Mang con chữ xóa nghèo cho bà con dân tộc

Là 1 trong số hơn 15 nghìn người nghèo và cận nghèo thuộc huyện Hà Quảng, địa phương vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, được hưởng lợi từ dự án an sinh thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông/Hà Quảng trong 16 năm nay, chị Lâm Thị Thu Hường, người dân tộc Nùng ở xóm Quang Trung 1 xã Lương Thông, huyện Hà Quảng hồ hởi cho biết, cuộc sống của mình và gia đình, người dân bản làng mình đã được cải thiện rất nhiều khi tham gia dự án. Với sự hỗ trợ về cây con giống, tập huấn kỹ thuật, phương pháp trồng rừng từ các cán bộ quản lý dự án địa phương do AAV và AFV phối hợp triển khai tại huyện, từ một hộ nghèo nay chị đã có của ăn, của để, con cái ăn học đầy đủ.

Hiệu quả từ chương trình đồng hành hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống
Nhiều hộ gia đình tại các vùng khó khăn và người lao động nghèo đã được Chương trình hỗ trợ phát triển của AAV giúp tạo sinh kế và cải thiện cuộc sống

“Trước kia chưa có hỗ trợ, người dân chúng tôi trồng gừng nhỏ, năng suất thấp. Giờ được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật thì trồng gừng cho củ to hơn, trồng bao nhiêu tiêu thụ được bấy nhiêu. Mong chương trình của AAV và địa phương giúp đỡ các thành viên trong cộng đồng được nhiều hơn để đời sống người dân càng ngày càng cải thiện”. Chị Hường chia sẻ tại Lễ Tổng kết và Bàn giao chương trình hỗ trợ phát triển Huyện Thông Nông vừa diễn ra mới đây tại thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Hiệu quả từ chương trình đồng hành hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống
"Trước kia chưa có hỗ trợ, người dân chúng tôi trồng gừng nhỏ, năng suất thấp. Giờ được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật thì trồng gừng cho củ to hơn, trồng bao nhiêu tiêu thụ được bấy nhiêu", chị Hường người dân tộc Nùng chia sẻ

Không chỉ hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, chị Hường còn cho hay, Dự án hỗ trợ vốn, hỗ trợ đường giao thông nội đồng, giúp giao thông trong vùng thuận tiện dễ dàng hơn. Đặc biệt, dự án còn giúp xóa nạn mù chữ, trang bị cho người dân các kiến thức và kỹ năng về phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe và phòng chống tệ nạn xã hội.

Anh Hoàng Văn Quốc, Xã Lương Lương, Bản Nà Kê, Huyện Hà Quảng, Cao Bằng, một thành viên trong nhóm cộng đồng tham gia dự án xóa mù chữ Reflect triển khai tại địa phương tâm sự: “Lúc trước không biết học cũng lâu. Giờ cả làng ai cũng biết cái chữ, cái số. Biết tính toán, biết chữ, rồi biết dùng điện thoại giúp giao tiếp đơn giản, đi chợ mua bán dễ dàng thuận lợi hơn. Còn lúc trước không biết chữ thì làm gì cũng khó khăn”.

Đánh giá về hiệu quả tổng thể của chương trình hỗ trợ phát triển được triển khai tại địa phương trong 16 năm qua, ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch UBND Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho rằng, ưu điểm của chương trình hỗ trợ an sinh có sự tham gia của các nguồn lực quốc tế là có các ý tưởng sáng tạo rất thiết thực, hiệu quả cùng với mục tiêu dựa trên nền tảng là từ cộng đồng, lấy người dân làm trung tâm. “Hiệu quả giảm nghèo của cơ sở hiện nay chính là nhờ vào sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, song bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, bởi với nguồn tài chính, cũng như quan điểm vì cộng đồng, trao quyền cho chủ thể chính là chìa khoá để làm nên thành công”, ông Tùng nhấn mạnh.

Hiệu quả từ chương trình đồng hành hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống
Phụ nữ tham gia chia sẻ trong các buổi họp nhóm của CLB vốn quay vòng trong khuôn khổ dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tại xã An Lão, TP. Hải Phòng

Theo lãnh đạo huyện Hà Quảng, các dự án hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế khi triển khai tại Cao Bằng cũng như một số tỉnh còn khó khăn có hiệu quả và sự lan toả rất tốt. Các dự án này đạt được hiệu quả chính là từ quyết sách trao quyền cho người dân. Việc triển khai dự án bắt đầu từ cơ sở, bắt đầu từ người dân, tạo ra sinh kế bền vững hay các mô hình bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em gắn với các hoạt động sản xuất trong đời sống nông nghiệp, nông thôn đặc biệt tại các vùng khó khăn, nó phát huy tác dụng rất tích cực. Hiệu quả của công tác xoá đói giảm nghèo ngày càng phát triển, tỷ lệ giảm nghèo liên tục giảm.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai chương trình, chị Mai Thị Thanh Nhàn, cán bộ dự án của ActionAid Việt Nam cho biết, Dự án được triển khai với mong muốn là cải thiện đời sống và trao quyền, trao cơ hội cho người nghèo, bởi những đối tượng này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế, thiếu các phương thức canh tác, sản xuất, đã nghèo thì lại càng nghèo hơn. Chính vì thế ngay từ ban đầu, cán bộ dự án phải hướng dẫn và tập huấn liên tục, thường xuyên làm sao nâng cao năng lực cho bà con, giúp bà con tự tin hơn trong giao tiếp và lao động.

“Thành quả của dự án sau 17 năm thực sự là động lực khuyến khích những người trong cuộc. Bởi đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều thay đổi, số hộ nghèo ở huyện đã giảm mạnh từ 83% năm 2005 xuống còn dưới 21% năm 2021; số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ cấp độ 1, thu nhập bình quân đầu người của Hà Quảng đã đạt mức gần 60 triệu đồng/năm/người (so với mức 12 triệu đồng/năm/người năm 2005). Quan trọng nhất, người dân và cán bộ ở đây đã chủ động làm giàu, thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận về giảm nghèo và phát triển bền vững”, bà Nhàn nhận định.

Chia sẻ thêm về Reflect, phương pháp dạy học cộng đồng giúp xóa mù chữ hết sức độc đáo, bà Nhàn cho biết, đây là phương pháp dạy học mới trong khuôn khổ chương trình xoá mù chữ - phát triển cộng đồng, do tổ chức quốc tế ActionAid giúp đỡ thực hiện thí điểm từ năm 2000 tại 4 huyện miền núi của tỉnh Điện Biên, Sơn Động và Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Từ tháng 1/2003, Reflect được triển khai tiếp tại 2 tỉnh Hà Giang và Trà Vinh. Sau 3 năm triển khai, với hơn 50 khoá học, Reflect đã được áp dụng để xoá mù chữ cho hơn 2.000 người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15 - 35.

Với sự tâm huyết của những người cán bộ truyền lửa và sự đón nhận tham gia hào hứng của người dân, dự án đã đem lại ánh sáng của những con chữ cho người dân, mở ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống và giúp họ đổi đời và duy trì sự ấm no bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Xóa nghèo đô thị, an sinh cho người lao động

Bên cạnh chương trình hỗ trợ tại vùng sâu vùng xa giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số, thì tại các thành phố lớn, Chương trình hỗ trợ phát triển của AAV và AFV phối hợp với chính quyền địa phương đã góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đô thị. Chẳng hạn tại thành phố Hải Phòng, với sự phối hợp chặt chẽ cùng với chính quyền, đặc biệt là thông qua Liên đoàn lao động, các chương trình hỗ trợ phát triển điển hình hướng đến đối tượng chủ yếu là lao động nữ công nhân, lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình đã góp phần tăng năng lực và tiếng nói của người dân, đặc biệt là người lao động nhập cư, người nghèo đô thị tại Hải Phòng chủ động hành động nâng cao chất lượng dịch vụ công và phát triển bền vững. Đến nay đã ghi nhận nhiều ảnh hưởng tích cực của chương trình đến đời sống xã hội của người dân trên địa bàn.

Hiệu quả từ chương trình đồng hành hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống
200 nữ công nhân tại khu công nghiệp Nomura tham gia đối thoại cùng các cán bộ quán lý, chính quyền địa phương và Hội Luật Gia về quấy rối tình dục nơi làm việc

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều dự án đã được thực hiện với hơn 10.000 nữ công nhân làm việc trong các nhà máy ở Hải Phòng đã đạt được thỏa thuận với chủ sử dụng lao động qua tổ chức Công đoàn. Nhờ đó quyền cơ bản của người lao động được đảm bảo, nhiều doanh nghiệp có phòng vắt, trữ sữa đảm bảo vệ sinh và an toàn khi nuôi con nhỏ. Với sự hỗ trợ của AAV và AFV, Trung tâm vì người lao động nghèo (CWR) đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động Hải Phòng đã được thành lập, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nữ công nhân hiểu biết thêm về quyền an sinh xã hội của lao động nhập cư, lao động phi chính thức. Họ cũng được khuyến khích trao đổi với chủ sử dụng lao động, với lãnh đạo địa phương nhằm cải thiện các chính sách về quyền an sinh xã hội của công nhân nhập cư tại địa phương.

Hiệu quả từ chương trình đồng hành hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống
Đối thoại cấp thành phố tạo điều kiện cho nữ công nhân lên tiếng về hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc

Theo bà Đào Thị Huyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Vì người lao động nghèo – Liên đoàn Lao động Tp Hải Phòng, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình đã giúp nâng cao nhận thức cho người lao động, từ đó giúp họ yên tâm trong lao động công tác, sống hạnh phúc cùng gia đình và đóng góp cho xã hội. “Đây là chương trình hỗ trợ hết sức hiệu quả vì có những nội dung rất thiết thực với người dân và trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của dự án. Từ quá trình triển khai chương trình, chúng tôi cũng đã có được những kinh nghiệm quý báu giúp Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng chúng tôi sau này sẽ triển khai những hoạt động cụ thể và thiết thực hơn nữa hỗ trợ các đối tượng là công nhân lao động của thành phố”, bà Huyền cho biết.

Hiệu quả từ chương trình đồng hành hỗ trợ người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống
Công nhân nhà máy Jasan (Hải Phòng) nhận được tư vấn pháp lý và tâm lý về vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc từ các chuyên gia.

Đánh giá cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển điển hình tại Cao Bằng và TP Hải Phòng, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện AAV khẳng định: “Đây là những dự án án điển hình cho thấy sự kiên định của tổ chức trong việc lựa chọn con đường đặt niềm tin vào người dân, để họ tự tham gia, tự nhận thức và tìm ra được cái giải pháp cho vấn đề của chính mình là rất chính xác. Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình và thành quả đã đạt được tại Cao Bằng và Hải Phòng để phát huy những kinh nghiệm tốt, giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại các địa phương”./.