DỮ LIỆU CÁ NHÂN LÀ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ DỮ LIỆU VIỆT NAM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TRONG TỔNG THỂ CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU QUỐC GIA |
Ngày 8/11/2024 tới đây, Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Bộ Công an, Viện Quản trị Chính sách chủ trì Hội thảo Khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean đồng chủ trì phối hợp cùng các đơn vị Vietnam Startup Ecosystem và Tạp chí Kinh tế và Dự báo đồng hành Hội thảo. Chương trình hội thảo thuộc chuỗi hoạt động của Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Đề án 06/CP, Viện Quản trị Chính sách và Bộ Công an trong triển khai Chiến lược Dữ liệu Quốc gia. |
cHỦ TRƯƠNG CỦA CHUỖI CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU QUỐC GIA |
Đất nước luôn cần có các nguồn lực đáp ứng và kích thích các hệ động lực đòn bẩy để phục hồi và tạo đà cho phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bền vững trong dài hạn, bắt kịp với sự phát triển trên thế giới. Để có được các nguồn lực và động lực tốt nhất vì lợi ích quốc gia và dân tộc, đẩy nhanh quá trình hội nhập, góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh trên con đường phồn vinh, thịnh vượng. Thông qua Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống – Chiến lược phát triển Việt Nam, Viện Quản trị Chính sách và các cơ quan phối hợp liên kết các mạng lưới tinh hoa của các tổ chức khoa học, chuyên gia nổi bật, các hội và hiệp hội doanh nhân, cùng chia sẻ những xu hướng của thế giới và đề xuất những chương trình hoạt động góp phần kiến tạo Việt Nam phát triển bền vững. |
Theo Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng vận động chính sách Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, chủ trì Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống: Các góp ý xây dựng chính sách được chọn lựa đưa vào trong những nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần thể hiện tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương và xu thế toàn cầu. Mục tiêu của các hoạt động nhằm thúc đẩy xây dựng và vận động chính sách Việt Nam mang hơi thở thực tiễn của đời sống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, để mọi người dân đạt được thành quả bao trùm.” |
Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng Chuỗi hội thảo Chiến lược dữ liệu Quốc gia tại Hội thảo xây dựng Luật Dữ liệu, Bộ Công an tháng 10/2024 |
MỤC TIÊU CỦA CHUỖI HỘI THẢO |
Chuỗi hội thảo là hoạt động cụ thể để lấy ý kiến từ cộng đồng, quốc tế và tập đoàn, doanh nghiệp trong nước thực hiện: “Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”. Hội đồng khoa học của Viện Quản trị Chính sách cũng làm rõ các nguyên nhân lý hóa giải điểm nghẽn chính sách dữ liệu quốc gia và đưa ra giải pháp đồng bộ dữ liệu thông qua xây dựng chính sách. |
Từ trái qua: Ban chủ trì Chuỗi hội thảo Chiến lược dữ liệu Quốc gia: Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng Chuỗi hội thảo Chiến lược dữ liệu Quốc gia, chủ trì Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống; Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Công an nhân dân... tại Hội thảo xây dựng Luật Dữ liệu tháng 10/2024, Bộ Công an. |
Trước đó, cũng trong khuôn khổ của Chuỗi hội thảo Chiến lược dữ liệu Quốc gia, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về kinh nghiệm mà cơ quan này đang triển khai. Theo đó, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay giống như một trung tâm dữ liệu thu nhỏ. Điều đó thể hiện ở việc mỗi người có thể gửi tiết kiệm ở chi nhánh ngân hàng ở Hà Giang hay hải đảo, nhưng vẫn có thể rút tiền ở Hà Nội... Nhờ dữ liệu khách hàng có thể gửi tiết kiệm ở một nơi, nhưng rút ở nhiều nơi và cũng có thể biết ai đang có bao nhiêu thẻ tín dụng, ai đang có nợ xấu tại ngân hàng. |
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về ứng dụng chuyển đổi số ngành Ngân hàng và cách thức chia sẻ dữ liệu của ngành này |
Ông Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh về cách thức chia sẻ dữ liệu, bởi khi có dữ liệu, thì chia sẻ thế nào là điều vô cùng quan trọng. Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Bản thân ngân hàng nếu có dữ liệu gửi không kịp thời, thì sẽ xảy ra việc khách hàng gửi sổ tiết kiệm ở nơi này nhưng người nhận ở nơi khác không rút được, vì số dư chưa đồng bộ về hoặc rút tiết kiệm rồi nhưng chưa phản ánh lên, thì có thể rút được hai lần. Đây là những câu chuyện rất quan trọng về dữ liệu. |
Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng Chuỗi hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, Chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống chia sẻ về: Điểm nghẽn chuyển đổi số quốc gia và giải pháp phát triển thị trường dữ liệu & marketing dữ liệu Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu đến năm 2030, 100% các trung tâm dữ liệu được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước. Chiến lược dữ liệu quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. |
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân cho biết, Chiến lược Dữ liệu Quốc gia cần phải đảm bảo 3 vấn đề: Thứ nhất là xây dựng phát triển chiến lược dữ liệu quốc gia; thứ hai là đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Dữ liệu trình Quốc hội thông qua; thứ ba là tiếp tục kéo dài quá trình đối thoại vòng tròn chính sách chiến lược dữ liệu, đưa chính sách, đưa thể chế vào đời sống xã hội hiệu quả. "Đây là 3 nội dung quan trọng gắn bó với nhau không chỉ nhằm góp ý đối với dự thảo Luật Dữ liệu (Quốc hội đang xem xét thông qua), mà hơn cả là vấn đề chiến lược quốc gia, chiến lược phát triển, chiến lược truyền thông tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn đó là thể chế... Với tinh thần đó, vấn đề truyền thông chính sách, tham gia góp xây dựng hoàn thiện thể chế trở thành một nội dung đặc biệt quan trọng và từ đó quyết tâm hình thành và thực hiện thành công chiến lược quốc gia về dữ liệu ", Trung tướng Phan Xuân Tuy nhấn mạnh. |
Trong tổng thể Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Xây dựng Luật Dữ liệu: Trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác thực điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về cá nhân, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, bộ dữ liệu về định danh cá nhân đang được xem là cơ sở chủ chốt trong tạo lập dữ liệu toàn dân.
Tuy nhiên, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng, dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác này; đồng thời nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 8/11/2024 tới đây, sẽ diễn ra Hội thảo Khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”, với các nội dung: 1. CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU QUỐC GIA ĐỊNH HƯỚNG 2030 TẦM NHÌN 2045, GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH KHẮC PHỤC ĐIỂM NGHẼN DỮ LIỆU TOÀN DÂN 2. HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI ĐỒNG HÀNH XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH LUẬT DỮ LIỆU – LUẬT BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN 3. KHUYẾN NGHỊ QUỐC TẾ TỪ BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN: CƠ SỞ PHÁP LÝ TRONG QUẢN LÝ DỮ LIỆU, THÁCH THỨC TRONG TRIỂN KHAI, CHUYỂN DỮ LIỆU XUYÊN BIÊN GIỚI 4. DỮ LIỆU CÁ NHÂN LÀ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ DỮ LIỆU VIỆT NAM, THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TỚI DOANH NGHIỆP 5. TỪ CHÍNH SÁCH RA CUỘC SỐNG: TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VIỆT NAM THÚC ĐẨY CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU QUỐC GIA THÀNH PHẦN THAM GIA Chủ trì và các diễn giả tham dự Hội thảo gồm: Bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng Chuỗi Hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia; ông Vũ Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Trưởng đại diện tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; ông Nguyễn Tất Sơn, Chủ tịch Hội đồng Viện Quản trị Chính sách; TS. Arianne T Jimenez - Giám đốc chính sách bảo mật và dữ liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương, Meta; bà Annabel Lee - Giám đốc chính sách công khu vực ASEAN, Amazon Web Services; ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Thiếu tá Đào Đức Triệu, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An; bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Angela Xu - Cố vấn cấp cao về bảo mật Google. Thành phần tham gia hội thảo: Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống, Bộ Công an, Đại diện ban soạn thảo Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Trong Chuỗi Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, hướng tới Chương trình Điểm sáng Việt Nam 2024 được các cơ quan phối hợp tổ chức vào cuối năm, đưa ra thông điệp Việt Nam tạo đột phá chính sách dữ liệu, thể hiện tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, xu hướng toàn cầu, nâng cao hình ảnh năng lực cạnh tranh của Chiến lược Dữ liệu trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và liên kết cơ sở dữ liệu để thu hút nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước. Tại dự thảo Luật Dữ liệu, Bộ Công an đã đề xuất hàng loạt nội dung về thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài. Theo đó, tại Điều 22, dự thảo Luật Dữ liệu, hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích trong thông tin cá nhân, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng xã hội, đồng thời thúc đẩy luồng dữ liệu an toàn và tự do xuyên biên giới. Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận. Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho hay, các cơ quan đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy định về chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài, để đảm bảo sự đồng bộ với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do tính chất phức tạp và biến động nhanh của môi trường số, việc quy định chi tiết ngay từ đầu là không khả thi. Vì vậy, dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo quy định luôn phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số./. |
Lê Nguyễn Thiên Nga
|