Nâng giá trị hàng hóa khoa học công nghệ lên 30%/năm

Quyết định 1158 giao Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng một số cơ quan chức năng thực hiện chương trình này.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ (KHCN) hàng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỉ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỉ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nâng giá trị hàng hóa khoa học công nghệ lên 30%/năm
Đến năm 2030, tỉ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước

Phát triển tổ chức trung gian của thị trường KHCN: Trên 240 tổ chức trung gian và 6 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KHCN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KHCN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KHCN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KHCN; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KHCN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KHCN; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN…

Xây dựng cơ chế tạo động lực cạnh tranh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Chương trình đặt ra yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KHCN; cơ chế liên thông thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động.

Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KHCN trên thị trường.

Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…

Tại Quyết định, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ thuộc nội dung Chương trình; chủ trì, xây dựng kế hoạch, kinh phí hằng năm để thực hiện Chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và thu hút các nguồn lực đầu tư để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình. Cùng với đó là rà soát, bổ sung các chỉ tiêu, phương pháp thống kê về thị trường khoa học và công nghệ vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bảo đảm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình theo các quy định của pháp luật.