Kiến tạo động lực để Bắc Kạn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng
Ngày 30/11/2022 tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, chủ trì phiên họp. Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cùng với các sở, ban, ngành, đại diện cơ quan tổ chức lập quy hoạch Tỉnh.
Bắc Kạn là một tỉnh nằm về phía Đông Bắc của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Diện tích tự nhiên toàn Tỉnh là 4.859,96 km2, đứng thứ 10/14 địa phương trong Vùng. Toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: 1 thành phố (Thành phố tỉnh lỵ Bắc Kạn) và 7 huyện (Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì).
Là trung tâm trung chuyển của các tỉnh vùng Đông Bắc thông qua QL3 và tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng trong tương lai, Bắc Kạn có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, diện tích đất lâm nghiệp lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao (trên 73%); khoáng sản đa dạng, đặc biệt là chì, kẽm; tài nguyên du lịch phong phú: Vườn Quốc gia Ba Bể, văn hóa đa dạng...
cần tháo gỡ các điểm nghẽn, tập trung vào 4 đột phá chiến lược
Kể từ khi tái lập Tỉnh từ ngày 01/01/1997, Bắc Kạn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Về tăng trưởng kinh tế, Bắc Kạn có tốc độ tăng trưởng 10 năm giai đoạn 2011-2020 bình quân 5,33%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 12.949 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần so với năm 2010, GRDP/người đạt 40,92 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng (13,91%), nông nghiệp (30,78%), dịch vụ (52,2%), thuế (3,11%).
Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có những chủ trương, quyết sách lớn, mang tính căn cơ, vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn, được ban hành kịp thời, tạo ra sự đột phá trong phát triển cho Tỉnh.
Tỉnh xác định trọng tâm phát triển là cần phải tháo gỡ các điểm nghẽn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, kết cấu hạ tầng, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và tập trung vào 4 đột phá chiến lược phát triển, đó là: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đầu tư đồng bộ hiện đại với trọng tâm là hệ thống giao thông; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình khẳng định, quy hoạch tỉnh Bắc Kạn là một nội dung rất quan trọng, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng.
Làm rõ hơn về 4 đột phá, ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh chỉ rõ, trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào du lịch, Tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, các tổ hợp dự án du lịch với phạm vi, quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao; xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu đối với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf; du lịch thể thao mạo hiệm, vui chơi giải trí...
"Đưa hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng, liên kết với các khu du lịch trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc", ông Tuyên nói.
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, Bắc Kạn tập trung tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, giải phóng các nguồn lực để phát triển du lịch và công nghiệp.
Về hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch gồm tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn - Cao Bằng; tuyến QL3B; tuyến đường trục Đông - Tây (Tuyên Quang – Bắc Kạn- Lạng Sơn) kết nối với tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang và tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; tuyến Bắc Kạn - Ba Bể - Na Hang (Tuyên Quang) và một số tuyến tỉnh lộ, huyện lộ khác.
Về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, hình thành các phương thức sản xuất, tiêu thụ và quản lý mới.
Định hướng đến năm 2030: tập trung vào 4 ngành kinh tế
Về định hướng phát triển không gian, Quy hoạch xác định phát triển đa dạng, phát huy bản sắc, tăng cường liên kết nội vùng và ngoại vùng. Theo đó, phân vùng tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội thành 1 Vùng trung tâm và 4 tiểu vùng. Vùng trung tâm động lực gồm: TP. Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông với trung tâm là TP. Bắc Kạn là đầu tàu cho sự phát triển của toàn Tỉnh gắn với hành lang phát triển QL3 và tuyến cao tốc.
Các tiểu vùng gồm: Tiểu vùng phía Tây gồm huyện Chợ Đồn; Tiểu vùng phía Tây Bắc gồm huyện Ba Bể, Pác Nặm; Tiểu vùng phía Bắc gồm huyện Ngân Sơn; Tiểu vùng phía Đông gồm huyện Na Rì.
Các trục phát triển chính gồm: Trục động lực (liên vùng tạo đột phá phát triển, tăng cường liên kết Vùng Thủ đô và vùng cửa khẩu, thúc đẩy giao lưu kinh tế trong và ngoài nước); Trục bản sắc (liên kết các trọng điểm đô thị, các tài nguyên văn hoá, lịch sử, thiên nhiên để phát triển du lịch của vùng phía Tây Bắc Kạn và liên kết với Vùng thủ đô và các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng); Trục lan toả phát triển (liên kết đông tây tỉnh Bắc Kạn, liên kết các tiểu vùng với trục và Vùng trung tâm động lực).
Song hành với đó là các hành lang kinh tế gắn với Trục động lực (hành lang tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và tuyến đường QL3, trên hành lang này tập trung phát triển đa dạng như: đô thị, dịch vụ, công nghiệp, logistics); Hành lang kinh tế gắn với Trục bản sắc (tập trung phát triển đô thị, du lịch trọng điểm của Tỉnh); và Hành lang kinh tế gắn với các Trục lan tỏa phát triển.
Định hướng phát triển đến năm 2030, tập trung vào 4 ngành kinh tế, lĩnh vực quan trọng, trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn, gồm: Du lịch; nông, lâm nghiệp; công nghệ thông tin (trọng tâm là chuyển đổi số); công nghiệp.
Trong đó, đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Khu du lịch Ba Bể được công nhận là khu du lịch quốc gia; phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của Tỉnh; tổng lượt du khách đạt khoảng 3 triệu lượt, đóng góp vào GRDP 8%.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, cùng với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; phát triển các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và dược liệu gắn với vùng nguyên liệu, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến nông, lâm sản và dược liệu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
4 nội dung cần lưu ý khi hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn
Các chuyên gia, đại biểu đều đánh giá cao sự tham gia của Tỉnh vào các nội dung Quy hoạch, đồng thời góp ý bản Quy hoạch cần phải tăng tính thuyết phục hơn nữa; làm rõ hơn các quan điểm phát triển của Tỉnh; rà soát kĩ các danh mục dự án đầu tư đảm bảo tính khả thi để tập trung đầu tư; xác định ưu tiên đầu tư phát triển du lịch của Tỉnh, trong đó trọng tâm là hồ Ba Bể. Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp lớn, do đó cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu cụ thể về phát triển rừng…
Kết luận Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Quốc Phương chúc mừng tỉnh Bắc Kạn đã được Hội đồng thẩm định thông qua hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý 4 vấn đề để hoàn thiện Quy hoạch trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Thứ nhất, về quan điểm và triết lý phát triển, Thứ trưởng cho rằng, Tỉnh cần nhấn mạnh thêm động lực cho phát triển của Tỉnh phân bố về phía Nam. Dựa vào trục đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn; dựa vào Khu công nghiệp Thanh Bình và Như cố ở phía Nam; dựa vào phía trung tâm thành phố Bắc Kạn kéo xuống; dựa vào sự phát triển của huyện Chợ Mới.
"Còn đối với phía Bắc của Tỉnh, chúng ta nên tập trung đầu tư vào huyện Ba Bể làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch, các huyện Bạch Thông, Pác Nặm, Ngân Sơn; cùng với phát triển kinh tế, chúng ta phải tập trung vào an sinh xã hội, tập trung vào giữ rừng, giữ dân; ổn định, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho nhân dân", Thứ trưởng gợi ý.
Thứ trưởng cũng cho rằng, phát triển kinh tế cần tập trung cho hành lang Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn, hồ Ba Bể và "quy hoạch phải thể hiện được điều đó", Thứ trưởng nhấn mạnh, khi trục động lực này phát triển mạnh lên sẽ lôi cuốn, thúc đẩy lan tỏa cho toàn Tỉnh.
"Không tập trung trọng tâm, trọng điểm, không có lĩnh vực ưu tiên, không tạo được đột phá, không tạo được động lực thì sẽ khó phát triển".
Thứ hai, về mục tiêu phát triển, cần nhấn mạnh thêm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, dựa trên 4 trụ cột: Kinh tế - văn hóa, xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh; cần xác định rõ vai trò, vị trí, vị thế của Tỉnh trong vùng và chỉ ra được “điểm nghẽn” cản trở khi thực hiện, từ đó làm rõ quan điểm, phương hướng định hướng phát triển.
Thứ ba, về động lực cho tăng trưởng, Thứ trưởng lưu ý, Bắc Kạn cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách riêng để phát triển với trọng tâm là:
- Trung tâm thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và các Khu công nghiệp phía Nam của Tỉnh.
- Tập trung phát triển hồ Ba Bể trở thành khu du lịch văn hóa, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí của Tỉnh, quốc gia.
Thứ tư, Thứ trưởng cho rằng, cần tiếp tục tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân, nhất là với đại bộ phận người dân của Tỉnh là dân tộc thiểu số, đặc biệt là những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chú trọng công tác trồng rừng, giữ rừng, nghiên cứu đề xuất bằng được những giải pháp đầu tư, phát triển rừng bền vững, làm giàu từ rừng. Phát triển du lịch và ngành công nghiệp chế biến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.
"Do điều kiện địa hình, vị trí, điều kiện của tỉnh Bắc Kạn, tôi cũng chia sẻ những khó khăn với Tỉnh trong công tác thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Trong bối cảnh đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hạn, tôi đề nghị quy hoạch phải sắp xếp, đưa ra được những danh mục dự án ưu tiên đầu tư, những cái gì cần phải đầu tư xây dựng trước để góp phần làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh", Thứ trưởng nói.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Kạn tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định để HĐND Tỉnh thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.../.
Công tác quy hoạch tốt là khi thực sự dẫn dắt được cuộc chơi trong nền kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nếu thất bại là chưa thực hiện được đầy đủ vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước.
Bài: Phương Anh
Ảnh: MPI, internet