Ngày 25/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kì hậu COVID-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế” trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo

Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Theo đó, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kỹ thuật số nói chung và thương mại điện tử nói riêng cho tăng trưởng kinh tế.

Dịch COVID-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với kỹ thuật số mạnh mẽ hơn.

“Sự chuyển đổi số của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như chuyển đổi số của chính phủ và doanh nghiệp song hành với nhau. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số phải đủ bao trùm đối với các địa bàn khó khăn và các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân ở khu vực miền núi”, bà Minh nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) khẳng định, cơ hội để phát triển kinh tế số đã hiện hữu. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết sẽ đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Với quyết tâm thực hiện số hóa nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020, trong đó có đặt ra yêu cầu “nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm phát triển … kinh tế số”.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số cho tăng trưởng kinh tế. Cho đến đầu năm 2020, Việt Nam đã thành công triển khai nhiều ứng dụng công nghệ như các sàn thương mại điện tử, xe công nghệ hay ví điện tử liên kết với các ngân hàng trong nước. Đặc biệt, Việt Nam đã bắt đầu triển khai mạng 5G, cấp phép cho hai nhà mạng Viettel và MobiFone cung cấp mạng 5G trong tương lai.

Báo cáo của Indochina Research đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng internet và mạng xã hội. Tỷ lệ các hoạt động trên nền tảng trực tuyến như mua sắm, tìm hiểu và chia sẻ thông tin, làm việc, học tập và kết nối cao và ngày một tăng.

Theo ước tính của Google và Temasek (Singapore), quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Theo đánh giá của Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Những bước tiến trong xây dựng chính sách về kinh tế số

Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã khẳng định chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Đánh giá chung về chính sách kinh tế số của Việt Nam, ông Dương nhận định, nhìn chung, Việt Nam đã thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi, nỗ lực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển kinh tế số của Việt Nam về cơ bản trong tư duy phát triển thể hiện sự nhất quán.

Thứ nhất, hành lang chính sách phát triển kinh tế số được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể Việt Nam đã thực sự đề ra và thực hiện tốt các chính sách phát triển mạnh mẽ các nền tảng “cứng” về hạ tầng số, hạ tầng truyền thông (internet, các mạng di động) tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp vận hành kinh doanh như hiện nay.

Thứ hai, các thực tiễn tốt về xây dựng các chính sách, quy định đối với phát triển kinh tế số đã được nghiên cứu, lồng ghép vào khung chính sách liên quan đến kinh tế số. Một số doanh nghiệp nhà nước đã đi đầu trong sản xuất các thiết bị phần cứng nhằm tạo dựng hạ tầng cho kinh tế số.

Dẫn ví dụ, Viettel đã phát triển phần mềm S-tracking để giúp định vị các tàu cá, qua đó đóng góp vào phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU), ông Dương cho biết, một số doanh nghiệp nhà nước cũng đã chủ động phát triển các phần mềm nhằm củng cố thêm hệ sinh thái kinh tế số phục vụ những vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc Chính phủ chủ động tuyên truyền về phần mềm Bluezone trong đại dịch COVID-19 cũng thể hiện tinh thần vượt qua quy trình để ứng dụng kinh tế số trong xử lý rủi ro đối với dịch bệnh.

Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét. Về mặt nhận thức, đa số doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Thứ tư, về mặt nhận thức của cộng đồng và xã hội. Đây là mảng có nhiều thể hiện tích cực từ nỗ lực quảng bá qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, các hoạt động truyền thông của Chính phủ và các cơ quan ban ngành, các phương tiện thông tin đại chúng.

Song, văn bản pháp lý còn chung chung, gây khó cho doanh nghiệp

Đánh giá của nhóm nghiên cứu CIEM đánh giá, Việt Nam còn yếu trong việc tạo lập hành lanh pháp lý để thúc đẩy các nền tảng “mềm” như xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trong quản lý nhà nước, hoặc đảm bảo sự cân bằng giữa quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, và tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu mở, cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận và chia sẻ thông tin, dữ liệu dễ dàng, tiết kiệm chi phí.

Hệ quả là một số văn bản pháp lý rất chung chung, gây khó cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý, gây tâm lý vừa làm vừa e dè, không dám đưa ra quyết sách và các giải pháp đột phá.

“Nguyên nhân có thể là do tâm lý dè dặt, ngại rủi so, sợ mạo hiểm, thể hiện khá rõ trong các văn bản pháp lý, và dường như sự tiếp thu các ý kiến đóng góp còn mang tính “chiếu lệ” nhiều hơn là thực chất”, ông Dương chỉ rõ.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng chỉ ra rằng, việc cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ vẫn gặp không ít thách thức, trong đó có tư duy “co cụm”, e ngại “mất đất quản lý” của một số các cơ quan, ban ngành, thậm chí chỉ làm chiếu lệ cho trong chia sẻ thông tin, dữ liệu, khiến cho việc phát triển chính phủ điện tử chậm chạp, xa mức kỳ vọng.

Chẳng hạn, việc chia sẻ dữ liệu trên trang open.data.gov.vn đến thời điểm 20/11/2020 còn rất hạn chế.

Điều đáng quan ngại là vẫn còn khoảng cách lớn từ nhận thức tới hành động. Doanh nghiệp đã đóng góp khá tích cực vào tham vấn chính sách đối với phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, theo ông Dương, việc tiếp cận các công nghệ mới chủ yếu theo hướng áp dụng các công nghệ có sẵn dưới hình thức liên doanh thực hiện với các đối tác nước ngoài đem đến, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu triển khai các công nghệ mới – lý do cũng bởi không có nhiều tiềm lực đầu tư, chấp nhận mạo hiểm.

“Chính ở đây, việc thiếu các khác sandbox có thể là một nguyên nhân quan trọng”, ông Dương thẳng thắn.

Một nguyên nhân khiến kinh tế số Việt Nam còn nhiều rào cản, theo ông Dương, vấn đề gốc rễ ở đây liên quan nhiều đến cải cách giáo dục phải tạo lập được xã hội học tập, hướng thực tiễn.

Bên cạnh nâng cao nền tảng và đầu tư cho giáo dục trong mảng công nghệ thông tin, truyền thông, thì giáo dục ngoại ngữ (tiếng Anh) đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho rộng rãi toàn dân có thể tiếp cận và học hỏi được nguồn kiến thức phong phú, đa dạng từ Internet – vốn chủ yếu sử dụng tiếng Anh.

“Việc giảng dạy tiếng Anh cần một tư duy đột phá, thay đổi, chuyển từ coi việc dạy và học tiếng Anh hiện nay như một ngoại ngữ sang việc dạy và học tiếng Anh như một “ngôn ngữ thứ hai” như Malaysia”, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất hướng khắc phục.

Phát triển kinh tế số phải gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới

Hướng tới phát triển kinh tế số trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp như: (i) bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho kinh tế số; (ii) hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với kinh tế số; (iii) bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số; (iv) tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA); (iv) điều chỉnh các quy định liên quan đến thị trường lao động và an sinh xã hội trong bối cảnh số; và (v) phát triển hạ tầng số.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trong không gian mạng, với chế tài nghiêm khắc xử phạt vi phạm quyền riêng tư dữ liệu. Các quy định đề xuất để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư phải đảm bảo tính khoa học, đảm bảo hài hòa, không gây cản trở đến dòng chảy dữ liệu để thúc đẩy kinh doanh trong thời đại số.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo mật và xác thực thông tin, các rủi ro, cách thức phòng ngừa, và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số và internet đảm bảo an toàn cho các giao địch điện tử.

Các kiến thức này cũng như các kĩ năng khai thác và sử dụng mạng internet an toàn và hiệu quả cũng cần được tích hợp vào giảng dạy trong bộ môn tin học ở các trường phổ thông để nâng cao ý thức tiếp cận công nghệ thông tin cho học sinh. Việt Nam có các quy định điều chỉnh các hành vi giữa người lao động và người chủ lao động.

Cuối cùng, hỗ trợ để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên, người già… tham gia kinh tế số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hỗ trợ ngân sách từ nhà nước chỉ là một điều kiện cần, chứ không đủ.

“Điểm quan trọng là quá trình hỗ trợ phải đi kèm với chuyển giao kỹ năng để các nhóm này có thể tự học, tự thích ứng, thay vì bám vào một nội dung chương trình cứng nhắc”, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Dương đề xuất.

Chia sẻ quan điểm của mình, GS,TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, kinh tế số sẽ đóng góp rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động của doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Việt Nam cần có bản chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất…”, ông Đạt khuyến nghị.

Cùng ngày, tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020, với Chủ đề "Going Digital – Dịch chuyển số", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng Dũng cũng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định hai trụ cột quan trọng tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới gồm có: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người. Dự thảo Chiến lược cũng đã xác định định hướng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số...

Trong năm 2019, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.

Bước sang năm 2020, Bộ tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Trung tâm được bố trí cơ sở hoạt động tại Hoà Lạc và Hà Nội. Tại Hoà Lạc, Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2 sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ./.