eMagazine
Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030

06:27 | 19/08/2023

“Phát triển hệ thống đô thị theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững, có hạ tầng phù hợp, đồng bộ, hiện đại, chất lượng sống đô thị tốt… có vị thế xứng đáng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” là tầm nhìn đến năm 2050 của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030

phác họa lần 1 Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Góp ý cho dự thảo Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được cho ý kiến góp ý lần đầu, diễn ra chiều ngày 18/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện khung định hướng, tiến tới xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là cơ hội để sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để làm sao tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững.

4 điểm nghẽn chính trong quá trình phát triển

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên 21.278,6 km2, chỉ chiếm 6,42% diện tích của cả nước, nhưng đây là vùng có quy mô dân số lớn, với 23,45 triệu người (năm 2022 chiếm 23,6% số dân của cả nước và đóng góp 29,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ. Tỷ lệ đô thị hóa: 37,6%, tương đương bình quân cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ (66,9%).

Trong giai đoạn vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân đạt 8,02%/năm (cả nước: 5,95%/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 8,6%/năm; năm 2022 đạt 1.123 tỷ đồng, chiếm 33,8% cả nước.

GRDP bình quân đầu người: 123 triệu đồng, vùng Đông Nam Bộ (157 triệu đồng), gấp 1,28 lần bình quân cả nước (96,1 triệu đồng).

Quy mô dân số lớn nhất cả nước, đang trong thời kỳ “Dân số Vàng”. Năm 2022, có 11,4 triệu lao động (chiếm 52,2% tổng dân số).

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030
Thay mặt cơ quan tư vấn, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển báo cáo những nội dung chính của Báo cáo khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: Tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa sẵn sàng cho tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chưa phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực văn hóa, xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành (xét đến ngành cấp III và các ngành sản phẩm cụ thể) còn chưa mạnh và rõ nét; chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành (các cluster); bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm...

Tốc độ đô thị hóa theo tiêu chí đánh giá hiện nay (tỷ lệ dân cư đô thị trên tổng dân số) diễn ra chậm so với tốc độ mở rộng không gian đô thị; mật độ kinh tế đô thị còn thấp; cơ sở vật chất, đặc biệt là kết cấu hạ tầng được cải thiện nhưng còn chưa đồng bộ, làm giảm hiệu quả.

Đặc biệt, liên kết liên tỉnh, thành phố trong bố trí phát triển, tổ chức không gian còn chưa rõ; còn có khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương.

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030

Ngoài những vấn đề liên quan tới thể chế, cơ quan tư vấn chỉ ra 4 điểm nghẽn chính. Thứ nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ còn thấp; chưa sẵn sàng cho tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu không khai thông được điểm nghẽn này thì khó phát triển.

Thứ hai, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành (cluster) và các chuỗi giá trị; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do.

Thứ ba, hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là tại các điểm đầu mối (các điểm hub) như Hà Nội, Hải Phòng… Nếu không khai thông, thì hệ thống kết cấu hạ tầng không hiệu quả.

Thứ tư, chất lượng đô thị hóa chưa cao…; mật độ kinh tế đô thị còn thấp… Vẫn còn theo truyền thống.

“Nếu giải quyết được các điểm nghẽn sẽ tạo ra được sự phát triển mới cho vùng”, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh.

khung định hướng phát triển cho vùng thời kỳ mới

Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc hoàn thiện khung định hướng, tiến tới xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là cơ hội để sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để làm sao tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững.

Theo định hướng phát triển vùng đã được xác định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm.

Đồng thời, tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ.

Đặc biệt, phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn, phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Về tổ chức không gian phát triển, cơ quan tư vấn cho rằng, sẽ hình thành chuỗi đô thị thông minh; tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 55%. Tổ chức và phát huy tốt các hành lang kinh tế, đặc biệt là hình thành và phát huy hành lang kinh tế (mới) ven biển, để tạo động lực cho sự phát triển của tiểu vùng phía Nam, tăng cường kết nối phát triển với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Không gian phát triển của vùng sẽ tập trung theo 3 hành lang quốc gia (kết nối quốc tế) – 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng – 1 hành lang ven biển - 1 vùng động lực và 2 tiểu vùng.

Các hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế Bắc – Nam; hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Đối với hành lang kinh tế ven biển, phát triển các khu kinh tế ven biển, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistic, nông nghiệp, công nghiệp chế biến nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ biển, hình thành các cụm liên ngành trong phát triển kinh tế biển.

Nghiên cứu phát triển các hành lang Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội để tăng cường hợp tác liên vùng, tạo sự lan tỏa phát triển đối với toàn vùng Bắc Bộ.

Cụ thể hóa định hướng không gian vùng động lực phía Bắc của quốc gia, trong đó thành phố Hà Nội là cực tăng trưởng. Theo đó, vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng. Định hướng phát triển chính, gồm: Xây dựng mạng lưới hạ tầng khung kết nối vùng như đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Nội Bài - Hạ Long…

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030

Trong 2 tiểu vùng, tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ, du lịch tầm quốc tế; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó là vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển vùng thủ đô trở thành các vùng đô thị năng động sáng tạo, cạnh tranh quốc tế, khai thác hiệu quả không gian vùng cho các sản phẩm và nhu cầu mới, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo…; kéo dài các chuỗi giá trị của sản phẩm quốc nội và kết nối với thị trường quốc tế.

Phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển mạng lưới đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng trên cơ sở các vùng đô thị hóa cơ bản, các vùng đô thị lớn, các đô thị lớn, cực lớn, các khu kinh tế cửa khẩu, ven biển đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo, các hành lang kinh tế - đô thị động lực gắn với kinh tế biển, cửa khẩu và quốc phòng, an ninh.

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030
Sơ đồ liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: sưu tầm)

Các đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng được phát triển cơ bản dựa vào vùng Thủ đô Hà Nội/trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng và Thủ đô Hà Nội là đô thị động lực chủ đạo.

Phát triển đô thị chủ đạo trên các tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Các chuỗi và chùm đô thị thuộc tiểu vùng Duyên hải Bắc bộ, gồm chuỗi đô thị Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Hạ Long, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định.

Để hiện thực hóa những khát vọng này, Khung định hướng Quy hoạch dự báo, tổng vốn huy động cả giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 18 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng; phát triển công nghệ cơ bản và nâng cao năng lực công nghệ.

Các nhóm chương trình và dự án ưu tiên có thể kể đến là đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông cụm cảng số 1, nhất là cảng cửa ngõ Lạch Huyện, đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, các dự án cao tốc ven biển và đường ven biển. Bên cạnh đó, phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, các dự án về khu đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, hạ tầng số…

Về mặt chính sách, Chính phủ cần thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển, áp dụng các mô hình kinh tế mới, thí điểm một số cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao. Song song với đó, các địa phương cũng cần thực hiện cải cách, rút ngắn quy trình thời gian ra quyết định; tăng cường phối hợp, phát huy tốt vai trò của từng địa phương.

cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới

Góp ý cho dự thảo, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng của vùng hiện nay là phát triển đô thị không hợp lý, gây quá tải cho hạ tầng và giao thông. Vì vậy, Quy hoạch tới đây phải giải quyết được các vấn đề trong Vùng Thủ đô và phát triển không gian ngầm. “Nước ngầm và sụt lún cũng là vấn đề thách thức đối với phát triển không gian ngầm”, ông Sinh lưu ý.

Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần tìm định hướng hợp lý hơn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí nên có cơ chế đặc thù cho vùng.

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030TS. Cao Viết Sinh góp ý cho dự thảo Báo cáo. Ảnh: Đức Trung

Ông Nghiêm cũng lưu ý về cơ chế quản trị vùng. Dù Hội đồng vùng có thành lập, nhưng không phát huy hiệu quả quản lý vùng. Cần lưu ý thêm vai trò của Thủ đô Hà Nội. Theo đó, cần lưu ý tới Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề nghị bổ sung thêm phát triển đô thị đồng thời với phát triển nông thôn mới.

Còn PGS, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại cho rằng, khi Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, cần coi văn hóa là nguồn lực. Vị chuyên gia này lưu ý về vấn đề liên kết vùng và đặc biệt lưu ý về việc phải có mô hình quản trị hiệu quả trong quản lý vùng.

“Chính sách vùng nào cũng cần, nhưng chính sách đặc thù là gì, ví dụ chính sách để phát triển văn hóa, văn hóa phi vật thể. Để khơi thông nguồn lực văn hóa, công nghệ, cần chính sách gì?”, ông đặt câu hỏi.

Ông cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần nhận diện vấn đề di dân từ nông thôn lên thành phố. Đây là vấn đề rất lớn mà theo ông, khung định hướng quy hoạch chưa đề cập.

TS. Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đề nghị, đơn vị tư vấn làm rõ hơn phương hướng liên kết bảo vệ môi trường vùng và liên tỉnh, các lưu vực sông liên tỉnh, các khu vực ven biển liên tỉnh; kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai trên lãnh thổ các tiểu vùng; phương hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất liên tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp cho các tiểu vùng; phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ từng tiểu vùng: Định hướng phân vùng chức năng của nguồn nước; định hướng hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước; định hướng công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; định hướng bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm.

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030
Bộ trưởng yêu cầu cần có luận chứng để làm rõ định hướng phát triển và không gian phát tiển, trên cơ sở chồng lớp các bản đồ về sử dụng đất, hiện trạng về dân cư, kết cấu hạ tầng để có các không gian, mở các không gian mới: không gian ngầm, vùng trời; tạo thêm động lực phát triển cho vùng. Ảnh: Đức Trung

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn phải phân tích làm rõ thêm nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, để thấy mối quan hệ giữa công nghiệp, nông nghiệp, giảm sử dụng đất, tăng giá trị sử dụng đất, làm ở đâu, dựa vào đâu và tại vùng nào?

Bộ trưởng cũng chỉ rõ các điểm nghẽn trong phát triển của vùng và cho rằng, cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới, “đôi khi phải táo bạo để trở thành vai trò đầu tàu, dẫn dắt…”.

“Tắc nghẽn giao thông cần quan tâm, nếu không chúng ta phải trả giá rất đắt. Không giải quyết được, thì không còn giá trị nữa”, Bộ trưởng lưu ý thêm.

Về kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, kết nối giao thông giữa các hành lang còn đang hạn chế, quy hoạch còn chồng chéo, hạ tầng, logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Các công trình hạ tầng giao thông lớn chưa đưa vào khai thác, hoặc đang xây dựng như tuyến đường vành lang 4, 5. Hà Nội dự tính làm 10 metro, mà 12 năm mới làm xong Cát Linh – Hà Đông. Đô thị hóa chưa cao. Phát triển vừa qua bị chia cắt, bị cát cứ cục bộ, địa phương.

Về quan điểm phát triển, Bộ trưởng đề nghị, cần làm rõ hơn mối quan hệ với vùng thủ đô; một vùng rất lớn, là động lực rất mạnh.

Về tổ chức không gian, Bộ trưởng yêu cầu cần có luận chứng để làm rõ định hướng phát triển và không gian phát tiển, trên cơ sở chồng lớp các bản đồ về sử dụng đất, hiện trạng về dân cư, kết cấu hạ tầng để có các không gian, mở các không gian mới: không gian ngầm, vùng trời; tạo thêm động lực phát triển cho vùng.

Đặc biệt, cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy tính kết nối giữa các loại hình giao thông vận tải. Làm rõ hơn chức năng của các hàng lang để làm rõ cụm liên kết ngành. Đảm bảo tính liên kết vùng giữa các địa phương.

Bộ trưởng cũng lưu ý cơ quan tư vấn về vấn đề xây dựng và cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị, nhất là kết nối với các đô thị vệ tinh; xây dựng không gian để phát triển khu thương mại tự do tại Hải Phòng, Quảng Ninh./.

Phương Anh

Ảnh: Đức Trung

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 06:27 | 19/08/2023