eMagazine
Nhân lên Yêu thương Việt Nam

14:22 | 21/04/2022

Nhân lên Yêu thương Việt Nam
Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Những tràng pháo tay vang lên ấm cả Hội trường lớn Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi em Nguyễn Văn Hùng, đại diện những người yếu thế dự Chương trình Yêu thương Việt Nam đặt câu hỏi: “Có phải chúng ta về Bộ chính là về nhà không?”… Dòng cảm xúc chân thành, trong sáng của 8 nhóm yếu thế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận bảo trợ cứ thế nhân lên niềm vui, niềm tin vào sự tử tế và cả niềm hạnh phúc âm thầm của bao nỗ lực kết nối, lan tỏa Yêu thương Việt Nam…

Mùa Xuân đầu tiên…

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Chương trình Yêu thương Việt Nam

Lời đầu tiên trong chia sẻ với 8 nhóm yếu thế về dự Chương trình Yêu thương Việt Nam ngày 20/4/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dành để trả lời câu hỏi của em Nguyễn Văn Hùng: “Các bạn về đây, về Bộ là về nhà của mình” - một Ngôi nhà lớn lan tỏa tinh thần nhân văn, sự tử tế, trách nhiệm và bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người.

Bộ trưởng cho biết, chính Ông đã yêu cầu Giáo sư Tôn Thất Triêm chọn bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” cho nhóm khiếm thị biểu diễn, để kết nối và nhân lên tình thương được gửi gắm trong những ca từ rất đẹp của nhạc sỹ Văn Cao: “Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người ...”. Đây chính là tinh thần của chương trình “Vì sự phát triển cộng đồng” thuộc chương trình “Tự hào Việt Nam” do Bộ Kế hoạch Đầu tư khởi xướng từ năm 2018.

Cũng theo Bộ trưởng, với sự nỗ lực thúc đẩy phát triển công bằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quan tâm, chăm lo đến đời sống của những người khuyết tật. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn những khó khăn, nên mới bảo đảm được những nhu cầu cơ bản nhất của những đối tượng này. Bên cạnh đó, xã hội và cộng đồng cũng đã có nhiều hoạt động và nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đối với những người khuyết tật nhưng trên thực tế thì cũng chưa thể đáp ứng hết được các nhu cầu.

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Hợp ca Hy vọng do Giáo sư Tôn Thất Chiêm dẫn dắt giúp người mù cất tiếng hát dâng tặng cho cuộc sống

Lắng nghe lời ca tiếng hát và chứng kiến tài năng của người khuyết tật đang hàng ngày vươn lên để khẳng định mình, Bộ trưởng cho biết, ông thực sự xúc động. “Các bạn đã cho chúng tôi thấy được nghị lực, khát vọng làm việc và cống hiến. Chính các bạn đã cho chúng tôi một bài học, một động lực, một khát vọng để thay đổi và vươn lên”. Bộ trưởng phát biểu và tâm sự: “Phía trước còn rất nhiều việc chúng tôi muốn làm, muốn lan tỏa để xã hội biết và chung tay hỗ trợ các bạn”.

.

Nhân lên Yêu thương Việt Nam
Đại diện 8 nhóm khuyết tật được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ từ năm 2018 chup ảnh chung cùng các đại biểu tham dự Chương trình Yêu thương Việt Nam, ngày 20/4/2022

“Tôi mong xã hội quan tâm hơn tới cộng đồng người khuyết tật…”

Động viên cộng đồng khuyết tật hãy TỰ TIN và MẠNH MẼ tiến về phía trước, hãy làm những điều mình muốn, đóng góp với xã hội, mang lại hạnh phúc cho gia đình và bản thân mình, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ mong muốn: “Xã hội hãy quan tâm hơn tới cộng đồng người khuyết tật”. Cộng đồng người khuyết tật vẫn đang từng ngày nỗ lực, họ xứng đáng được trân trọng, được nâng đỡ để hòa nhịp với cuộc sống và tự tin được làm những việc muốn làm.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược với rất nhiều công việc chuyên môn và phức tạp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xã hội, quyết tâm dành thời gian và công sức, tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như: ủng hộ người nghèo, hỗ trợ đồng bào ở những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, giao lưu, trợ giúp những đối tượng yếu thế, người khuyết tật... với một mục tiêu duy nhất là Vì sự phát triển của cộng đồng.

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Bộ trưởng đến thăm các gian hàng của người khuyết tật tại Chương trình Yêu thương Việt Nam

Trong hơn 4 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các nhóm khuyết tật, thông qua việc lồng ghép với các hoạt động của Bộ. Việc này đã mở ra một hướng tiếp cận mới, làm thay đổi sâu sắc tư duy và nhận thức của nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy. Cụ thể, việc thiết kế và thực thi các chính sách phát triển phải có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế và người khuyết tật. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý thức rõ ràng rằng, người dân phải là trọng tâm của quá trình phát triển. Mọi chính sách của Nhà nước, Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi và quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng nói.

Nền văn minh của Tình thương

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Từ câu chuyện của chính mình, em Nguyễn Văn Hùng đề xuất, xã hội cần tạo dựng và lan tỏa nền văn minh của Tình thương, bên cạnh nền văn minh công nghệ

8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ đại diện cho những nhóm người khiếm thính; khiếm thị; tự kỷ; xương thủy tinh, khuyết tật đa chức năng… trong số hơn 6 triệu người khuyết tật tại Việt Nam (theo con số chính thức từ Bộ Lao động - Thương binh - xã hội; con số thực tế có thể cao hơn nhiều). Trong bối cảnh bình thường, người khuyết tật đã khó hòa nhập và khó có cơ hội phát triển, trong hoàn cảnh đại dịch vừa qua, người khuyết tật là đối tượng yếu thế bị tổn thương nhiều nhất. Tuy nhiên, Chương trình Yêu thương Việt Nam chia sẻ một góc nhìn rất đẹp về người khuyết tật, đó là những tấm gương sáng, cố gắng, nỗ lực vươn lên, thể hiện tinh thần “không gì là không thể” ở chính những con người yếu thế nhất xã hội này.

Em Nguyễn Văn Hùng một lần nữa thúc đẩy người khiếm thị hãy mạnh mẽ dùng cây gậy trắng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng để tự tin bước ra cuộc sống. Cây gậy là phương tiện giúp kết nối người khuyết tật với người không khuyết tật, đồng thời là phương tiện để nâng cao nhận thức cộng đồng về người yếu thế, giúp người mù “đứng thẳng” và đón nhận những cơ hội cho chính mình. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dang tay giúp đỡ, trao cho chúng ta cây gậy cũng như điểm tựa niềm tin để hòa nhập với xã hội, với thế giới. Chúng ta hãy giữ những cảm xúc đẹp đẽ và niềm tin ấy để kể cho những người cùng cảnh ngộ, để thấy, dù hoàn cảnh khó khăn đến mức nào vẫn luôn có một tình thương không giới hạn, lan tỏa và kết nối mọi người dân Việt Nam”, Hùng khích lệ.

Tâm sự với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các thành viên dự Hội nghị Yêu thương Việt Nam, em Hùng cho biết, từ khi có cây gậy trắng, Hùng bước ra ngoài đường nhiều hơn, đi xe bus nhiều hơn và tự tin đi… hỏi vợ. Có một gia đình nhỏ ấm áp, Hùng tiếp tục các nỗ lực làm việc và sáng tạo, em tham gia nhiều mảng việc như hướng dẫn các startup, làm huấn luyện viên và mở lớp dạy MC cho những người có nhu cầu. Từ câu chuyện vươn lên làm việc và phát triển bản thân của mình, Hùng mạnh dạn đề xuất, xã hội cần tạo dựng và lan tỏa nền văn minh của Tình thương, bên cạnh nền văn minh công nghệ. Trong nền văn minh ấy, khát vọng của Giáo sư Tôn Thất Triêm - người Thầy đang dẫn dắt những người mù Việt Nam cất lên tiếng hát, sẽ đến gần hơn với hiện thực. Đó là khát vọng tất cả chúng ta đều là anh em, cùng chung sống trong sự bao dung và tình thương của Đất Trời.

Nhân lên Yêu thương Việt Nam
Bộ trưởng tặng bằng khen, động viên các nhóm yếu thế tiếp tục sáng tạo và vươn lên, đóng góp cho xã hội

Hãy cho tôi một điểm tựa…

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

“Cô gái xương thủy tinh” Thu Thương kể cho Bộ trưởng nghe về việc cô vừa quyết định lập thêm 1 doanh nghiệp mới...

Được nhận quà từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Chương trình Yêu thương Việt Nam, “cô gái xương thủy tinh” Thu Thương chia sẻ, từ khi có duyên được kết nối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cô và những người cùng cảnh ngộ rất hạnh phúc khi được nhiều anh chị em trong Bộ coi như người thân, động viên tinh thần và cả những hỗ trợ đặc biệt trong tiêu thụ sản phẩm. Thương Thương handmade là ngôi nhà thứ hai cho những người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, đến từ nhiều miền quê khác nhau, được học nghề và làm ra những sản phẩm chủ yếu là nghệ thuật cuốn giấy. Dù từng ngày phải đối mặt với bệnh tật, nhưng Thu Thương cho biết, nhóm của cô luôn luôn cố gắng làm việc thật tốt, cho ra các sản phẩm đẹp để có thể bán được và tự trang trải cho cuộc sống. Điều may mắn nhất, như Thu Thương chia sẻ là, nhiều sản phẩm được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&ĐT đặt mua để tặng cho các khách quốc tế. “Đó là niềm động viên và giúp đỡ rất thiết thực với những người khuyết tật như chúng em”, Thương nói.

Đặc biệt, chia sẻ với Bộ trưởng, Thu Thương báo tin vui, với sự cộng tác của một người bạn, cô vừa mở thêm một doanh nghiệp mới, chuyên đào tạo về Marketting, hiện đã có hơn 10 học viên theo học. Nỗ lực vươn lên của Thu Thương - cô gái xương thủy tinh chưa tới 20 kg, khiến Bộ trưởng không khỏi xúc động. Ông bắt tay thật chặt Thu Thương và cho biết, Ông mong muốn góp một phần vốn nhỏ cho doanh nghiệp mới của em có thêm động lực vươn lên…

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Các thành viên trong Hợp tác xã Tâm Ngọc

Chủ cơ sở Hợp tác xã Tâm Ngọc, em Nguyễn Thị Thuần chia sẻ, nhiều lần bị từ chối khi đi xin việc làm, em thấu cảm những thiệt thòi của những người khuyết tật trong cuộc sống cũng như khi phải làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Do đó, khát vọng tìm cho mình một cơ sở để có thể tập hợp, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, dù biết sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thôi thúc em mỗi ngày. Năm 2019, sau nhiều nỗ lực chuẩn bị và nỗ lực, HTX Tâm Ngọc được thành lập với 7 thành viên là người khuyết tật. Tâm Ngọc tự trồng nguồn nguyên liệu cho trà thảo dược trên một ngọn đồi và chế biến thành sản phẩm trà thảo dược. “Đây là bước ngoặt và niềm vui vô cùng lớn khi chúng em có một nơi để tự khẳng định bản thân, hòa nhập cộng đồng”, Thuần cho biết.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến HTX Tâm Ngọc mới ra đời phải chịu thách thức, khó khăn chồng chất. Không đầu hàng trước hoàn cảnh, người đứng đầu HTX Tâm Ngọc đã tìm mọi cách duy trì sản xuất, kết nối chuỗi liên kết với một số hợp tác xã, tạo niềm tin, động lực, sự gắn kết của những người khuyết tật để tiếp tục tạo ra sản phẩm tốt, hữu ích cho cuộc sống. Mang đến Chương trình Yêu thương Việt Nam những gói trà xinh xắn, an lành, các thành viên HTX Tâm Ngọc rất vui khi Chương trình kết thúc cũng là lúc hầu hết các sản phẩm của HTX Tâm Ngọc đều được tiêu thụ hết. Em tâm sự, khoảng 2 tháng nữa, HTX sẽ có mít chín, có ổi thơm, có dưa ngọt… Mong sao HTX nhận được sự chung tay phân phối của anh chị em ngành kế hoạch - đầu tư cũng như xã hội, để tạo động lực cho người khuyết tật được tiếp tục làm việc, cống hiến cho đời…

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Bộ trưởng trao đổi với Chủ tịch Công ty KymViet - doanh nghiệp của người câm điếc được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ và đặc biệt, nhiều sản phẩm của KymViet được Bộ trưởng chọn làm quà tặng các tổ chức quốc tế

Nhà bác học Acsimet để lại cho đời những công trình khoa học vĩ đại và câu nói nổi tiếng: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên". Trong đời sống hàng ngày, điểm tựa có thể là một cơ hội học tập, một công việc để nuôi sống bản thân, một sản phẩm, một dịch vụ, một sự nâng đỡ tinh thần… để tạo đà cho tiềm năng tỏa sáng. Chương trình Yêu thương Việt Nam - như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong đợi, sẽ lan tỏa và “đánh thức” tình thương xã hội, để người khuyết tật được trân trọng, nâng đỡ và được làm những điều mình mong muốn, phát huy hết tiềm năng vốn có của mình và có cơ hội góp sức xây dựng một xã hội phát triển trong sự tử tế, nhân văn…

Nhân lên Yêu thương Việt Nam

Chương trình yêu thương Việt Nam được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng người yếu thế, để cùng nhau lan tỏa tinh thần nhân ái và yêu thương, thông qua những hành động nhân văn, tử tế và có trách nhiệm

Chúng tôi vinh dự khi được tham dự chương trình đầy ý nghĩa; tự hào phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam. Trẻ em và người khuyết tật tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, cần có nhiều hoạt động có ý nghĩa như sự kiện hôm nay để có sự gắn kết, hiểu và chia sẻ nhiều hơn với họ.

Chương trình Nghị sự vì sự phát triển bền vững với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, mong muốn tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, đảm bảo trẻ em, người lớn và người khuyết tật thực hiện các quyền của mình một cách hiệu quả, hướng tới tương lai đều được đối xử công bằng, phát huy hết tiềm năng vốn có của mình.

Tường Vi

Ảnh: Đức Trung

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 14:22 | 21/04/2022