|
Dù những ngày cận Tết năm Giáp Thìn – 2024 bận rộn với dày đặc các chương trình làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn dành thời gian chia sẻ với anh em báo giới, trong đó có phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về những chặng đường mà Việt Nam vừa trải qua trên hành trình nỗ lực đưa quốc gia hình chữ S trở thành điểm sáng trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu nói chung, ngành bán dẫn nói riêng. Trong không khí sắc xuân với bao điều ước vọng về sự phát triển hưng thịnh, vững mạnh của đất nước, những chia sẻ của ông mang lại kỳ vọng về một năm đổi mới sáng tạo Việt Nam dần “hóa rồng” trong năm Rồng – 2024. |
Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình |
Khi nhận được câu hỏi của phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, nếu lượng hóa được kết quả của đổi mới sáng tạo Việt Nam trong năm 2023, thì ông có thể chia sẻ những bước tiến này trong năm 2023 bằng bao nhiêu năm trước đó cộng lại, ông Vũ Quốc Huy trải lòng, kết quả đổi mới sáng tạo của Việt Nam được thể hiện rõ nhất qua những chỉ số. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023). Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào Đổi mới sáng tạo: Tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra Đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo). Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43). Theo WIPO, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam). Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra tại NIC Hòa Lạc. Tại đó, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công nghệ mới, những ý tưởng đột phá “Made in Vietnam”, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và mở ra những triển vọng hợp tác mới. Thành tích về đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất đáng tự hào, cao hơn so với mức độ tăng trưởng GDP. Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo so với mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo. |
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với NIC để triển khai nhiều chương trình, hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số như: Google, Meta, Siemens, Hitachi... Trong năm 2023, thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất hợp tác, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Thông qua đó, đã có nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn như: John Cockerill, Synopsys, Cadence... ký kết các thỏa thuận hợp tác với NIC. Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kết hợp Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động của NIC tại Hòa Lạc, các Cơ sở đổi mới sáng tạo và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip bán dẫn của các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Samsung, Synopsys đã được khai trương tại NIC Hòa Lạc. Cùng với đó, Triển lãm đã quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn tham gia, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế như: SK, Samsung, Google, Meta, SpaceX, John Cockerill, Synopsys, Cadence, VISA... Điều này cho thấy, Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên thế giới.
|
Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2023 của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. |
Chuyến đi của ông Biden cũng mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn. Đơn cử, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 Max, trị giá khoảng 10 tỷ USD. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước. |
Sau những thành tựu đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như: chip, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Trong những tháng cuối năm 2023, đã có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn đến làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam thông qua hợp tác với NIC và các doanh nghiệp của Việt Nam. |
Tuy nhiên, hành trình đổi mới sáng tạo hiện đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: (i) Việt Nam đang thiếu một cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài; (ii) Thiếu các thương vụ thoái vốn lớn. Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam; (iii) Nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. |
Doanh nghiệp nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu |
Theo “thuyền trưởng” NIC, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực công nghệ cao dồi dào và Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn như: hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập NIC Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất… |
Các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng. Gần đây, Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia đã cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam như: (1) Chi phí đầu tư cao: Mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD; (2) Cạnh tranh quốc tế: Ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD; (3) Thách thức về công nghệ: Sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào R&D để duy trì sự cạnh tranh; (4) Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Mặt khác, với 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói, thì Việt Nam chỉ mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối. Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn. Đối với thiết kế: Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 36 công ty nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.600 kỹ sư. Ở khâu thiết kế, tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng phụ thuộc nhiều vào số lượng doanh nghiệp có trong thị trường. Việc gửi kỹ sư ra nước ngoài làm việc phụ thuộc nhiều vào chất lượng và khả năng đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật và kỹ năng, cũng như trình độ ngoại ngữ của nhân sự được đào tạo tại Việt Nam. Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế. Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Đối với kiểm thử và đóng gói: Việt Nam có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn lắp ráp, kiểm thử và đóng gói. Hiện tại, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư. Tại Bắc Ninh, nhà máy Amkor với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD chia làm 3 giai đoạn. Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào các nội dung sau để bước đầu hình thành ngành công nghiệp công nghệ cao này: (i) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030. Đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác. (ii) Xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút, tận dụng nhu cầu đầu tư từ nước ngoài. (iii) Đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, NIC đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence và Đại học Bang Arizona (ASU) để hình trung tâm ươm tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. |
Cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ |
Liên quan đến các giải pháp cần tập trung triển khai trong năm nay để đổi mới sáng tạo Việt Nam thêm "đơm hoa kết trái", ông Vũ Quốc Huy cho rằng, trong năm 2024, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển, một số giải pháp cần tập trung triển khai gồm: Thứ nhất, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm sự kết hợp giữa doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức nghiên cứu, chính phủ, chuyên gia đổi mới sáng tạo, các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo và cộng đồng. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, tài nguyên và kỹ thuật tiên tiến. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo: Cần tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn cho các start-up và doanh nghiệp công nghệ mới, thành lập qũy đổi mới sáng tạo. Cần tạo ra các chính sách khuyến khích và giảm rào cản để khởi nghiệp và phát triển công nghệ. |
Thứ ba, nâng cao năng lực R&D: Tăng cường đầu tư vào R&D, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để hợp tác và thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ. |
Thứ tư, tận dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. Cần tạo ra chính sách và môi trường thuận lợi để khuyến khích sử dụng và phát triển các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, máy học, blockchain và IoT./. |
TV Ảnh: NIC, nhandan.vn |