Theo VBMA, trong tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành đạt 28.410 tỷ đồng; 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước, với tổng giá trị 500 tỷ đồng (của Công ty cổ phần Glexhomes) và 1 đợt phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế của Công ty cổ phần Bất động sản BIM, với giá trị phát hành 200 triệu USD.

Tháng 5/2021 có 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công. Nguồn: VBMA

Đáng chú ý, tiếp nối vị trí là nhà phát hành huy động lượng vốn trái phiếu lớn nhất trong tháng 4/2021, với tổng giá trị phát hành đạt 15.189 tỷ đồng, trong tháng 5 vừa qua, nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai, với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.

Cơ cấu phát hành trái phiếu theo kỳ hạn phát hành và theo nhóm ngành. Nguồn: VBMA

Như vậy, trong 2 tháng đầu của quý II/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng, trong đó có 5.574 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, còn lại phần lớn trái phiếu tổ chức tín dụng phát hành có kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất từ 3,7-4,2%/năm. Điển hình như: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng phát hành 15 đợt, huy động 8.900 tỷ đồng; Ngân hàng Tiên Phong phát hành 6 đợt, huy động 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng Á Châu phát hành 3 đợt, cũng huy động được 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc tế Việt Nam phát hành 3 đợt, huy động được 4.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Quốc tế Việt Nam huy động được 4.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu. Ảnh: VIB

Trong 28.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 5, có 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán). Trong số trái phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng phát hành, thì 26% trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng từ 9,5-11%/năm.

Trong khi sức cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang là ẩn số, vì dòng tiền đang đổ mạnh vào cổ phiếu, thì nguồn cung lớn đang trực chờ tung ra thị trường. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đang chuẩn bị triển khai nhiều đợt phát hành, với tham vọng huy động được lượng vốn lớn. Chẳng hạn như, Hội đồng quản trị của Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã chứng khoán CTG niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM- HOSE) vừa thông qua phương án phát hành tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Lượng trái phiếu này sẽ được Ngân hàng phát hành thành 2 đợt, trong đó đợt 1 từ quý II đến quý III/2021, đợt 2 từ quý III đến quý IV/2021.

Một doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch phát hành lượng trái phiếu lớn, đó là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (BCM- HOSE). Theo đó, Hội đồng quản trị của BCM đã thông qua phương án phát hành hành trái phiếu lần 2 năm 2021, với tổng mệnh giá đối đa là 1.500 tỷ đồng. Lượng trái phiếu này sẽ được BCM phát hành từ 3-5 đợt trong quý II- III/2021...

Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI- HOSE) cũng vừa thông qua phương án dự kiến trong quý II/2021, phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng.../.