Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn tại Hội nghị Tổng kết và Bàn giao Đối tác FSSP, ngày 15/12, tại Hà Nội.

Từ năm 2001, đối tác FSSP được thành lập với sự kiện Chính phủ Việt Nam và 19 đối tác quốc tế ký thỏa thuận hợp tác thành lập Chương trình hỗ trợ ngành Lâm nghiệp và Đối tác (FSSP&P) – tiền thân của FSSP. Qua quá trình hoạt động từ năm 2001 đến năm 2015, Đối tác FSSP đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn 2001-2005, FSSP&P đã hỗ trợ xây dựng cẩm nang ngành lâm nghiệp, hệ thống theo dõi giám sát; hỗ trợ ngành sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính, hình thành Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF) vào tháng 6/2004.

Giai đoạn tiếp theo 2006-2010, FSSP&P đổi tên thành FSSP thực hiện mục tiêu hỗ trợ Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020; kêu gọi, thu hút hỗ trợ của đối tác (tài chính và kỹ thuật) để thực hiện chiến lược. Thời kỳ này cam kết ODA cho ngành Lâm nghiệp đạt cao nhất, gần 300 triệu USD.

Giai đoạn 2011-2015, FSSP đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi, hỗ trợ và đầu tư, xây dựng Đề án huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2013-2020; xây dựng các dự án ODA mới giai đoạn 2011-2015, hỗ trợ xây dựng đề án tái cơ cấu ngành và các kế hoạch hành động, hỗ trợ hoàn thiện thể chế về định hướng chính sách lâm nghiệp 2011-2015… Thông qua đó, thu hút nguồn lực, nâng cao năng lực và thể chế cho ngành Lâm nghiệp.

Đánh giá về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hoạt động của đối tác FSSP, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định: FSSP là một trong những đối tác hoạt động lâu nhất và có hiệu quả nhất trong gần 15 đối tác được thành lập ở Việt Nam. Đây là diễn đàn thoại chính sách với sự tham gia rộng rãi của các cơ quan chính phủ, đối tác quốc tế, khối doanh nghiệp... góp phần cải thiện khuôn khổ chính sách, thể chế cho ngành; cũng là cầu nối giữa ngành và các đối tác quốc tế, góp phần mở rộng quan hệ đối tác, thúc đẩy đầu tư và hội nhập; và là phương thức hiệu quả để huy động và điều phối nguồn lực hỗ trợ cho ngành (cam kết ODA cho ngành lâm nghiệp luôn đạt từ 17%-20% vốn ngân sách của ngành).

Làm rõ hơn nhận định trên, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, từ khi bắt đầu triển khai Chương trình tới nay, số lượng đối tác tham gia tăng lên khá nhiều. Nguồn vốn triển khai chương trình cũng khá lớn, khoảng 31 triệu USD. Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện giải ngân nguồn vốn này.

Chương trình FSSP đã giúp ngành lâm nghiệp có những bước phát triển khá rõ rệt, đặc biệt là trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ trong chương trình, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã xây đựng dược hơn 45 loại văn bản khác nhau, trong đó có cả luật, nghị định, thông tư…

Bên cạnh đó, ngành cũng xây dựng được nhiều đề án liên quan tới phát triển lâm sản; xây dựng các mạng lưới lâm nghiệp địa phương…

Một điểm không thể không kể tới là nhờ triển khai chương trình này, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có thể tiếp cận với những sáng kiến quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Ngãi cho rằng, hiện nay chúng ta đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, xuất hiện các yếu tố mới, do đó đối tác FSSP cần được chuyển giao sang hình thức mới để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Đặc biệt để giải quyết các vấn đề mới nổi, như: biến đổi khí hậu, xu hướng hội nhập quốc tế.

“Nhiều thể chế hợp tác tài chính mới đã ra đời thay cho hợp tác truyền thông, ngành lâm nghiệp cần có phương thức hợp tác mới phù hợp hơn. Theo đó, những chức năng của FSSP sẽ được thể chế hóa trong chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp”, ông Ngãi khẳng định.

Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, với việc chuyển sang hình thức mới, FSSP sẽ bước sang giai đoạn chuyển giao theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng tới thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Đặc biệt sẽ tập trung các nội dung về thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng bền vững. Đồng thời, hướng tới thực hiện hiệu quả công tác hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mới, thông qua đó giúp hệ thống, tổ chức lại ngành lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn./.