Ngày 4/12, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo "Cưỡi sóng lớn: Sự thần kỳ Đông Á trong thế kỷ 21". Theo báo cáo, từ một khu vực gồm hầu hết các nước nghèo trong thập niên 1980, đến nay khu vực này đã trở thành một tập hợp các nền kinh tế thu nhập trung bình với nhiều giai tầng kinh tế khác nhau.

Năm 2015, gần 2/3 dân số trong khu vực thuộc tầng lớp đảm bảo về kinh tế hoặc trung lưu. Đây là mức tăng đáng kể so với tỷ lệ trên 20% năm 2002.

Tỷ lệ nghèo cùng cực và nghèo trung bình giảm mạnh, từ gần một nửa dân số năm 2002 xuống dưới 1/8 dân số năm 2015. Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á Thái Bình Dương, đưa gần 1 tỷ người trong khu vực thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực trong vòng 1 thế hệ là một kỳ tích lịch sử.

Tỷ lệ nghèo cùng cực và nghèo trung bình giảm mạnh

Mặc dù vậy, tỷ lệ nhóm dễ bị nghèo trở lại (với thu nhập 3,10 - 5,10 USD/ngày) vẫn không thay đổi trong khoảng thời gian 2002-2015 và xoay quanh mức khoảng ¼ dân số. Nếu các nước trong khu vực muốn duy trì tăng trưởng hòa nhập thì họ phải xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo cùng cực, cải thiện địa vị kinh tế và đảm bảo an ninh kinh tế cho mọi người.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các chính sách tăng trưởng bao trùm cần nhận ra và giải quyết các hạn chế mà các giai tầng kinh tế khác nhau phải đối mặt. Chính sách cho các nhóm nghèo còn lại cần giảm rào cản tới cơ hội kinh tế cho họ và đảm bảo tăng trưởng trên diện rộng, nhằm giúp các nhóm nghèo di chuyển lên các nấc thang cao hơn trong phân tầng thu nhập.

Tăng cường tiếp cận dịch vụ thiết yếu, ví dụ dịch vụ y tế và kết cấu hạ tầng, và đổi mới cơ chế quản lý rủi ro sẽ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương về kinh tế. Chính sách ưu tiên đối với nhóm đảm bảo về kinh tế và nhóm trung lưu là tăng cường cung cấp và tăng cường dịch vụ công, ví dụ nhà ở, cấp nước, vệ sinh môi trường.

Chương trình chính sách này dựa trên 3 trụ cột. Đầu tiên, tăng cường cải thiện địa vị kinh tế nhằm giảm khoảng cách tiếp cận tới công ăn việc làm và dịch vụ, cải thiện chất lượng việc làm, và tăng hòa nhập tài chính. Trụ cột thứ hai, tăng cường an ninh kinh tế bao gồm tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm xã hội, và tăng tính chịu đựng với các cú sốc. Tăng cường thể chế cần thiết để tăng trưởng hòa nhập là trụ cột thứ ba, bao gồm chính sách thuế lũy tiến để tăng nguồn thu và cải thiện tính hiệu quả của các khoản chi của các chương trình hướng tới người nghèo. Quản lý tốt hơn hiện tượng già hóa và đô thị hóa, cũng như tăng cường cạnh tránh cũng sẽ là cần thiết.

Báo cáo chia các nước thành 5 nhóm và đề xuất các chính sách cho từng nhóm. Theo đó, Malaysia và Thái Lan - nhóm nước “Thịnh vượng tiến bộ” đã cơ bản xóa bỏ nghèo cùng cực và có một tầng lớp trung lưu với số lượng lớn - cần tập trung vào đáp ứng đòi hỏi của tầng lớp trung lưu, huy động và sử dụng nguồn lực nhằm xóa bỏ những khoảng cách còn lại.

Trung Quốc và Việt Nam, thuộc nhóm nước “Vừa thoát nghèo đang tiến lên thịnh vượng”, cũng cần chú trọng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và các nhóm còn dễ bị tổn thương. Đồng thời, các nước này cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng già hóa nhanh.

Indonesia, Philippines và Campuchia thuộc nhóm “Thoát nghèo cùng cực”, hiện còn một tỷ lệ nghèo cùng cực thấp, nhưng nhóm trung lưu cũng vẫn còn nhỏ. Vì vậy, các nước này nên tập trung ưu tiên cải thiện địa vị kinh tế và lồng ghép các chương trình an sinh xã hội.

“Các nước đang phát triển khu vực Đông Á là tấm gương tiên phong và đã cho thấy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, bao trùm mọi đối tượng đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo. Với các chính sách mà báo cáo đã nêu, các nước trong khu vực sẽ đối phó hiệu quả với những thách thức mới mà họ đang phải đối mặt trong quá trình tăng trưởng hòa nhập của mình”, báo cáo cho hay./.