Cụ thể: HSBC cho biết, Chỉ số tin cậy thương mại (TCI) nửa đầu năm 2014 của Việt Nam đạt 120 điểm – mức điểm cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi – cho thấy triển vọng thương mại của Việt Nam khá tích cực. Dựa vào lợi thế địa lý tại trung tâm châu Á và với các hiệp định thương mại đã và sắp ký kết, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và phát triển thương mại, chủ yếu với các thị trường mới nổi khác trong khu vực.

Báo cáo chi tiết của HSBC cho thấy, xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục có sự đóng góp lớn nhất cho tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và ngành này cũng đang trên đà phát triển.

Ngành sản xuất hàng dệt may Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế do chi phí nhân công thấp tạo tính cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Châu Á. Phần lớn người Việt Nam đang dần nâng cao kiến thức, cùng với cơ sở vật chất hạ tầng tốt đã hỗ trợ cho tăng trưởng các ngành có chi phí sản xuất thấp như dệt may.

Thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam đang từng bước chuyển sang phương Đông. Xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc chiếm 6% trong tổng sản lượng của ngành trong năm 2013, trong khi xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực (không tính Nhật Bản) chiếm 12% trong tổng sản lượng.

HSBC nhận định thị phần xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 do nhu cầu đối với hàng tiêu dùng tăng khi tầng lớp trung lưu tăng lên. Thị phần xuất khẩu dệt may sang Mỹ dự kiến sẽ giảm từ mức khoảng 50% của 2013 xuống gần 40% vào 2020.

Tuy chỉ là thị trường tương đối nhỏ so với các thị trường châu Á và phương Tây, nhưng Trung Đông đang là thị trưởng tăng trưởng nhanh chóng đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam./.