Doanh nghiệp mòn mỏi kiến nghị và … chờ đợi

Những bức xúc này của các doanh nghiệp, hiệp hội một lần nữa được Ban IV báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, trong đó đặc biệt nêu rõ những bất cập về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng.

Lại “nóng” thu phí hạ tầng cảng biển, doanh nghiệp như ngồi trên lửa
Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc không thu phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh

Phản ánh kiến nghị liên quan đến việc thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng trước đó đã được Ban IV tiếp nhận và tổng hợp trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2020 và đã được Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, xử lý.

Đáng chú ý, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND TP Hải Phòng phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét, xử lý kiến nghị về thu phí hạ tầng cảng biển theo thẩm quyền, phù hợp với quy định pháp luật phí, lệ phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng yêu cầu TP. HCM và Hải Phòng rà soát việc thu phí đảm bảo đúng các quy định của Luật phí. Đến nay, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản trả lời, tuy nhiên vẫn theo hướng giải thích sự hợp lý của mức phí đang thu.

Theo đánh giá của các hiệp hội, trước đề xuất kiên trì của các doanh nghiệp và Hiệp hội, từ năm 2019, Hải Phòng có giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển so với thời điểm ban đầu thu là năm 2017, tuy nhiên mức giảm không lớn và không phải là giảm với mục đích chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp do chịu tác động từ dịch Covid-19.

Diễn biến mới nhất được Ban IV cho biết sau khi trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đang giao Tổng cục Hải quan xem xét có ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên đến thời điểm vẫn chưa có phản hồi chính thức gì từ các cơ quan chức năng, nên doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Trong khi đó, liên quan đến việc thu phí hạ tầng tại TP. HCM, đến nay chính quyền thành phố vẫn chưa có phản hồi gì sau ý kiến của Chính phủ và Bộ Tài chính. Trong bối cảnh thời hạn dự kiến áp dụng quy định thu phí tại TP. Hồ Chí Minh đang cận kề là ngày 1/7/2021, cộng động doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, Hiệp hội xuất nhập khẩu khu vực TP. HCM và các tỉnh lân cận như ngồi trên lửa.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục đồng loạt khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP. HCM rà soát, làm rõ tính cấp thiết của việc thu phí ở thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ DN, đồng thời cần minh bạch phương án xây dựng mức phí và thời gian thu phí so với tổng mức đầu tư các hạ tầng liên quan để tránh tình trạng phí chồng phí.

Cần minh bạch rõ ràng cơ sở và mức thu phí

Đáng chú ý, trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ được Ban IV báo cáo, các doanh nghiệp và hiệp hội đề nghị TP. HCM lý giải việc đưa ra mức phí áp dụng với doanh nghiệp mở tờ khai hải quan ngoài TP. HCM cao gấp đôi mức phí áp dụng với doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP. HCM, bởi quy định này đang vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Luật Phí, đó là “Mức phí được xác định trên nguyên tắc cơ bản bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ nhưng phải đảm bảo công bằng, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người dân”.

Theo các doanh nghiệp, nếu chiểu theo cơ sở quy định này thì cơ sở thu phí và mức thu phí tại Nghị quyết của HĐND TP. HCM chưa rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật về phí.

Trên cơ sở quy định tại Luật Phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, tại điểm b khoản 1 Điều 5 quy định khi xây dựng mức thu phí, UBND cấp tỉnh cần tham khảo mức thu phí của các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền hoặc cửa khẩu cảng biển trong khu vực để xây dựng mức phí bảo đảm tương đồng giữa các địa phương, khu vực; Mức phí được xác định trên nguyên tắc cơ bản bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong từng thời kỳ nhưng phải đảm bảo công bằng, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người dân; Niêm yết công khai cơ sở tính phí (trong đó cần công khai: Phạm vi dự án cảng hoặc khu vực cửa khẩu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổng mức đầu tư dự án, dự kiến lưu lượng phương tiện ra, vào, hàng hóa lưu thông, thời gian hoàn vốn dự án và hiệu quả của việc thu phí), mức phí,…

Tuy nhiên, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân TP. HCM về mức thu phí sử dụng công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lại có những điểm chưa phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng cho đối tượng nộp phí, khi có sự chênh lệch, thậm chí lên tới gấp đôi về mức nộp phí giữa DN mở tờ khai hải quan tại TP. HCM và DN mở tờ khai ngoài TP. HCM.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp và hiệp hội, Nghị quyết và Đề án thu phí liên quan cũng chưa cung cấp thông tin thỏa đáng cho doanh nghiệp về căn cứ tính phí như danh mục hạ tầng mà Thành phố đã đầu tư để đưa vào tính toán mức phí này để làm rõ có trùng lặp, chồng chéo về phí với các hạ tầng giao thông đã thu phí đường bộ, phí cầu đường..., tổng mức đầu tư các hạ tầng này để làm rõ mức thu có đúng quy định Luật phí là bù đắp một phần chi phí đã bỏ ra đầu tư hay không,... và thời gian dự kiến thu. Hiện nay, cơ sở thu phí và mức thu phí tại Nghị quyết của HĐND TP. HCM chưa rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật về phí, do đó các doanh nghiệp cho rằng rất cần được làm rõ.

Thời điểm áp dụng chưa phù hợp thực tế

Phân tích về góc độ thực thi, Ban IV cho rằng do tác động kéo dài của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vận hành các chuỗi cung ứng. “Vì vậy, việc thu phí này dù diễn giải ra sao cũng đi ngược với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang rất nỗ lực, và làm ảnh hưởng tới động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều hết sức khó khăn do tác động kéo dài từ dịch Covid-19, do đó, rất mong Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành một lần nữa rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng các quy định nói trên tại thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định cho thấu đáo, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt. Đồng thời, tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn”, đại diện Ban IV nhấn mạnh.

Tại báo cáo mới nhất, Ban IV tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các UBND TP. HCM và Hải Phòng xem xét lại việc không thu phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn DN còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ít nhất đến cuối năm 2021; đồng thời, làm rõ tính hợp lý của mức thu và thời gian thu so với tổng mức đầu tư các hạ tầng liên quan (không bao gồm các hạ tầng đã thu các phí khác. Bên cạnh đó, Ban IV cũng đề xuất rà soát và loại bỏ các quy định đang vi phạm tinh thần Luật Phí như là quy định gây bất bình đẳng về mức thu với các DN mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và DN không mở tờ khai hải quan tại TP.HCM.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có công văn kiến nghị gửi tới Bộ Tư Pháp báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TP. HCM để xem xét việc không thu các loại phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ít nhất là cho đến hết 31/12/2021. Đồng thời, Hiệp hội cũng đề xuất điều chỉnh các mức thu giảm xuống theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách chính cho TP. HCM.

Theo VASEP, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội cho rằng, việc thu thêm phí này có nhiều điểm không hợp lý, tạo nên tình trạng “phí chồng phí”. Đề án thu phí hạ tầng cảng biển của TP HCM được đơn vị đề xuất lý giải là có nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển nhằm phục vụ bảo trì và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông...

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, từ trước đến nay các doanh nghiệp đã phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT. Trong đó, chỉ tính riêng phí BOT, doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.

Tính toán của VASEP cho thấy, nếu gánh thêm khoản phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của TP. HCM, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP. sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Chưa kể, các doanh nghiệp thuỷ sản đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Như vậy, mỗi sản phẩm hoàn chỉnh sẽ phải chịu hai lần phí, một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu.

Do đó, việc thu thêm các loại phí mới sẽ gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi đang phải vật lộn với nhiều khó khăn khác như: giá cước vận chuyển biển tăng đột biến, sức tiêu thụ giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo VASEP, hiện nay hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP. HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.

Từ những phân tích trên, VASEP nhận thấy việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP. HCM trong giai đoạn là chưa phù hợp và đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động./.