Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài.

Thứ trưởng Trần Duy Đông thay mặt Bộ KH&ĐT báo cáo dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 cáo dự thảo
Thứ trưởng Trần Duy Đông thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025

3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế đã có những bước tiến thực chất hơn

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, tạo dựng lòng tin cho thị trường.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được tổ chức thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Qua đánh giá cho thấy, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành. 5 nhóm nhiệm vụ còn lại đã được triển khai thực hiện và có kết quả tích cực, cụ thể là 2 mục tiêu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, 1 mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công, 1 mục tiêu về phát triển doanh nghiệp và 1 mục tiêu về đào tạo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ rõ, ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng) đã được đẩy mạnh và có những bước tiến thực chất hơn.

Các quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao; dần khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân, hiệu quả đầu tư được cải thiện. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân trung bình giai đoạn 2016-2020 là 93,10%; chỉ số ICOR ước khoảng 6,1 giai đoạn 2016-2019, so với 6,3 giai đoạn 2011-2015. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, GDP năm 2020 giảm mạnh dẫn đến ICOR năm 2020 là 18,07. Do đó, ICOR giai đoạn 2016-2020 ước tăng khoảng 8,5.

Cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh sô với giai đoạn trước. Lũy kế giai đoạn 2016-2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị là 489.690 tỷ đồng (giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng). Lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn lũy kế giai đoạn này đã chuyển 221.700 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách nhà nước, số còn lại phải chuyển từ quỹ vào ngân sách nhà nước là 28.300 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ mức 2,46% năm 2016 còn 1,69% năm 2020.

Điều đáng lưu ý là lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam đang giảm, các ngân hàng cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam.

Theo số liệu của IMF, lãi suất cho vay của Việt Nam chỉ cao hơn khoảng 1-2%/năm so với các nước phát triển nhất ASEAN (có khác biệt lớn về vĩ mô, cấu trúc thị trường tài chính), nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Myanmar (14,5%), Bangladesh (7,79%) và Ấn Độ (9,05%), thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

5 nhóm nhiệm vụ thực hiện trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025:

- Củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế;

- Phát triển các loại thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực;

- Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế;

- Tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng;

- Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và khu vực công đạt được kết quả tích cực. Quy mô NSNN được cải thiện; cơ cấu thu bền vững hơn, tăng tỷ trọng chi đầu tư, bội chi ngân sách và tỷ trọng nợ công trên GDP được kiểm soát, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.

Giai đoạn 2016-2020, quy mô thu NSNN bình quân đạt 25,2% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP). Tỷ trọng bố trí dự toán chi đầu tư phát triển đã tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức khoảng 26,9 năm 2020. Trong điều hành, nhờ được bổ sung từ nguồn dự phòng và tăng thu ngân sách hàng năm, nên tỷ trọng bố trí cho chi đầu tư phát triển thực hiện đạt khoảng 28% tổng chi NSNN.

Cùng với đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực: Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; Hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo được chú trọng xây dựng. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chú trọng các công ty đa quốc gia lớn. Một số tập đoàn lớn, mạnh về công nghệ đã lựa chọn đầu tư ở Việt Nam.

Chỉ rõ rằng, công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế được đẩy mạnh, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hệ thống pháp luật về quy hoạch được hoàn thiện, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ; thúc đẩy liên kết, ngành, địa phương, phát huy vai trò động lực của các vùng kinh tế động lực.

Trong giai đoạn 2011-2015, đã hình thành và phát triển các loại thị trường đã đạt được một số kết quả: Quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường lao động được tăng cường thông qua dự báo, kết nối cung cầu lao động. Thị trường khoa học và công nghệ sôi động hơn, giá trị giao dịch, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng.

Vẫn còn nhiều tồn tại ở cả 5 nội dung

Bên cạnh những kết quả đạt được của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, còn nhiều tồn tại ở 5 nội dung.

Thứ nhất, cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành theo mục tiêu kết hoạch đặt ra. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và nhiều khó khăn. Chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng thông lệ tốt của quốc tế.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Cụ thể, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa đạt 30% theo kế hoạch.

Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, chưa theo kịp yêu cầu của nền kinh tế, nhất là việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công còn một số tồn tại. Thu NSNN chưa thực sự bền vững, dư địa thu ngân sách giảm, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Tỷ trọng thu ngân sách trung ương bình quân là 55% so với mục tiêu là 60-65%, vai trò đóng góp của các cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang có chiều hướng chững lại. Tỷ trọng đóng góp thu ngân sách trừ thu dầu thô và thu xuất – nhập khẩu của 2 cực tăng trưởng này trong tổng thu NSNN đã giảm từ mức 47%-48% những năm 2011-2012 xuống khoảng 44% trong 3 năm 2016-2018. Bên cạnh đó, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nghiêm trọng ở nhiều địa bàn, lĩnh vực. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp đã xuống mức 20% trong bối cảnh ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng năm 2020 do đại dịch Covid-19; thuế suất thuế xuất – nhập khẩu cũng giảm do thực hiện các FTA trong khi quy mô kim ngạch xuất – nhập khẩu khó có khả năng tăng cao.

Nợ công tuy đã có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, cơ cấu chi ngân sách mất cân đối, chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn chi đầu tư. Bộ máy nhà nước, khu vực công còn cồng kềnh, chậm được đổi mới dẫn đến áp lực chi ngân sách còn lớn, hiệu quả chi không cao. Ví dụ còn tình trạng tăng biên chế xảy ra ở nheiefu cập, nhiều ngành. Kết quả kiểm toán năm 2017 cho thấy, một số bộ, ngành, địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người).

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu, do đó chưa khai thác được nhiều các lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

Thứ tư, hiệu quả của liên kết vùng còn thấp, thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm chưa được phát huy, chưa đóng góp nhiều vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ trưởng cũng chỉ rõ, bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu của đại dịch Covid-18 bộc lộ tính dễ tổn thương và khả năng chống chịu còn hạn chế của các ngành.

Thứ năm, hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để đảm bảo thị trường vận hành thống suốt, hiệu quả. Thị trường tài chính còn mất cân dối. Kế nối cung – cầu trong thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ còn hạn chế. Thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt đất nông nghiệp còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc.

2021-2025: Nhiều điểm mới so với kế hoạch giai đoạn trước

Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đưa ra quan điểm: Cơ cấu lại nền kinh tế cần được triển khai đồng bộ để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu và khả năng ứng phó với biến động bên ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; gắn với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh; căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của ngành, vùng, địa phương.

Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài, từng bước tạo lập được hệ thống động lực và các yếu tố nền tảng (về khoa học công nghệ gắn với nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng) để hướng tới nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Củng cố nền tảng vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ngoài việc khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước còn bổ sung các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu phát triển. Do đó, nội dung của Kế hoạch có nhiều điểm mới so với kế hoạch giai đoạn trước, như bên cạnh các nội dung nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 bổ sung các nội dung tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Kế hoạch nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ số nhằm nắm bắt được các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu tạo ra kết quả rõ nét trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Kế hoạch tăng cường và tập trung vào phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Kế hoạch đặt ra mục tiêu và tăng cường các giải pháp khai thác lợi thế vùng và lợi thế của các trung tâm đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Kế hoạch cũng yêu cầu các địa phương căn cứ vào điều kiện, lợi thế của địa phương và trình độ phát triển để xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện. Tăng cường hiệu quả của quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế thông qua ban hành bộ chỉ tiêu giám sát quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện./.