Lái xe phải xét nghiệm 3 lần

Dẫn phản ánh về tình hình kiểm dịch tại chốt Cửa khẩu Móng Cái của các doanh nghiệp vận tải, VLA cho biết hiện nay, xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa XNK với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần, trong đó có 3 lần xét nghiệm PCR và 1 lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Cụ thể, lần thứ nhất, khi đi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu theo chỉ đạo tại công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Nặng gánh chi phí, doanh nghiệp kiến nghị giảm xét nghiệm cho lái xe qua cửa khẩu
Yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến ba lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều

Lần thứ hai, lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái theo yêu cầu tại công văn 4227/UBND-VP ngày 06/9/2021 của UBND thành phố Móng Cái. Lần thứ ba, lái xe tiếp tục phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu theo hướng dẫn tại công văn 3577/UBND-BQLCK ngày 3/8/2021 của UBND thành phố Móng Cái. Hiệp hội VLA khẳng định cần thực hiện các quy định phòng dịch phù hợp với quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về việc chấp nhận xét nghiệm cho lái xe bằng cả hai phương pháp PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Mặc dù vậy, việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến ba lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe. “Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ ba bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc ngày hôm sau mới được rời đi sau khi nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19. Việc này làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, hữu hình và vô hình, khi phương tiện, người lái và hàng hóa phải lưu giữ ở khu vực cửa khẩu chờ kết quả xét nghiệm. Doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái”, VLA nhấn mạnh.

Thêm gánh nặng chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp

Được biết, nguyên nhân được phía địa phương nêu ra là nhằm đáp ứng yêu cầu để có thể xuất khẩu được hàng nông sản qua cửa khẩu. Dù vậy, việc địa phương không có sự lý giải rõ ràng về yêu cầu lần xét nghiệm PCR thứ 3 khi xe ra khỏi Móng Cái là vì lý do gì khiến các doanh nghiệp vẫn rất băn khoăn.

Không chỉ riêng tại Móng Cái, trước đó, nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh về Hiệp hội cho biết, tại trạm chốt đầu tỉnh Lạng Sơn cũng có tình trạng kể cả lái xe mới lấy kết quả xét nghiệm PCR cách vài tiếng thì cũng vẫn phải làm test nhanh và trả phí xét nghiệm 230 nghìn đồng thì mới được vào địa phương. Thậm chí có tình trạng "bắt nạt" lái xe tùy xe khiến nhiều phương tiện vẫn gặp khó khăn khi vào tỉnh. Tình trạng này chỉ được khắc phục sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, tại trạm đầu tỉnh và cửa khẩu khác tại Lạng Sơn đã dừng việc yêu cầu bắt buộc xét nghiệm nhanh mới được vào địa phương. Tuy nhiên, tại Móng Cái, tình trạng được các doanh nghiệp phản ánh lại mới đây là dù các doanh nghiệp đã tha thiết kiến nghị song địa phương vẫn giữ nguyên quyết định, thậm chí không những không giảm bớt số lượt xét nghiệm mà còn tăng giá tiền, mở rộng đối tượng xét nghiệm sang cả hàng hóa, phương tiện vận chuyển, đây là điều khiến các doanh nghiệp rất lo ngại.

Trong động thái mới đây nhất, đáng chú ý, UBND Móng Cái tiếp tục ban hành công văn gửi các cơ quan hữu quan trên địa bàn cùng các doanh nghiệp về việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, theo công văn này, sẽ tổ chức rà soát, đánh giá và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa và phương tiện đến từ vùng dịch vận chuyến hàng hóa xuất nhập khấu tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên đế chủ động tầm soát Virus Sars-CoV-2; vị trí lấy mẫu cụ thế: Tay nắm cửa xe, vô lăng, thành trong Container, bề mặt bao bì, bao gói hàng hóa, hàng hóa,...

“Trường họp doanh nghiệp, cư dân biên giới không thực hiện xét nghiệm tầm soát Virus Sars-CoV-2 sẽ tự chịu trách nhiệm và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố”, công văn của UBND Thành phố Móng Cái nêu rõ. Như vậy, việc xét nghiệm giờ đây không những không giảm mà còn tiếp tục mở rộng sang xét nghiệm cả hàng hóa và phương tiện vận tải khiến các doanh nghiệp lại thêm nỗi lo tăng gánh nặng chi phí và thời gian.

Cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm để giảm chi phí

Trước tình hình này, để đảm bảo thực hiện phòng chống dịch hiệu quả và an toàn, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thông suốt, Hiệp hội VLA cùng các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức xem xét, thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô qua địa phận tỉnh Quảng Ninh và cửa khẩu Móng Cái phù hợp với hướng dẫn của Bộ Giao thông-Vận tải. Cụ thể, Hiệp hội VLA kiến nghị không yêu cầu xét nghiệm lái xe lần thứ ba như đang quy định tại công văn của địa phương. “Quy định này đang gây ra rất nhiều phiền hà cho lái xe, doanh nghiệp vận tải vì phải lưu giữ hàng hóa, phương tiện và người lái tại khu vực cửa khẩu để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 rồi mới được rời đi. Điều này đang làm gia tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vì phải tụ tập đông người tại khu vực cửa khẩu”, kiến nghị của VLA nêu rõ. Bên cạnh đó, VLA đề xuất không yêu cầu xét nghiệm lần thứ hai nếu kết quả xét nghiệm của lái xe vẫn còn trong thời giạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm.

Nhận định về tình trạng này, đại diện một doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng lâu nay, các ban ngành và địa phương đã nhân danh việc phòng chống dịch bệnh để đưa ra các quy định đối với hoạt động lưu chuyển hàng hóa bằng đường bộ không phù hợp với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu cơ bản của nhân dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, vấn đề xét nghiệm lái xe hiện đang được các địa phương áp dụng không đồng nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn két quả xét nghiệm.

“Chi phí xét nghiệm lái xe phục vụ việc lưu chuyển hàng hóa hiện là một chi phí rất lớn. Với khoảng 200.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong vòng 72 giờ, tính ra chi phí xét nghiệm cho một lái xe vào khoảng 2.000.000 đồng/tháng, lớn hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng. Với một đội xe khoảng 150 đầu xe như tại doanh nghiệp, chi phí xét nghiệm lái xe đang ở mức 300 triệu đồng/tháng và chúng tôi đã phải chi trả chi phí này trong khoảng 18 tháng nay”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm. “Nếu quy định này được thực hiện thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Ước tính với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp trên cả nước đang phải xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần thì chính sách này có ý nghĩa với doanh nghiệp không kém bất kỳ một gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay”, lãnh đạo doanh nghiệp trên khẳng định.

Trên thực tế, một số địa phương như Bắc Giang đã hướng dẫn cho công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả xét nghiệm để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã để người dân tự xét nghiệm và sử dụng kết quả cho công tác phòng chống dịch bệnh. “Về phía người dân và doanh nghiệp, không có một cá nhân và tổ chức nào có động cơ che dấu trình trạng sức khỏe của mình và nhân viên của mình. Với những kinh nghiệm thực tế đã có, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng này của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết 105/NQ-CP”, đại diện doanh nghiệp trên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần thống nhất các quy định tại các địa phương về việc xét nghiệm, tránh tình trạng bất nhất mỗi nơi ban hành một chính sách riêng khiến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó.