Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cùng thảo luận về 3 chủ đề là: Tương lai của năng lượng; trí tuệ nhân tạo (AI) và sức khỏe toàn cầu tại tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học, được tổ chức nhân dịp trao giải thưởng VinFuture lần đầu tiên tổ chức ngày 19/1.

Giảm phát thải carbon là mục tiêu khả thi
Tọa đàm sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, 3 chủ đề về năng lượng, AI và chăm sóc sức khỏe cũng chính là 3 vấn đề rất được quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đương đầu với thách thức về biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19.

"Tôi hy vọng tọa đàm sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới. Các phiên thảo luận có thể sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới trong KHCN, không chỉ từ Chính phủ, mà còn có sự tham gia nhiều hơn ở khu vực tư nhân. Ý kiến của các nhà khoa học sẽ mang lại ý tưởng giải pháp mới để giải quyết những vấn đề không chỉ của Việt Nam, mà của cả toàn cầu, như biến đổi khí hậu và đại dịch", Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.

Giảm phát thải carbon là mục tiêu khả thi

Chia sẻ những vấn đề về tương lai của năng lượng, GS. Richard Friend, "cha đẻ" của công nghệ OLED (Đại học Cambridge) nhận định, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải carbon tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 12/2021. 10 năm trước có thể nói thông điệp đó là không tưởng, nhưng đến hiện tại, với tiến bộ KHCN thì có thể khả thi. Tại COP26, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã bàn cãi vấn đề liên quan tới đóng góp phát thải carbon, nhưng có một điểm không gây bất đồng, tìm được tiếng nói chung toàn cầu là phải giảm phát thải carbon. "Dù đây là điều khó, nhưng chúng ta có nhiều phương án, nhiều cơ hội để thực hiện được mục tiêu này", GS. Richard Friend khẳng định.

Trả lời cho câu hỏi làm sao để lựa chọn một phương án đúng đắn và phù hợp nhất để giảm phát thải carbon, GS. Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polyme và chất rắn hữu cơ (Đại học California) cho rằng: "Mục tiêu giảm phát thải carbon có thể đạt được và chúng ta đang đi đúng quỹ đạo. Nhiều nước đã chuyển dịch năng lượng như Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Anh, Áo, Thụy Sĩ… gần 100% quá trình sản xuất nguồn cung năng lượng của họ là từ tái tạo. Có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo tồn tại và có thể phát triển tùy thuộc vào vị trí địa lý của từng quốc gia".

GS. Nguyễn Thục Quyên cũng chia sẻ chìa khóa thành công mà Việt Nam có thể áp dụng chính là tận dụng tính đa dạng trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất, có quyết định sử dụng rõ ràng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hợp tác công tư và thay đổi lối sống hành vi của người dân.

Đồng tình với các quan điểm này, PGS.TS Phạm Hoàng Lương (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng hiện nay là xu hướng toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, để làm được điều này thì phải có năng lượng xanh, sạch và áp dụng các giải pháp tiên tiến về KHCN.

"Sau khi lắng nghe về các giải pháp công nghệ trên toàn cầu, chúng tôi rất mong muốn ứng dụng công nghệ, vật liệu đó để giải quyết vấn đề tại Việt Nam. Hiện lưới điện quốc gia của Việt Nam còn dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, than, khí. Để chuyển dịch hiệu quả hơn, chúng tôi đang nỗ lực tăng tỉ trọng năng lượng mặt trời trong lưới điện. Để làm được thì phải thay đổi cơ chế vận hành của toàn bộ lưới điện. Không dễ để chuyển từ điện truyền thống hóa thạch sang năng lượng tái tạo bởi cần có những công nghệ mang tính chất hỗ trợ cộng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả", PGS.TS Phạm Hoàng Lương chia sẻ.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về AI

Trao đổi về nhận định Việt Nam không phải là quốc gia đi đầu mà là đi sau về AI, từ góc độ chính sách Việt Nam có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách... GS. Vũ Hà Văn (Đại học Yale) cho rằng, khoảng cách đó không chỉ trong AI, mà lĩnh vực nào cũng có. "Để thu hẹp khoảng cách, đầu tiên phải nâng cao nhận thức người dân về giá trị khoa học nói chung và AI nói riêng. Sau đó, mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này. Đặc biệt, phải có chính sách về cơ chế hỗ trợ nhà khoa học trẻ. Nghiên cứu bây giờ hoàn toàn mở, như hệ thống của chúng tôi có thể thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam. Đây là cách để tiến nhanh cùng thế giới", GS. Vũ Hà Văn cho biết.

Chia sẻ về tầm quan trọng của ứng dụng AI trong phòng chống COVID-19, TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Microsoft, nhà nghiên cứu về nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ và dịch máy hàng đầu trên thế giới cho biết: "Chúng tôi đã hỗ trợ nhiều tổ chức trên thế giới phòng chống COVID-19 từ ứng dụng AI. Cụ thể như dùng Teams để trao đổi về công tác chống dịch. Chúng tôi cử các đội hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề với COVID-19 truyền tải thông tin; hỗ trợ học sinh thi online thay vì trực tiếp và chấm điểm bằng AI, dùng AI hỗ trợ nhận diện bệnh nhân…".

GS. Jennifer Tour Chayes (Đại học California) cũng nhận định, trong y học, khó có thể chẩn đoán sớm tình trạng của người bệnh nếu ko có AI. AI giúp giải mã hình ảnh chụp phim và hỗ trợ các chuyên gia trong việc đưa hơn ra quyết định, phương pháp điều trị. AI có thể xử lý hàng tỷ thông số mà con người không thể làm được.

Vì vậy, các nhà khoa học có đồng quan điểm, y học chính xác trong y tế công cộng là rất quan trọng. Sự tham gia của tất cả các quốc gia vào phát triển công nghệ, bao gồm cả công nghệ chẩn đoán là rất cần thiết và không nên phụ thuộc vào một quốc gia nào.

Quỹ VinFuture (Tập đoàn Vingroup) ra mắt vào 20/12/2020, là một quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Ngoài ra, Quỹ sẽ tiến hành nhiều hoạt động tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEMM.

Hàng năm Quỹ sẽ trao 4 giải thưởng. Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD, là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu. VinFuture cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Ngày 20/1, lễ trao giải thưởng VinFuture đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Giải thưởng được trao cho những nhà khoa học có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất. Chi tiết tại link này: https://kinhtevadubao.vn/viet-nam-tran-trong-ton-quy-ton-vinh-cac-nha-khoa-hoc-chan-chinh-21094.html./.