Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng và phục hồi Trong không khí chào mừng năm mới 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đôi điều về những nỗ lực mà đất nước đã đạt được qua năm 2021 đầy gian khó do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và một vài nhận định trong năm 2022. |
BỨC TRANH KINH TẾ NĂM 2021 VÀ BƯỚC “CHUYỂN” MANG TÊN NGHỊ QUYẾT 128 |
PV: Từ chủ trương “Zero Covid” sang thích ứng, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam, nhờ đó, đã có những bước phục hồi tích cực trong quý IV năm 2021. Thưa Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ông nhìn nhận như thế nào về từ khóa “Thích ứng” của năm 2021 và sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt này? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là làn sóng thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4, đến tháng 7 thì lan rộng tại các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm cả 2 đầu đất nước. Một loạt các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp và thu ngân sách, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai... phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều tháng liên tục. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, thời điểm giãn cách xã hội, Thành phố chỉ có 2.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp toàn Thành phố. Dịch bệnh với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc Chính phủ phải chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điều này khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, sức mua giảm mạnh, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quý III/2021, lần đầu tiên, đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng giảm tới 24,39%. Trong quý này, cả nước có tới hơn 1,8 triệu người thiếu việc làm, tăng 700 nghìn người so với quý trước đó. Theo đó, tăng tưởng kinh tế cả nước quý III giảm mạnh tới 6,17% - là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý đến nay. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Tuy nhiên, với tinh thần quyết liệt chống dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã thực hiện một bước chuyển chính sách, thay đổi đối sách từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021, đã đưa ra quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP là hết sức phù hợp trong điều kiện Đất nước vừa qua. Nghị quyết đã đưa ra các biện pháp đáp ứng vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế; giao các bộ, ngành sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương cũng căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất. Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; GDP quý IV/2021 đã tăng trưởng trở lại, nền kinh tế dần phục hồi và có nhiều điểm sáng, trong đó, rõ nhất là hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người dân ổn định trở lại, dần hòa nhịp với trạng thái bình thường mới. |
Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; GDP quý IV/2021 đã tăng trưởng trở lại, nền kinh tế dần phục hồi và có nhiều điểm sáng, |
PV: Năm 2021 ghi một dấu ấn rất đặc biệt trong chu kỳ phát triển của kinh tế Việt Nam khi nước ta phải trải qua những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19. Xin Thứ trưởng đánh giá một vài điểm nhấn trong bức tranh kinh tế năm 2021? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Có thể nói, với sự “thích ứng” cùng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2021 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2021 phục hồi mạnh mẽ với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 0,38 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%, đóng góp 2,28 điểm % và khu vực dịch vụ tăng 5,42%, đóng góp 2,57 điểm %. Kết quả hồi phục kinh tế quý IV ở cả 3 khu vực đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2,58%, đây là mức tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn khi các nguồn lực phải ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, hoạt động xuất - nhập khẩu ghi nhận tín hiệu rất lạc quan khi tiếp tục vượt kỷ lục của năm 2020. Quý IV/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, tăng 18,1%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 89,1 tỷ USD, tăng 16,0%. Cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 335,2 tỷ USD, tăng 18,6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5%. Tính chung, kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2021 của nước ta đạt khoảng 668 tỷ USD. Điều đáng lưu ý là, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực năm 2021 thuộc về khu vực FDI, như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,3%; Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 98,1%; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng chiếm 93,0%; Hàng dệt may chiếm 61,7%; Giầy dép các loại chiếm 79,3%. Tỷ trọng nhập khẩu cũng phần lớn thuộc về khu vực FDI, cụ thể: khu vực FDI đạt 218,3 tỷ USD, tăng 29,2%, khu vực trong nước đạt 114,0 tỷ USD, tăng 21,7%. Điều này cho thấy, năng lực sản xuất của khu vực FDI vẫn còn rất tốt, sức chống chịu của các doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. |
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2022 |
PV: Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6,0%-6,5%. Trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều điểm khó lường, xin Thứ trưởng cho biết, đâu là những động lực chính và cần có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch Covid-19 có thể phức tạp hơn, sự xuất hiện của các biến chủng mới như Omicron tiếp tục tạo ra những thách thức mới, khiến những ngành dịch vụ thị trường hầu như chưa thể khôi phục hoàn toàn trong năm 2022. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng, ngành dịch vụ năm 2022 sẽ phát triển tốt hơn năm 2021, nhờ việc người dân, doanh nghiệp thích ứng tốt hơn trong điều kiện bình thường mới. Thách thức còn đến từ việc nền kinh tế thế giới có khả năng hồi phục, nhưng chưa vững chắc, phục hồi không đồng đều và rủi ro, bất ổn vẫn tiếp tục gia tăng… Tuy nhiên, đi qua một năm 2021 khó khăn, nhiệm vụ của năm 2022 là chúng ta phải tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng cho bước phát triển mới nhằm đạt các mục tiêu trung và dài hạn trong phát triển Đất nước mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra. Bối cảnh của năm 2022 đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế sớm bước vào quỹ đạo hồi phục vững chắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là Cơ quan tham mưu, tổng hợp của Chính phủ, đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023”, để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường đầu năm 2022. Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế... Trước đó, “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” cũng đã được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước… Đây cũng sẽ là một động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho kinh tế phục hồi và tăng tốc. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... mà Việt Nam tích cực tham gia được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc... Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong năm 2022, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, có đầu tư thông qua các hoạt động M&A vào Việt Nam. Để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi bền vững, hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh đã và đang không ngừng được hoàn thiện. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Có thể nói, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,0-6,5% năm 2022 là khá thách thức, nhưng không phải là không thể đạt được. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết 01, để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào những ngày đầu năm 2022. Khi các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 được ban hành sẽ tạo nền tảng quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhằm đưa nền kinh tế sớm về đích kế hoạch 2022. |
PV: Xin Thứ trưởng chia sẻ một số giải pháp cụ thể mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhằm thúc đẩy nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm tới? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2022, để đạt được mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, cần kiểm soát dịch bệnh. Đây là điều kiện đầu tiên và tiên quyết. Chỉ khi Việt Nam kiểm soát tốt được dịch bệnh, thì mới có thể hạn chế tối đa thiệt hại, giảm chi phí khắc phục và tiến hành khôi phục các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Thứ hai, khai thác tốt thị trường trong nước. Thị trường nội địa vẫn sẽ là “điểm tựa” an toàn để các doanh nghiệp Việt Nam duy trì hoạt động, chuẩn bị tốt để tham gia khi thị trường thế giới ổn định trở lại. Với quy mô dân số gần 100 triệu dân là thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Ngoài ra, để có thể kích thích tiêu dùng, vực dậy sản xuất cũng cần phải tập trung vào đầu tư công, phát triển một số ngành mũi nhọn, tạo nên việc làm kéo theo một số ngành liên quan, giúp nền sản xuất trong nước phát triển. Vốn đầu tư công sẽ là động lực lớn, góp phần thúc đẩy, thu hút và lan tỏa đầu tư, tạo động lực, nền tảng cho phát triển và dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong thời gian tới. Thứ ba, triển khai giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và việc làm. Cụ thể, cần triển khai sớm và hiệu quả giải pháp hỗ trợ và kích thích kinh tế cho khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, do phải tạm dừng, tạm hoãn hoạt động trong thời gian giãn cách vừa qua. Các chính sách này sẽ là bệ đỡ hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục nhanh hơn, ổn định, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế dần ổn định và phát triển đi lên. Thứ tư, khai thác và thực hiện hiệu quả hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hiệp định, như: EVFTA, RCEP… đang đem đến nhiều cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, thúc đẩy thương mại và đầu tư của Việt Nam. |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 có nhiều nguyên nhân |
ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022: SẼ CÓ NHIỀU THAY ĐỔI SO VỚI NĂM 2021 |
PV: Năm 2021, tình hình giải ngân đầu tư công không đạt như kỳ vọng, dù Chính phủ đã rất quyết liệt và các địa phương cũng rất nỗ lực. Những yếu tố khác biệt nào trong tình hình giải ngân năm 2021 so với năm 2020, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề được nhiều người quan tâm, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2021- năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên theo dõi sát tình hình, cập nhật báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để ra các quyết định điều chỉnh, yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tiến độ giải ngân trong bối cảnh của năm 2021 mặc dù có điểm giống năm 2020 là bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố mới. Một là, cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư công cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19. Đầu tư công cũng phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công, do vậy trong bối cảnh giãn cách cũng bị ảnh hưởng nhiều. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều này thể hiện rõ nhất. Hai là, đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện các chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh của mình. Vì thế, tỷ lệ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020, phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Do vậy, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp rất nhiều khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình triển khai được “3 tại chỗ”, nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công gặp khó khăn. Một yếu tố khác biệt nữa của năm 2021 so với năm 2020 là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký và việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi thực hiện dự án. Yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 còn có sự phân tán về lực lượng, cũng như thời gian vật chất của công tác chỉ đạo điều hành. Ngoài ra, năm 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Do vậy, những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Những tháng đầu năm 2021, hầu hết các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 chưa thực hiện được mà phải chờ Quốc hội phê duyệt Kế hoạch trung hạn 2021-2025. PV: Qua thực tế kiểm tra, giám sát đầu tư công năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rút ra những hạn chế nào trong hoạt động giải ngân đầu tư công và những lưu ý trong công tác này năm 2022 là gì, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020, trong đó vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương tăng 0,9%, vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương tăng 1,9% so với kế hoạch năm 2020. Tuy nhiên, thực tế, trong năm 2021, vốn thực hiện từ nguồn NSNN năm 2021 ước tính đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm 8,6% so với năm trước (năm 2020 bằng 90,5% và tăng 33,6%). Vốn trung ương quản lý đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 8,2% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 351,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85% và giảm 8,7%. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 có nhiều nguyên nhân; ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh diễn biễn phức tạp, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể như: công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, mất nhiều thời gian; năng lực, kinh nghiệm của một số ban quản lý, nhà thầu còn kém; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế… Thực tế cho thấy, trong cùng mặt bằng chính sách, cùng khó khăn chung, tỷ lệ giải ngân của các địa phương rất khác nhau, nhiều địa phương trên cả nước vẫn giải ngân tốt. Cụ thể, tại 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 6 (do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng), kết quả giải ngân cũng có nhiều khác biệt; có địa phương giải ngân ngân sách địa phương cao, ngân sách trung ương thấp, có địa phương, thì ngược lại. Thực tế đó cho thấy, nguyên nhân chính là do tổ chức chỉ đạo, điều hành của mỗi địa phương. Việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác. Năm 2022, hoạt động đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực rất quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo đó, công tác chỉ đạo điều hành hoạt động đầu tư công năm 2022 sẽ rất quyết liệt. Việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải rút kinh nghiệm từ năm 2021. Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề còn lại nằm ở giao kế hoạch chi tiết của bộ, ngành, địa phương cho các dự án, theo quy định là trước 31/12 của năm trước năm kế hoạch. Nếu làm tốt phân bổ chi tiết vốn trước 31/12, công tác thực hiện giải ngân được hỗ trợ rất nhiều và ngay đầu năm 2022 đã có thể giải ngân, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã quyết nghị rõ nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện. Nếu triển khai theo đúng Nghị quyết, thì cũng sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm. Về thể chế, chính sách, Dự án 1 luật sửa 8 luật dự kiến được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường sắp tới. Khi luật này được thông qua, sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục và phân cấp mạnh hơn. Ngoài ra, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 16/12/2021 cũng đơn giản hóa nhiều thủ tục, thời gian, gỡ một số vướng mắc ảnh hưởng tiến độ giải ngân của dự án ODA. Còn Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư đang được hoàn thiện để báo cáo cấp thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, với kỳ vọng tháo gỡ được một trong những nút thắt chính làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong nhiều năm qua. Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng. Kính chúc Thứ trưởng một năm mới an khang, hạnh phúc! |