Báo cáo khẩn tổng hợp ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội về dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Với tinh thần hưởng ứng và tin tưởng mạnh mẽ vào quyết định chuyển hướng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với Covid-19, các doanh nghiệp cùng các hiệp hội đã đưa ra 4 điểm đóng góp quan trọng đối với dự thảo với mong muốn tăng tính hiệu quả, khả thi của các hướng dẫn mới này.

4 nguyên tắc căn bản cần thống nhất

Trước hết, các doanh nghiệp và Hiệp hội cho rằng, để các hướng dẫn mới tạo được hiệu ứng cân bằng giữa các mục tiêu phòng, chống dịch với mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện dịch vẫn tồn tại ở cộng đồng thì các hiệp hội đề xuất những nguyên tắc đã được Thủ tướng chỉ đạo, công bố hoặc nhất trí tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 26/9 vừa qua cần được truyền tải, ghi nhận cụ thể, rõ ràng và chính thức để làm “kim chỉ nam” cho việc xây dựng, áp dụng các chính sách ở các bộ, địa phương, cũng đồng thời để được hưởng ứng thực thi hiệu quả ở từng cấp doanh nghiệp, người lao động, người dân trên cả nước.

Doanh nghiệp góp ý nguyên tắc áp dụng hướng dẫn thích ứng an toàn dịch Covid-19
Doanh nghiệp cần được đặt vai trò chủ động trong thiết lập các kế hoạch theo nguyên tắc áp dụng tài liệu hướng dẫn

Cụ thể đó là các điểm mấu chốt làm nền tảng cho việc xây dựng các chính sách tới đây, như: thay đổi mạnh mẽ nhận thức, cho phép doanh nghiệp/cụm doanh nghiệp trở thành các chủ thể tham gia vào công tác quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch thay vì chỉ là đối tượng “chịu sự quản lý” như thời gian trước đây; Trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, doanh nghiệp luôn phải duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn lực cho chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội; Hợp tác công - tư là điều kiện then chốt để tập hợp sức mạnh, nguồn lực cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cần được thực thi nghiêm túc ở mọi cấp, ngành; Các biện pháp đánh giá, khoanh vùng, triển khai cần được thực thi theo từng cấp độ nhỏ nhất, thậm chí ở cấp tổ dân phố, khối phố hoặc cao nhất là cấp phường (xã) để đảm bảo tính chất linh hoạt cho giai đoạn mới...

Thứ hai, các doanh nghiệp và Hiệp hội đề xuất xây dựng nguyên tắc thực hiện các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch nhằm đảm bảo tính nhất quán, nghiêm minh theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ trong thực thi các hướng dẫn, trành tình trạng mỗi địa phương một chính sách gây thiếu nhất quán trong thực thi như thời gian qua. Đáng chú ý, các doanh nghiệp và Hiệp hội đề nghị bổ sung ngay hai nguyên tắc quan trọng, mấu chốt cho bộ nguyên tắc này, đó là: "Áp dụng thống nhất và xuyên suốt nguyên tắc về hoạt động tập trung ngoài trời và trong nhà cho mọi loại hình ngành nghề và hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp cho phép số lượng tập trung nhiều hơn; Việc thực hiện Hướng dẫn này không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp". Ngoài ra, trong kiến nghị về Nguyên tắc hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, việc tăng cấp độ dịch không được đột ngột, chỉ thực hiện ít nhất 72 giờ sau khi thông báo.

Thứ ba, để giải quyết triệt để tình trạng các địa phương chỉ tập trung truy vết, khoanh vùng dịch mà không quan tâm mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp và Hiệp hội đề xuất Thủ tướng giao trách nhiệm tại tài liệu hướng dẫn này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương (và/hoặc một số Bộ đầu mối về kinh tế) nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao chỉ tiêu “duy trì/mở cửa hoạt động của doanh nghiệp” cho từng tỉnh, thành bên cạnh các chỉ số/chỉ tiêu khác về chống dịch.

Thứ tư, bên cạnh việc quy định các chỉ số, chỉ tiêu, biện pháp..., các doanh nghiệp và Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ, ngành đầu mối phối hợp với các chuyên gia y tế, kinh tế nghiên cứu, tham mưu xây dựng khung đánh giá, giám sát quá trình thực thi để nhanh chóng phát hiện các thiếu sót, bất cập nhằm hiệu chỉnh quy định hoặc nhìn nhận được những nội dung thực sự hiệu quả để có thể đẩy mạnh.

Doanh nghiệp cần được đặt ở vai trò chủ động trong thiết lập các kế hoạch

Cụ thể hóa 4 điểm góp ý mấu chốt trên, các doanh nghiệp và Hiệp hội thống nhất cho rằng, bản Dự thảo cần làm rõ các nội hàm như: “thích ứng với dịch”, “sống chung với dịch” để tạo nhận thức sâu sắc, nhất quán tới tận cấp phường/xã, người dân, doanh nghiệp, từ đó tạo sự thay đổi hiệu quả trong hành động, thực thi; hạn chế các bất cập, chồng chéo như thời gian qua.

Thực tế cho thấy, vai trò của DN trong giai đoạn thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hết sức quan trọng, đã được Thủ tướng ghi nhận như một chủ thể của quá trình quản lý sự an toàn trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa đặt DN ở vai trò chủ động mà vẫn đặt trong sự sắp xếp, thiết lập các kế hoạch của các cấp hành chính. “Điều này sẽ khiến doanh nghiệp rất bị động và có thể làm nảy sinh nhiều quy trình thủ tục hành chính phức tạp. Do đó, đề xuất Ban chỉ đạo sửa đổi các quy định, trực tiếp làm rõ quyền và trách nhiệm của DN, khu công nghiệp, khu chế xuất... Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền thiết lập mô hình phối hợp công - tư chặt chẽ để đồng bộ hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực triển khai của các bên, cũng như cơ chế, tiêu chí giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất đối với các hướng dẫn trong tài liệu này”, đại diện Hiệp hội Chủ hàng kiến nghị.

Đặc biệt, các doanh nghiệp và Hiệp hội đều thống nhất nhấn mạnh việc thực hiện Hướng dẫn này không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp. Quan điểm mang tính nguyên tắc là Tài liệu hướng dẫn thích ứng an toàn có thể áp dụng ngay vào đời sống và có giá trị pháp lý cao nhất, các địa phương chỉ tuyên truyền, hướng dẫn để DN hiểu chứ không có quyền phê duyệt phương án của DN. Giao DN tự chịu trách nhiệm về phương án của mình. Chính quyền địa phương có trách nhiệm rà soát việc thực thi, đáp ứng các quy định trong quá trình DN vận hành, động viên và hỗ trợ DN nâng cao năng lực thích ứng chứ không cấm DN.

Chính quyền cần gia tăng niềm tin với doanh nghiệp

Các doanh nghiệp, Hiệp hội cho rằng, Chính quyền cần gia tăng niềm tin với DN bằng các giải pháp trong khâu thực thi, có thể là: Chính quyền và DN thảo luận, lựa chọn/mời một bên thứ ba (có thể là đơn vị tư vấn, nhóm chuyên gia tư vấn) có uy tín với cả chính quyền lẫn DN, giúp DN xây dựng phương án và thực thi phương án sản xuất kinh doanh an toàn, hỗ trợ DN lẫn chính quyền kiểm tra các điều kiện vận hành. Nhóm này không có thẩm quyền cấp phép, nhưng sẽ giảm bớt gánh nặng và tạo sự yên tâm cho chính quyền.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và Hiệp hội cũng đề nghị các biện pháp đưa ra trong Dự thảo vừa để phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước, vừa phải để làm nền tảng cho quá trình mở cửa quốc tế tới đây vì Việt Nam là nền kinh tế mở. Vì thế, các quy định liên quan tới giao thương quốc tế, chuyên gia quốc tế… cũng cần được rà soát và thể hiện đồng bộ ngay ở bộ Tài liệu Hướng dẫn này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng, Dự thảo cần làm rõ tài liệu này có thay thế các Chỉ thị trước của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo phỏng, chống dịch quốc gia (Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg, 19/CT-TTg và Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG) không, thay thế nội dung nào để tránh tình trạng chồng chéo trong quy định, lúng túng trong thực thi. Đồng thời, Dự thảo cần làm rõ quyền đi lại, hoạt động của người đã tiêm đủ vắc xin hay các F0 đã điều trị khỏi (sau 180 ngày) (có thể kèm theo các biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ cho cộng đồng) để phát huy giá trị của chiến dịch vắc xin; tham khảo mô hình “thẻ xanh” mà các quốc gia khác đã áp dụng hoặc đánh giá, kế thừa các kinh nghiệm/cách làm tốt ngay ở trong nước. Ví dụ: Bộ tiêu chí của TP.HCM đã lấy ý kiến của các Bộ, trong đó có Bộ Y tế thì cách tiếp cận của TP.HCM về thẻ xanh, thẻ vàng là phù hợp thông lệ quốc tế, cần được nhân rộng.

Một điểm cũng được các doanh nghiệp và Hiệp hội góp ý là dự thảo Hướng dẫn cần bổ sung vai trỏ của DN, Hiệp hội doanh nghiệp trong các Tổ công tác, Ban chỉ đạo phỏng, chống dịch để đảm bảo thực thi nghiêm túc việc phối hợp công - tư và cộng hợp nguồn lực các bên như tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo; phát huy mạnh mẽ vai trỏ của DN trong giai đoạn thích ứng an toàn sắp tới.

Dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 giao Bộ Y tế làm đầu mối tham mưu, xây dựng đang được công bố lấy ý kiến các cơ quan hữu quan cũng như các Hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bộ tài liệu Hướng dẫn tạm thời này được xây dựng trên cơ sở các căn cứ hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm của các nước, thực tiễn và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam. Mục tiêu của việc áp dụng hướng dẫn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19./.