eMagazine
Nếu có quy hoạch tốt, Hà Giang sẽ tranh thủ được cơ hội để có sức bật mới!

17:30 | 20/04/2022

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu bật điều này tại Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nếu có quy hoạch tốt, Hà Giang sẽ tranh thủ được cơ hội để có sức bật mới

Nếu có quy hoạch tốt, Hà Giang sẽ tranh thủ được cơ hội để có sức bật mới!

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu bật điều này tại Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo diễn ra chiều ngày 19/4/2022 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh. Thứ trưởng Trần Quốc Phương, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham dự Hội thảo.

Lựa chọn thế nào để giúp Hà Giang phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

Hà Giang là tỉnh biên giới, địa đầu của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và chủ quyền lãnh thổ và là một trong những cửa ngõ chính cho hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN khác thông thương với thị trường Trung Quốc, động lực cho phát triển thương mại, dịch vụ trên cơ sở liên kết hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN. Hà Giang cần tiếp tục phát huy hiệu quả việc hợp tác với nước bạn Trung Quốc, góp phần cùng với cả nước phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Hà Giang chiếm hơn 1/3 diện tích tiểu lưu vực sông Lô, sông Gâm trong ranh giới Việt Nam 35. Đây là vùng đầu nguồn quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, là lá chắn ngăn chặn lũ quét, lũ ống cho các vùng hạ lưu như Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Đây là sứ mệnh quốc gia của tỉnh Hà Giang vì thế, Hà Giang cần được sự quan tâm, hỗ trợ thoả đáng cho việc hoàn thành sứ mệnh này.

Hà Giang nổi tiếng là nơi có đồi núi cao trùng điệp, nhiều thung lũng, cảnh sắc tự nhiên tuyệt đẹp, những địa danh du lịch nổi tiếng (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Cổng Trời…), có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, với những nét văn hóa đặc trưng, phương thức canh tác đặc biệt trên đá, trên các thửa ruộng bậc thang... cùng với nhiều sản phẩm nông nghiệp được ưa chuộng (chè Shan tuyết - Tây Côn Lĩnh, lúa nếp đặc sản - Đồng Văn, hồng không hạt - Quản Bạ, Yên Minh…) là tiềm năng quan trọng để Hà Giang phát triển trở thành trung tâm du lịch lớn ở biên giới phía Bắc, một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, và của cả nước, cầu nối giao thoa văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, cùng với đó là bảo vệ cho được vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.

Trong tổng thể phát triển vùng và cả nước, Hà Giang là địa bàn chiến lược về đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; Là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh quan trọng, là cầu nối giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam & hành lang biển Đông, giữa các nước Asean và các nước Đông Bắc Á; Là địa bàn chiến lược về bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và của quốc gia; Là địa bàn trọng điểm về du lịch của Vùng Trung du & miền núi phía Bắc và của cả quốc gia; Là địa phương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về thúc đầy giảm nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân tộc và các vùng khác nhau của đất nước, bảo vệ ngôn ngữ, chữ viết riêng, gìn giữ bản sắc dân tộc & nuôi dưỡng các phong tục, truyền thống và văn hóa tốt đẹp.

Nếu có quy hoạch tốt, Hà Giang sẽ tranh thủ được cơ hội để có sức bật mới
Quy hoạch tốt sẽ bố trí được nguồn lực mới, yếu tố mới, giúp Hà Giang phát triển bứt phá. Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao cách làm tốt, vừa giao cho các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện nhưng có sự lãnh đạo sát sao của Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, không ai hiểu tỉnh mình hơn người trong tỉnh mình, phải sát sao ngay từ đầu thì sau này mới triển khai thực hiện tốt được.

Gợi ý một số nội dung cần thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bản chất Hội thảo lần này là làm rõ chúng ta đã tích hợp quy hoạch thế nào? Nhiều cơ hội mới, yếu tố mới đã nhận thức rõ chưa? Những điểm nghẽn, thách thức đối với Hà Giang là gì? Cái gì chưa tương xứng với tiềm năng?

Bộ trưởng khẳng định rằng, nhận thức được điều đó sẽ bố trí được nguồn lực mới, yếu tố mới, giúp Hà Giang phát triển bứt phá.

Nếu có quy hoạch tốt, Hà Giang sẽ tranh thủ được cơ hội để có sức bật mới

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn. Ảnh: MPI

Chúng ta có kế hoạch 5 năm, 10 năm, chiến lược quốc gia, rồi quy hoạch vùng…, nên phải áp dụng và lựa chọn như thế nào để định hướng và phân bổ không gian, phân bổ nguồn lực giúp Hà Giang phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

đến năm 2050: tỉnh Hà Giang Phát triển xanh, bản sắc và bền vững

Trình bày tóm tắt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chỉ rõ, Quy hoạch là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; đồng thời, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí không gian đáp ứng các nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

Các mục tiêu cụ thể:

- Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,3%/năm; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8,0%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 8,6%/năm; kinh tế số đạt khoảng 20% GRDP.

- Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, tương đương 3.400 USD, bằng 45% so với cả nước.

- Tỷ lệ đô thị hóa: Đến năm 2025 đạt 25,7% ; đến năm 2030 đạt 32,0%; đến năm 2050 đạt khoảng 45,0%.

- Năng suất lao động tăng bình quân 6,90%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng 7,28%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Chung giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng năng suất lao động đạt 7,1%/năm.

- Thu ngân sách: Phấn đấu mức thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 4.000 tỷ đồng; đến năm 2030, thu ngân sách trên địa bàn trên 7.000 tỷ đồng.

- Lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 3 triệu khách vào năm 2025 và 5 triệu lượt khách vào năm 2030; tổng doanh thu ngành du lịch đến năm 2030 đạt khoảng 17.000 tỷ đồng.

Đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của Tỉnh và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước, trước hết là kết nối giữa tỉnh Hà Giang với các tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Xây dựng quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của Hà Giang so với các địa phương lân cận trong khu vực, có tuyến đường biên giới dài thuận lợi cho giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc; chú trọng nghiên cứu phát triển một số nhóm ngành, lĩnh vực...

Dự thảo Quy hoạch đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Hà Giang trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, điển hình về giảm nghèo bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang là một vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững “tỉnh Hà Giang xanh, bản sắc, kết nối, no ấm, vững bền”, có quy mô dân số khoảng 1,2 - 1,25 triệu người, trong đó khoảng 45% dân số sống tại 29 đô thị (phân bố hệ thống đô thị thành nhiều cấp, kết hợp giữa cải tạo đô thị cũ và xây dựng đô thị mới phù hợp với đặc thù riêng của từng vùng, trong đó TP Hà Giang là hạt nhân chính, thành phố du lịch quốc tế vùng cao), 55% dân số còn lại sống tại các vùng nông thôn với môi trường sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc được phục vụ bởi hệ thống kết cấu hạ tầng tiên tiến và hiệu quả.

Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Mục tiêu là: “Phát triển xanh, bản sắc, bền vững” với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

- Bản sắc: Một trọng điểm du lịch hấp dẫn của quốc gia với một nền văn hóa văn minh, giàu bản sắc, phát triển kinh tế sinh thái dựa trên phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc hữu; một vùng cảnh quan thiên niên tươi đẹp, hùng vĩ gắn với bảo tồn nguồn vốn rừng của quốc gia và hệ giá trị đặc hữu của thiên nhiên Hà Giang. Phát triển mũi nhọn kinh tế du lịch, làm nền tảng để kích thích phát triển và liên kết cộng sinh các ngành lĩnh vực.

- Bền vững: Hà Giang là một vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc; một “chốt chặn” mạnh đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đô thị và nông thôn phát triển cân bằng “Đô thị xanh - nông thôn sinh thái”. Có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, kết nối thông suốt liên tỉnh, liên vùng.

Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại, hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic. Các khu đô thị được hình thành và mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng, kiến trúc bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang còn là một trung tâm kinh tế tổng hợp quan trọng của Vùng, một trọng điểm du lịch hấp dẫn của quốc gia với một nền văn hóa văn minh, giàu bản sắc, nền kinh tế tăng trưởng theo hướng thân thiện môi trường, có cơ cấu kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo toàn và lưu giữ được vốn rừng (đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng là 60%), những vùng cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, những di tích lịch sử - cách mạng và bản sắc văn hóa các dân tộc; một “chốt chặn” mạnh đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Các định hướng về việc tổ chức hệ thống “đô thị xanh - nông thôn sinh thái”, khu chức năng đặc thù và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và định hướng phát triển ngành, lĩnh vực trong địa giới hành chính tỉnh Hà Giang được tích hợp vào nội dung quy hoạch tỉnh Hà Giang tạo nên một bản quy hoạch hoàn thiện, thống nhất giữa các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch khi lập riêng lẻ. Nhờ đó, quy hoạch đảm bảo được mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành và toàn Tỉnh.

cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung trong dự thảo quy hoạch

Dự thảo quy hoạch của tỉnh Hà Giang đã nhận được các ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu là các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Các ý kiến đánh giá cao nội dung dự thảo quy hoạch, bám sát quy định, đưa ra những tiềm năng, lợi thế, khó khăn của Tỉnh và cho rằng, báo cáo lập quy hoạch cần cập nhật bổ sung các văn bản căn cứ pháp lý; tập trung đánh giá thực trạng để làm nổi bật lên tiềm năng, thế mạnh, ưu thế và đã được khai thác như thế nào, nguyên nhân tại sao.

Các ý kiến đồng thời làm rõ bối cảnh phát triển, đặc biệt là bối cảnh tác động đến Hà Giang để thực hiện định hướng phát triển xanh và bền vững; phát triển theo hướng bao trùm, lo cho an sinh của người dân; làm rõ kết nối không gian chung, không gian kinh tế; làm rõ giữa bảo tồn và phát triển; kịch bản tăng trưởng; dự án ưu tiên; phương hướng nhiệm vụ của các ngành, tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững. Về chuyển đổi số, để phát triển nhanh Tỉnh cần thực hiện chuyển đổi số trong du lịch và nông nghiệp nếu muốn phát triển nhanh. Về các cực, trục phát triển

Cụ thể, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của tỉnh Hà Giang trong công tác xây dựng, hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nội dung quy hoạch của Tỉnh cơ bản đã bám sát quy định của pháp luật về quy hoạch, được xây dựng công phu với 33 báo cáo chuyên đề, có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, tích hợp tổng hợp đa ngành. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung phù hợp với địa hình, khí hậu, hiện trạng không gian.

Nếu có quy hoạch tốt, Hà Giang sẽ tranh thủ được cơ hội để có sức bật mới
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang tại Hội thảo

Chuyên gia Cao Viết Sinh chỉ rõ, dự thảo Quy hoạch cần được tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, các dự thảo báo cáo theo đúng quy định; cập nhật bổ sung các văn bản căn cứ pháp lý và nghiên cứu; bối cảnh phát triển, đặc biệt là bối cảnh tác động đến Hà Giang, hướng đến phát triển xanh và bền vững; phát triển theo hướng bao trùm, lo cho an sinh của người dân; làm rõ kết nối không gian chung, không gian kinh tế; làm rõ giữa bảo tồn và phát triển; kịch bản tăng trưởng: làm rõ mục tiêu phát triển; dự án ưu tiên; phương hướng nhiệm vụ của các ngành.

quan trọng là Hà Giang phải định vị được mình đang ở đâu và đi như thế nào?

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến góp ý sâu sắc, xác đáng, toàn diện, giúp Tỉnh hoàn thiện Dự thảo đạt yêu cầu đề ra; đánh giá cao tỉnh Hà Giang trong công tác chỉ đạo xây dựng lập quy hoạch; tài liệu được chuẩn bị công phu, số liệu phong phú, bám sát nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

"Điều quan trọng là Hà Giang phải định vị được mình đang ở đâu, có cái gì, muốn gì và đi như thế nào và bao giờ đến và đến bằng cách nào? Trong bối cảnh nhiều yếu tố mới, kinh tế cửa khẩu, du lịch chưa phát triển vì chưa có giao thông kết nối. Do vậy, việc lập quy hoạch phải tính tầm nhìn và có yếu tố mới để tạo ra đột phá, tăng trưởng cao", Bộ trưởng lưu ý.

Về quan điểm, Bộ trưởng lưu ý, tỉnh Hà Giang cần rà soát lại, xác định đâu là động lực, đột phá và cơ sở để tạo đột phá; đâu là quan điểm để phát triển nhanh và bền vững?

Theo đó, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tập trung vào 3 điều: giữ đất, giữ rừng, giữ dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Để phát triển, Hà Giang cần có quan điểm rõ ràng, đi vào từng phân khúc, tạo thế mạnh riêng sẽ tạo ra sự khác biệt, có tính cạnh tranh để có hướng đi sắc nét hơn. Phát triển du lịch xanh và bền vững, nhưng phải đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và quốc phòng. Đồng thời tận dụng hết các lợi thế của địa phương…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh, qua đó xem xét áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh giao cho UBND tỉnh, các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các nội dung góp ý với quyết tâm cao nhất việc quy hoạch của tỉnh nằm trong nhóm chất lượng của các địa phương. Đồng thời mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ Hà Giang phát triển hạ tầng giao thông, như: Tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nâng cấp, mở mới các tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh cũng như các tuyến Quốc lộ qua tỉnh Hà Giang như QL.4C đi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, QL.34, QL.279, QL.4 … Hỗ trợ đầu tư các hồ dự trữ nước dung tích lớn cho tỉnh Hà Giang để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các huyện vùng cao; bổ sung Hà Giang vào quy hoạch các điểm đầu tư hệ thống logistics để thu hút đầu tư hạ tầng thương mại biên giới; tạo điều kiện thuận lợi để Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông - lâm sản, du lịch của vùng, quốc gia để kết nối các chuỗi giá trị quốc tế; tiếp cận các nguồn lực quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển lao động, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của tỉnh Hà Giang trong công tác xây dựng, hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nội dung quy hoạch của Tỉnh cơ bản đã bám sát quy định của pháp luật về quy hoạch, được xây dựng công phu với 33 báo cáo chuyên đề, có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, tích hợp tổng hợp đa ngành. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung phù hợp với địa hình, khí hậu, hiện trạng không gian.

An Nhi

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 17:30 | 20/04/2022