Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư
Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Ảnh: Tiên Giang

Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Hình: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phân theo loại hình kinh tế theo giá hiện hành quý I các năm 2018-2022

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I năm 2022 ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2021 bằng 13,7% và tăng 14,5%).

Theo cấp quản lý, vốn trung ương đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12% kế hoạch năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 64,1 nghìn tỷ đồng, bằng 14,9% và tăng 9,3%. Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 43 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% và tăng 6,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và tăng 17,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% và tăng 3,4%.

Hình 2: Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành quý I các năm giai đoạn 2018-2022

Tổng cục Thống kê nhận định, số liệu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Tính riêng nguồn vốn nhà nước, nhiều bộ, địa phương có số vốn thực hiện lớn trong quý I/2022. Bộ Giao thông vận tải thực hiện đạt 6.164 tỷ đồng, bằng 14,9% kế hoạch năm và tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đạt 202 tỷ đồng, tăng 30,2%.

Hải Phòng thực hiện đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 22,8%. Con số này của Nghệ An, Quảng Bình, Hòa Bình lần lượt là 1.526 tỷ đồng, tăng 27,8%; 1.018 tỷ đồng, tăng 68,8%; 1.212 tỷ đồng, tăng 90,5%;…

Trong tháng 3/2022, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ giải ngân vốn đầu tư công cho một số dự án lớn như: Cao tốc Bắc - Nam 910 tỷ đồng; trả nợ dự án BT La Sơn - Túy Loan 840 tỷ đồng; dự án cải tạo Quốc lộ 20 dự án thành phần 1 với 450 tỷ đồng và giải ngân cho các dự án quan trọng, cấp bách 220 tỷ đồng...

Cũng trong tháng 3/2022, các dự án dự kiến cán đích gồm dự án thành phần 1 và thành phần 2 thuộc dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 qua địa bàn hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương).

Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu về đích 26 dự án giao thông đường bộ, đáng chú ý có 361km 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ – La Sơn; Dầu Giây – Phan Thiết; Phan Thiết – Vĩnh Hảo.

Tính đến nay, sau hai đợt giao chi tiết kế hoạch năm, Bộ Giao thông vận tải phân bổ gần 42.000 tỷ đồng, đạt 83,45%. Các dự án còn lại chưa được giao kế hoạch trung hạn và chưa phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, một số bộ, địa phương có số vốn thực hiện nguồn ngân sách nhà nước trong quý I đạt mức tăng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Hà Nội, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bình Dương…/.