Ngày 24-6-2021 vừa qua, trong khuôn khổ Đại hội thứ 15 của EASE (15th EASE General Assembly and Conference), “sàn đấu” Hiệp hội Các nhà biên tập khoa học châu Âu (European Association of Science Editors - EASE) đã chứng kiến trận so găng quyết liệt giữa hai đối thủ cân tài, cân sức: Chủ tịch chi hội EASE Việt Nam TS. Vương Quân Hoàng (Đại học Phenikaa, Việt Nam) và TS. Haseeb Md. Irfanullah (Ban Biên tập Tạp chí Learned Publishing [JIF = 2.606; CiteScore = 4.6]). Trận so găng nảy lửa này được diễn ra vì quan điểm trái chiều liên quan tới vấn đề: Liệu preprints có thay thế các tạp chí hàn lâm hay không? Đại diện cho EASE Việt Nam, TS. Vương Quân Hoàng bảo vệ cho sự lên ngôi của hệ thống preprints. Là phía đối thủ, nhà nghiên cứu người Bangladesh bảo vệ cho vai trò không thể thay thế của các tạp chí hàn lâm.

Trận đấu thuộc chuỗi các sự kiện chính của đại hội về chủ đề “Thúc đẩy tính bền vững trong xuất bản học thuật: vai trò của các biên tập viên”. Dự khán trận đấu còn nhiều nhân vật quan trọng, như Chủ tịch EASE Duncan Nicholas, Tổng Biên tập của Tạp chí Learned Publish Pippa Smart, hay Bahar Mehmani - chuyên gia về bình duyệt học thuật của Nhà xuất bản Elsevier.

Buổi hội thảo trực tuyến của Chi hội EASE Việt Nam “Bàn tròn học thuật: Quốc tế hóa hoạt động biên tập, phản biện và xuất bản khoa học - những yêu cầu và thách thức mới” diễn ra vào ngày 17-06-2021 cũng thuộc chuỗi sự kiện trên, xoay quanh lý do bị desk-reject (từ chối ngay từ đầu), ảnh hưởng của định kiến về người nộp bài lên quyết định của biên tập viên, quyết định nộp bài bào các tạp chí ngừng chỉ mục và khoa học mở.

TS. Vương Quân Hoàng đã ở thế khó ngay trước khi bắt đầu cuộc đấu, vì sân đấu vang rền tiếng hô từ người hâm mộ, vốn đều là các biên tập viên kỳ cựu, ủng hộ cho quan điểm của TS. Haseeb. Có thể nói, ‘preprint’ có quá nhiều bất lợi trước ‘tạp chí khoa học’, vốn đã trở nên quen thuộc và luôn gắn kèm uy tín, chất lượng.

Lấy trứng chọi đá: Liệu tạp chí khoa học có bị thay thế bởi preprint?
Kết quả khảo sát ở hình 1 hoàn toàn không bất ngờ

Kết quả khảo sát ở hình 1 hoàn toàn không bất ngờ. Preprint dù không phải là khái niệm xa lạ đối với giới hàn lâm, với những cơ sở lưu trữ preprint lớn như arXiv, bioRxiv Social Science Research Network (SSRN) [1], nhưng lại gây nhiều tranh cãi xoay quanh các lợi ích và bất cập của preprint. Không giống như các sản phẩm được đăng trên tạp chí hàn lâm, preprint là các bản thảo chưa qua bình duyệt, được tải lên trên các cơ sở lưu trữ miễn phí cho người đọc. Không bình duyệt thường được coi là một điểm yếu của preprints vì các bản thảo chỉ được xem qua chứ chưa được kiểm tra chất lượng kĩ càng trước khi tải lên cơ sở dữ liệu. Đổi lại, preprint đem lại lợi ích về tốc độ cho tác giả và cùng với đó là các quyền lợi như lượng người đọc, nhanh chóng nhận quyền sở hữu với ý tưởng [2].

Với những ưu điểm trên, TS. Vương Quân Hoàng nêu rõ quan điểm rằng, preprint sẽ thay đổi diện mạo của các tạp chí hàn lâm. Ông cho rằng, quá trình bình duyệt là một “con dao hai lưỡi” với các tạp chí. Bình duyệt đóng vai trò kiểm tra và nâng cao chất lượng bản thảo, đồng thời nó che chắn cho những người bình duyệt khỏi trách nhiệm giải trình khi công bố không đạt chất lượng hoặc bị rút khỏi tạp chí. Các “bình duyệt dỏm” cũng là lý do thường thấy khi rút bài [3]. Trong khi đó, preprint là bước tiến tới khoa học mở, chúng đón chào lời nhận xét từ tất cả mọi người, chứ không chỉ từ những người bình duyệt [4]. Với xu hướng khi các tạp chí đang thay đổi theo preprint hiện nay, TS. Vương Quân Hoàng nhấn mạnh rằng, đây preprint sẽ tạo ra một hệ sinh thái làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng của tạp chí hàn lâm. Với ông, đó là sự tuyệt chủng của hình thái cũ.

Lấy trứng chọi đá: Liệu tạp chí khoa học có bị thay thế bởi preprint?
Gương mặt vui vẻ hai võ sỹ dù không khí đang cam go

Tuy nhiên, vị trí của các tạp chí hàn lâm không dễ dàng bị lung lay trong thế giới khoa học nơi mà câu nói “publish or perish” đã ăn sâu vào văn hoá [5]. Lịch sử lâu bền của tạp chí giúp cho lớp phòng thủ của TS. Haseeb kiên cố như bức tường thành Troy và cũng làm bật lên câu hỏi: Liệu preprint có đủ bền để triệt hạ các tạp chí không? Theo TS. Haseeb, mô hình không lợi nhuận của các cơ sở lưu trữ preprint không có tính bền vững, nên preprint khó có thể tạo ra sức phá uy lực đến nỗi thay đổi tình hình trong tương lai gần. Ngoài ra, các tạp chí cũng đang cải tiến để phù hợp và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học và cộng đồng hơn. Dù mang lại rất nhiều lời ích, nhưng preprint cũng có thể khuyến khích việc đưa ra các thông tin sai lệch, xuyên tạc hoặc sử dụng preprint sai mục đích [6].

Không khí như nóng lên vì các câu hỏi về quá trình bình duyệt từ khán giả, những người cho rằng đó là điểm yếu của preprint và những người nghĩ rằng, tạp chí chưa làm tròn vai trò giữ cổng. TS. Haseeb cho rằng, điều này có thể giải quyết bằng cách làm quá trình bình duyệt trở nên hiệu quả hơn. TS. Vương Quân Hoàng không đồng tình với quan điểm này. Vì hiện nay các hệ thống xuất bản cải tiến hệ thống bằng cách đặt thêm trách nhiệm lên vai nhóm bình duyệt vốn đã ít ỏi, sẽ khó có chuyện quá trình xuất bản bình duyệt và xuất bản trở nên hiệu quả hơn với số lượng bảo thảo tăng theo cấp số nhân.

Định nghĩa của việc xuất bản cũng gây tranh cãi. TS. Haseeb đại diện phía tạp chí hàn lâm giới hạn sân đấu lại bằng khái niệm xuất bản tham khảo từ quyết định của giới học thuật, hoặc ngành công nghiệp xuất bản. Định nghĩa này nhận ngay một đòn hiểm từ phía đối diện: “Có bao nhiêu công bố khoa học về tiền ảo làm chao đảo cả thị trường bằng mấy chữ của Elon Musk?”. Đến đây, trọng tài tuýt còi dừng trận.

Trận đấu chỉ kéo dài một giờ đồng hồ, nhưng đủ để gợi nên nhiều suy nghĩ. Trận đấu đưa ra những khó khăn, thách thức cần được giải quyết của tạp chí hàn lâm và preprint. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất trong ngành xuất bản khoa học. Vì vậy, đại hội cũng tổ chức các buổi thảo luận về các chủ đề khác dưới dạng buổi thảo luận, tranh luận, thuyết trình. Các chủ đề có thể là vấn đề giới, văn hoá, địa lý trong xuất bản khoa học. Cách đối mặt với khó khăn khi biên tập trong thời gian dịch bệnh và trách nhiệm của các biên tập viên cũng là chủ đề được nói tới. Ngoài ra, cũng có các buổi workshop đào tạo về thống kê, kỹ năng viết… dành cho người tham gia. Chi tiết về Đại hội lần thứ 15 của EASE có thể tìm hiểu thêm tại: https://ease.org.uk/ease-events/15th-ease-conference-2021/. Tài liệu được sử dụng tại buổi tranh luận có thể tham khảo tại [7] và [8].

Tài liệu tham khảo:

[1] SSHPA. (2018). Các hệ thống lưu trữ bản thảo Preprint Servers. URL: https://sc.sshpa.com/post/4301

[2] Vuong, Q. H. (2020). The rise of preprints and their value in social sciences and humanities. Science Editing, 7(1), 70-72.

[3] Vuong, Q. H., et al. (2020). Characteristics of retracted articles based on retraction data from online sources through February 2019. Science Editing, 7(1), 34-44.

[4] Vuong, Q. H. (2017). Open data, open review and open dialogue in making social sciences plausible. Nature: Scientific Data Updates.

[5] Neill, U. S. (2008). Publish or perish, but at what cost?. The Journal of clinical investigation, 118(7), 2368-2368.

[6] Irfanullah, H. M. (2021). So, what does resilience mean for scholarly publishing?. Learned Publishing, 34(1), 57-63.

[7] Vuong, Q.-H. (2021). EASE 15th Conference Debate - Journals face the risk of extinction. Preprints prevail!. https://doi.org/10.31219/osf.io/t83ab

[8] Haseeb, M.-I. (2021). EASE 15th Conference Debate - Preprints are 'not' going to replace journals. https://www.researchgate.net/publication/352708083_Preprints_are_'not'_going_to_replace_journals