Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bên giai đoạn 2024-2027. |
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể |
Chiều ngày 12/8/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bên giai đoạn 2024-2027. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bên.
|
các doanh nhân nữ nỗ lực vượt qua định kiến giới để vươn lên làm giàu |
"Hiện nay, chúng ta có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ", Bộ trưởng nói. Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là gần 34.000 hợp tác xã, 160 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác đang từng bước mở rộng và phát triển, là chủ thể quan trọng thực hiện chương trình nông thôn mới, cùng với khu vực doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ trưởng khẳng định, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nữ, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, các doanh nhân nữ đã luôn chủ động, nỗ lực vượt qua các rào cản, định kiến giới để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng. "Các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ kiên trì, bền bỉ chèo lái hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn dịch bệnh, mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt dấn thân vào các lĩnh vực mới, khó vốn được coi là thế mạnh của nam giới như: logicstic, cầu đường, xây dựng, quản lý khu công nghiệp, công nghệ thông tin và cả lĩnh vực hàng không…", Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ của mình.. |
"Các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ kiên trì, bền bỉ chèo lái hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn dịch bệnh, mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, bên cạnh một số kết quả đạt được, các doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn nhiều hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. "Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã là năng lực và trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu bài bản, chuyên nghiệp và chưa tiệm cận được các chuẩn mực, thông lệ tốt của khu vực và thế giới", Bộ trưởng nhấn mạnh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn hiện nay, với độ mở cao của nền kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi vừa phải ổn định sản xuất kinh doanh sau đại dịch đồng thời phải đáp ứng yêu cầu mới của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững. |
triển khai các sáng kiến thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ |
Bộ trưởng chỉ rõ, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ là chủ đề luôn được các quốc gia quan tâm. Tại Việt Nam, bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái được xác định là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia đến năm 2030. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hiệp hội tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển. Năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó lần đầu tiên thể chế hoá khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ với nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nữ về tư vấn, đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia chuỗi liên kết. Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã năm 2023 trong đó đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, bổ sung quy định các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có phụ nữ quản lý là đối tượng ưu tiên thụ hưởng các chính sách của Luật. Ngày 9/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ, đồng thời giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ |
Toàn cảnh Lễ ký kết |
Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, năng động, tích cực và tâm huyết của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong nhiều năm qua đã có những đóng góp tích cực trong triển khai các hoạt động thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp, "Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2024 - 2027", Bộ trưởng cho biết. Mục tiêu của Chương trình hợp tác nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nhân nữ, các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ…. Hai cơ quan sẽ cùng nhau xây dựng, đề xuất các chính sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã, các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ. |
Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đây là sự khởi đầu hợp tác giữa hai cơ quan trong chặng đường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã vươn xa, phát triển, góp phần xứng đáng vào hành trình xây dựng đất nước phát triển bền vững. “Đây cũng chính là sự ủng hộ, hỗ trợ hết sức thiết thực, ý nghĩa nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dành cho Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cũng như chị em là doanh nhân, chủ các hợp tác xã”, bà Nga nói. Chương trình nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó có Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, các đề án của Chính phủ, mang lại hiệu quả hơn nữa cho phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý. |
4 nội dung chính của Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp |
Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhằm tăng cường sự phối hợp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã năm 2023 và thực hiện các Đề án của Chính phủ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Thông qua các hoạt động phối hợp, góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ..., góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Chương trình gồm 4 nội dung chính: 1. Xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể - Phối hợp trong xây dựng, đề xuất các chính sách, các đề án nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. - Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, trong đó tập trung các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo nhiều việc làm cho lao động nữ… thông qua các đơn vị truyền thông (báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử…) của hai Bên nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ cả nước, tích cực khởi nghiệp, phát triển kinh tế góp phần góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. 2. Phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ - Đẩy mạnh nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ/các nữ chủ doanh nghiệp về Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản liên quan, trong đó tập trung các nội dung nhằm đẩy mạnh sự tiếp cận và thụ hưởng về các chính sách ưu tiên cho các DNNVV, hộ kinh doanh do nữ làm chủ theo quy định của Luật và các Chương trình, Đề án, Dự án khác có liên quan. - Tổng hợp, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho DNNVV do nữ làm chủ trong quản trị phát triển nguồn nhân lực; quản trị kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. - Phối hợp tổ chức Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đồng thời hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ đủ điều kiện tham gia chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình khác có liên quan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hàng năm. |
3. Phối hợp thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ - Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên, ban lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác, cán bộ Hội các cấp về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. - Phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn. - Tổng hợp, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý và phát triển, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ. 4. Phối hợp thực hiện nghiên cứu, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai Bên - Tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu, tham gia các hoạt động nghiên cứu giữa hai Bên để kịp thời đề xuất với Đảng và Nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và các vấn đề liên quan đến hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ và các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp/hộ kinh doanh do nữ làm chủ. - Phối hợp tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai Bên. |
Sau khi văn bản được ký kết, căn cứ nội dung phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện, chỉ đạo theo ngành dọc triển khai Chương trình phối hợp đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích đề ra. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh/thành phố triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể. "Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng, hợp tác chặt chẽ và nỗ lực không ngừng của hai bên, chúng ta sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.tưởng rằng, với quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những bước đột phá mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, mang lại những giá trị thiết thực cho kinh tế đất nước và cộng đồng, xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh. Về phía Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Hà Thị Nga cam kết, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Hội liên hiệp Phụ nữ các địa phương chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để triển khai chương trình phối hợp một cách hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu đề ra./.
|
An Nhi Ảnh: Đức Trung |