuẩn bị đi tới ký kết Hiệp định.

Theo đó, nội dung cam kết trong Hiệp định sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực không phải chịu thuế ngay ngày đầu tiên. Tiếp đó, theo lộ trình, sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế. Đối với rất ít dòng thuế còn lại sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký cho đến nay.

Đánh giá về những cơ hội mà EVFTA mang lại cho Việt Nam, tại hội thảo “Kinh doanh với thị trường Phần Lan và EU” tổ chức ngày 03/07/2015, ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên Cơ quan Kinh tế và Thương mại thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng: “EVFTA sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam, thậm chí còn tốt hơn cả việc gia nhập WTO năm 2007, vì hàng hóa EU sản xuất ra đa phần không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam; thay vào đó, hàng hóa của hai bên sẽ bổ sung cho nhau. Điều này khác hoàn toàn với những nền kinh tế làm ra sản phẩm quá giống với chúng ta, nhưng quy mô lại lớn hơn ta nhiều lần”.

Lấy ví dụ về sự bổ sung giữa Việt Nam - EU về sản xuất hàng hóa, ông Lê Kỳ Anh cho biết, trong nhiều năm qua, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào nhóm hàng nông – thủy sản, dệt may, da giầy… và nhập khẩu từ EU các sản phẩm công nghiệp, máy móc công nghệ cao phục vụ sản xuất.

Cũng nhận định về vấn đề này, ông Massimiliano Guelfo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Italia tại Việt Nam cho biết, việc EU giảm thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo EVFTA sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường EU, đặc biệt là những mặt hàng đang bị sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc – quốc gia chưa có FTA với EU hay ngay cả những quốc gia đã có FTA với EU và những quốc gia được EU cho hưởng mức thuế thấp (Hoàng Sang, 2015).

Chủ động tìm hiểu thông tin để tận dụng ưu đãi từ thị trường “khó tính”

Mặc dù FTA với EU có nhiều lợi thế, song, các chuyên gia cũng đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này. Ngoài ra, việc giảm thuế nhiều mặt hàng xuất xứ từ EU và mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi minh bạch hóa các quy định về quản lý kinh doanh và đầu tư.

Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số lưu ý cho các doanh nghiệp Việt, đó là doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, “biết mình biết người”. Hành động đúng phải xuất phát từ nhận thức đúng, từ thông tin đúng. Vì vậy, để có thể cạnh tranh tốt, tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức từ EVFTA, thì các doanh nghiệp phải hiểu được nội dung của Hiệp định, về những tác động của chúng với các hoạt động của mình. Chỉ có như vậy mới có thể chuẩn bị tốt cho việc thực thi hiệu quả Hiệp định này.

Bên cạnh đó, bà Trang cũng nhấn mạnh, “Buôn có bạn, bán có phường”. Kinh doanh ở thị trường nước ngoài, cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là thị trường EU càng cần phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, với các hiệp hội. Đây dường như là cách thức rất tốt để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội tới từ EU. Liên kết doanh nghiệp, hành động cùng các hiệp hội, tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm giới thiệu hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài là việc các doanh nghiệp nên lưu ý.

Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, để tận dụng cơ hội từ FTA, doanh nghiệp cần: (1) Phải có chiến lược kinh doanh đúng, có tốc độ phát triển nhanh thì sẽ rất nhanh chóng biến một doanh nghiệp nhỏ thành một doanh nghiệp lớn; (2) Phải tập trung khai thác giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là chữ tín hay một bản sắc riêng về dịch vụ, về công nghệ; (3) Phải chọn chiến lược cạnh tranh đúng, phải nhớ rằng chiến lược tăng trưởng bản chất là cạnh tranh, bởi vì chỉ có cạnh tranh được thì mới chiếm được thị phần và như vậy mới có doanh thu và lợi nhuận (Cẩm Tú, 2014)./.

Tham khảo từ các nguồn:

1. Hoàng Sang (2015). 3 lưu ý cho doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết FTA với EU, truy cập từ http://enternews.vn/3-luu-y-cho-doanh-nghiep-khi-viet-nam-ky-ket-fta-voi-eu.html

2. Cẩm Tú (2014). FTA Việt Nam – EU mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, truy cập từ http://www.vcci.com.vn/nghien-cuu/20141113143433656/fta-viet-nam-eu-mo-ra-nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet.htm