Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng tư, giải ngân có tăng. Nguyên nhân là do các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hiện vẫn còn 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân đầu tư công!
Ảnh minh họa

Cụ thể, theo báo cáo, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%; vốn địa phương quản lý 27,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 20% và tăng 18,4%).

Báo cáo cũng cho hay, vốn giải ngân của cả Trung ương và địa phương quản lý đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hình: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 phân theo Bộ, ngành

Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 91,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% kế hoạch năm và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu chia theo cấp quản lý tại địa phương, thì vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 60,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, bằng 23,1% và tăng 20%; Vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, bằng 27,2% và tăng 6,1%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hình.

Hình: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương

Tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm cuối tháng 4 có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội là 91,12%, Ngân hàng Phát triển là 59,64%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 48,86%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 35,76%, Bình Thuận 33,9%...

Tuy nhiên, vẫn còn 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%; trong đó có 17 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 3 tháng và ước 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp là do các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hiện còn 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân.

Bên cạnh đó là do các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn; đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao. Một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn chậm.

Riêng đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, một số dự án giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi, quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến của nhà tài trợ nên cũng bị ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân. Một số dự án đang trong quá trình tổng hợp danh mục thiết bị từ dự án thành phần để chuẩn bị thủ tục đấu thầu quốc tế./.