Lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi |
Việc ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhằm ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.
|
Kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vào chiều nay (ngày 11/12). Đề cập về sự cần thiết ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc ban hành Nghị định là hết sức cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Về đối tượng áp dụng, Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. |
|
Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế |
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, Thường trực Ủy ban và một số Ủy ban của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để bảo đảm công tác tổ chức thực hiện các nội dung đã được quy định trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội để triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới về thực thi thuế Tối thiểu toàn cầu (TTTC), duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ tại dự thảo Nghị định đang tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao và để đáp ứng điều kiện và tiêu chí hỗ trợ, các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ chủ yếu sẽ là các nhà đầu tư nước ngoài, đa quốc gia. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ nguồn lực của Quỹ là không rõ rệt. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định quy định đối tượng được áp dụng hỗ trợ đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia (thuộc diện chịu thuế TTTC) trong lĩnh vực công nghệ cao, không bao gồm tất cả các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế TTTC; đồng thời cũng có những doanh nghiệp không nộp thuế TTTC vẫn được nhận các khoản hỗ trợ từ Quỹ; các doanh nghiệp trong nước sẽ khó đáp ứng các điều kiện, tiêu chí để có thể được hưởng hỗ trợ từ Quỹ. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc để hướng tới mục tiêu Quỹ cũng được sử dụng cho việc khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư khác theo Nghị quyết 110/2023/QH15; đồng thời cần quan tâm bảo đảm giải quyết các trường hợp khiếu nại về bảo đảm đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung nhưng không được hưởng hỗ trợ của Quỹ. |
Về tiêu chí, điều kiện hỗ trợ, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc, làm rõ một số vấn đề như: (i) Số doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo dự thảo Nghị định, dự kiến tổng số tiền cần hỗ trợ tại thời điểm hiện nay, cũng như dự kiến trong tương lai; (ii) Một số khoản hỗ trợ được quy định trong dự thảo theo mức tối đa sẽ dễ tạo ra cơ chế thực hiện không chuẩn mực; (iii) Thiếu sự gắn kết giữa các tiêu chí, điều kiện với khả năng thực hiện kiểm tra, giám sát trên thực tế khi đánh giá, xét duyệt hồ sơ và thực hiện hậu kiểm; (iv) Chưa có quy định về trách nhiệm và hình thức xử lý khi tổ chức, cá nhân xét duyệt hỗ trợ chi phí sai mức, sai đối tượng, có các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ... Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị UBTVQH xem xét, giao Chính phủ rà soát, hoàn thiện để ban hành Nghị định theo thẩm quyền, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương của Đảng, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm việc ban hành và thực hiện chính sách đạt được mục tiêu đề ra. Đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các quy định của OECD khi rà soát chéo và có biện pháp giải quyết các trường hợp khiếu nại của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (nếu có). |
Việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư phải tháo gỡ tối đa nút thắt về thủ tục hành chính |
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Một số ý kiến đề nghị trong dự thảo Nghị định phải quy định rõ về hỗ trợ đầu tư với một số nhóm doanh nghiệp của một số nước khi đầu tư vào Việt Nam, tránh trường hợp có sự phân biệt đối xử với các đối tượng khác, cũng như có cơ chế đối xử công bằng trong hỗ trợ giữa các nhà đầu tư ở các nước khác nhau vào Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp, đúng theo thẩm quyền trên tinh thần đề xuất của một số kiến nghị. Việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư phải tháo gỡ tối đa nút thắt về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát các chính sách phù hợp với các quy định hiện hành; việc sử dụng Quỹ cần hài hòa giữa hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; đảm bảo áp dụng các chính sách một cách minh bạch; cụ thể về đối tượng và mức hỗ trợ, tránh phát sinh cơ chế xin-cho dẫn đến khiếu nại. Mặt khác, việc quản lý Quỹ phải đảm bảo chặt chẽ, nghiên cứu quy trình hỗ trợ đảm bảo minh bạch, khách quan... |
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, UBTVQH cơ bản thống nhất với chủ trương về các nội dung, các hình thức hỗ trợ, khoản hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bồi hoàn, hỗ trợ danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá nguồn tài chính của quỹ. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của UBTVQH và ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh Nghị định… |
|
TV Ảnh: quochoi.vn |