Sáng nay 21/6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi nợ xấu cần xử lý là các khoản nợ xấu phát sinh trong thời hiệu của Nghị quyết để thống nhất các biện pháp xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý tối đa nợ xấu. Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết chỉ xử lý đối với khoản nợ xấu tính đến 31/12/2016 để nâng cao trách nhiệm của TCTD trong quan hệ tín dụng. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2017.

Theo báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội, có 2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu của hai phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu/phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số đại biểu.

Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy để bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng như đã đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15/8/2017.

Còn sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới. Sau quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các TCTD có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017.

Về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, có ý kiến cho rằng quy định ba điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như dự thảo Nghị quyết là thiếu, đề nghị bổ sung thêm 2 điều kiện đã quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ thấy rằng các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không phù hợp với tính chất của giao dịch bảo đảm, TCTD khó áp dụng được các điều kiện này để áp dụng trình tự thủ tục rút gọn tại Tòa án. Việc không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, do đó, căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết đã bổ sung cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở giao dịch bảo đảm này đã được đăng ký theo quy định của pháp luật (phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba). Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, Nghị quyết này đã giao Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn chi tiết về áp dụng thủ tục rút gọn.

Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản (Điều 10), có ý kiến đề nghị quy định rõ về điều kiện "Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại khoản 1 Điều 10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Điều 148 Luật Nhà ở năm 2015 thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp chỉ cần có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, mà không yêu cầu có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để phù hợp với Luật Nhà ở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh sửa lại thành hai điều kiện như sau: “Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật” tại điểm a khoản 1 Điều 10 và "Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại điểm b khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị quyết./.