“Hạ chuẩn” trái phiếu doanh nghiệp để “cứu” thị trường? |
Bộ Tài chính đề xuất “hạ chuẩn” áp dụng nhiều quy định nhằm “cứu” thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh đang đối mặt với nhiều khó khăn. |
Nỗ lực “nâng chất” cho trái phiếu doanh nghiệp gặp khó |
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung cả trên phương diện “nâng chất” nhà đầu tư, lẫn tổ chức và sản phẩm trái phiếu phát hành. Theo đó, để nâng cao chất lượng nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro cho họ cũng như thị trường, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình tối thiểu 2 tỷ đồng trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Quy định này thể hiện nỗ lực của nhà hoạch định chính sách nhằm xử lý tình trạng nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vì hám lợi suất trái phiếu cao, nên dù ít am hiểu về trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn gia tăng đầu tư vào sản phẩm này. Đáng ý chú, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP yêu cầu hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trái phiếu cũng như tổ chức phát hành… Tuy nhiên, do bối cảnh thế giới và trong nước năm 2022 có nhiều diễn biến bất thường, nên đã tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này khiến cho nỗ lực áp dụng nhiều quy định “có tầm nhìn xa” như trên tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP gặp trắc trở, do thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. “Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm, đạt 331,8 nghìn tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là giảm dần qua các quý. Trong khi đó, có hiện tượng mua lại trước hạn, tức là trái phiếu chưa hết hạn, thì doanh nghiệp phát hành mua lại hoặc là nhà đầu tư đề nghị mua lại. Đến ngày 25/11/2022, khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp là 161 nghìn tỷ đồng, bằng 114% của khối lượng mua lại năm 2021…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 11/2022. Khó khăn nổi cộm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Chi là niềm tin của thị trường giảm sút do một số vụ việc vi phạm của doanh nghiệp phát hành, ngân hàng thương mại bị xem xét và xử lý. Những vi phạm này ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường và của các nhà đầu tư, niềm tin của doanh nghiệp tư vấn, của chính doanh nghiệp phát hành…
|
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm, đạt 331,8 nghìn tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 (ảnh: mof) |
Ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, với sự tham dự của đại diện các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay Công ty An Đông và ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp. "Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn, nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay Công ty An Đông và Ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo...", Bộ trưởng cho biết. |
chỉ đạo "nóng" của thủ tướng chính phủ |
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 1163/CĐ-TTg 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật… Đặc biệt, Thủ tướng còn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai; minh bạch; hiệu quả; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; trình Chính phủ trước ngày 20/12/2022…
|
Tại Công điện số 1163/CĐ-TTg , ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (ảnh: quochoi.vn) |
Lùi áp dụng nhiều quy định để “cứu” thị trường? |
Thực hiện yêu cầu rốt ráo trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, để “cứu” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. “Việc hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn trong năm 2023-2024…”, Bộ Tài chính nhìn nhận. Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP. Văn bản này yêu cầu hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp, nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, sẽ thực hiện quy định này từ ngày 1/1/2024. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP trong vòng 1 năm. Theo đó, việc phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Kể từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày. Quy định này được cho là phù hợp với chính sách hoãn việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hướng đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cũng tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu. Theo Bộ Tài chính, hiện thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới, trong khi lại có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ, thì được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Giải pháp này sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024... Không khó để nhận ra những đề xuất trên của Bộ Tài chính là chấp nhận lùi thời hạn áp dụng nhiều quy định mang tính gia tăng yêu cầu đối với cả nhà đầu tư, nhà phát hành, cũng như chất lượng trái phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, xem ra nhà hoạch định chính sách khó có lựa chọn nào tối ưu hơn, nhằm vừa đạt mục tiêu “giải cứu” cho doanh nghiệp phát hành, vừa hỗ trợ cho thị trường phục hồi, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau thời gian thị trường đối mặt với nhiều sóng gió./. |
Tân Văn |